leftcenterrightdel

Bài 2: Thúc đẩy quan hệ Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững

Những ngày tháng 5 nắng lửa, vượt qua hàng trăm km đường bộ từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), đoàn chuyên gia y tế Việt Nam với 18 thành viên đã có những ngày tháng liên tục, không ngừng nghỉ hỗ trợ, cứu trợ nước bạn Lào trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 14 ngày làm việc không mệt mỏi, dừng chân tại 3 địa phương có điểm nóng về dịch là Champasak, Vanansakhet và thủ đô Vientiane, 18 cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng viên từ các bệnh viện hàng đầu của Việt Nam đã có một hành trình cứu trợ với sứ mệnh đối ngoại quốc tế đầy ấn tượng và đáng nhớ trên đất nước Triệu Voi, xứ sở của hoa Chăm-pa và vùng đất của điệu múa Lăm-Vông ngọt ngào, dễ thương, dễ nhớ.

Lịch trình làm việc tại 3 địa phương của Lào đều có các điểm khá tương đồng, đó là: bệnh viện tỉnh, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung… có phát sinh thêm hoạt động tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Tận dụng thời gian tối đa, Đoàn đã cùng một lúc chia 3 mũi triển khai công tác gồm: 1 nhóm báo cáo lãnh đạo tỉnh, 1 nhóm là công tác dịch tễ và 1 nhóm khám, chữa bệnh. Có thể thấy, lịch làm việc dày đặc, chỉ trừ thời gian di chuyển, không có buổi nào các thành viên trong Đoàn nghỉ cho đến tận đến lúc về. Rất may mắn và cũng là một điều rất vui với cá nhân tôi khi đảm nhận vai trò Trưởng đoàn là Đoàn công tác lần này, các thành viên đều khá trẻ với: 3 thành viên ở thế hệ 7x, 10 thành viên thế hệ 8x và 5 thành viên thế hệ 9x’’ – Trưởng đoàn Vương Ánh Dương nói.

Ths.BS Vũ Tưởng Lân, Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai, công tác trong ngành y hơn 10 năm, đã đi khắp cả nước kể từ khi bùng phát dịch từ năm 2020, tham gia xây dựng Bệnh viện Dã chiến Trường Sơn – Đà Nẵng, quay lại Hải Dương, lên Điện Biên nhưng đây cũng là lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ cứu trợ quốc tế với chuyến đi Lào lần này. Chia sẻ với chúng tôi, BS Lân tâm sự:

Ấn tượng nhất là Champasak, Lào – điểm đến đầu tiên của Đoàn với hành trình vượt qua đoạn đường núi dài, gặp cơn mưa to làm dội lên “cảm giác nhớ nhà da diết”.  Càng ấn tượng hơn nữa là tại đây, cá nhân tôi cũng đã được trực tiếp cấp cứu một ca bệnh nặng gần sát biên giới Thái Lan trên địa bàn Champasak của Lào, mặc đồ bảo hộ đi cùng với Phó Giám đốc bệnh viện Champasak đến khám cho bệnh nhân, phát hiện tình trạng diễn biến xấu của bệnh nhân rất nhanh. Tổ điều trị đã nhanh chóng hội chẩn, thống nhất phác đồ điều trị, sau thở máy 2-3 ngày tình trạng bệnh nhân ổn hơn”.

Cũng qua trao đổi, BS Lân còn chia sẻ về một chi tiết đáng nhớ tại Vientiane mà Đoàn được bạn Lào nhờ hỗ trợ. “Mặc dù đã thu dọn hành lý nhưng khi được bạn gọi, chúng tôi cũng dỡ vội hành lý, mặc đồ bảo hộ để hội chẩn một ca COVID có biến chứng nặng. Qua đó, Đoàn đã chia sẻ nhiều cách thức giúp bạn hội chẩn và có phác đồ điều trị kịp thời với các ca tương tự trong thời gian tới"- BS Lân nói.

leftcenterrightdel
 Nhóm chuyên gia dịch tễ và xét nghiệm tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tỉnh Champasak, Lào

BS. Nguyễn Xuân Nhật Duy – một trong các thành viên trẻ tuổi nhất Đoàn chia sẻ: “Khi nhận được thông tin và quyết định trong Đoàn công tác, cá nhân tôi lẫn lộn thật nhiều cảm xúc: lo lắng, hoang mang nhưng cũng tự hào, phấn khởi, kèm một chút hào hứng… Lo lắng vì bản thân tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều lại nhận nhiệm vụ chống dịch và có tính chất ngoại giao quốc tế… Nhưng hơn hết thảy là quyết tâm và kiên định để hoàn thành nhiệm vụ được tin tưởng giao phó đồng thời coi đây vừa là môi trường thể hiện khả năng vừa là cơ hội để thử thách khả năng của bản thân, vượt qua khó khăn để trưởng thành”. (Tròn 27 tuổi, ra trường 3 năm và có trong tay chuyến công tác lớn đầu tiên trong cuộc đời hành nghề y của mình kể từ khi về công tác tại BV Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh). 

Việt - Lào cùng đồng hành trong công tác phòng,
chống dịch COVID-19

Quá trình khảo sát thực tế tại một số địa phương của bạn Lào đã cho thấy, về cơ bản, hệ thống y tế và kế hoạch hành động phòng chống dịch, các chiến lược và biện pháp đã và sẽ đưa ra có điểm tương đồng hay nói cách khác là Việt Nam và Lào đang cùng nhau đồng hành trong công tác chống dịch.

Chẳng hạn, Lào cũng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và các cấp tỉnh, huyện, xã tương ứng với đầy đủ các Bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện mọi hoạt động phòng, chống dịch và cũng huy động cán bộ là trưởng làng, công an và quân đội cùng tham gia…

Đặc biệt là sự phối hợp các cấp chính quyền trong phòng chống dịch, thống nhất đồng lòng từ trên xuống dưới. Có chăng có sự khác biệt có thể chỉ là mức độ nông, sâu của mỗi biện pháp mà hai quốc gia đang triển khai, hay năng lực để triển khai biện pháp đó có khác nhau, như trong công tác dịch tễ: giám sát, truy vết khi phát hiện ca bệnh dương tính, hiện tại, Lào vẫn sử dụng hệ thống y tế là chủ yếu và dựa vào sự tham gia tự nguyện của người dân trong cả công tác truy vết dịch tễ và công tác xét nghiệm. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa cao, nhất là trong công tác truy vết, quản lý kết quả xét nghiệm…

Công tác thu dung, quản lý điều trị, năng lực chuyên môn các cơ sở khám, chữa bệnh của Lào mới dừng lại ở khả năng điều trị cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn cho các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine, chưa có thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu liên tục, các xét nghiệm hỗ trợ theo dõi điều trị hồi sức nâng cao ở cả tuyến Trung ương và tỉnh để điều trị những ca bệnh rất nặng.

leftcenterrightdel
Đoàn khảo sát thực tế tại bệnh viện tỉnh Champasak, Lào 

Đánh giá riêng về công tác hồi sức cấp cứu của bạn, Ths.BS Tú Anh, thành viên Đoàn phân tích: bạn còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị y tế, máy móc, điều kiện làm việc khó khăn. Qua khảo sát tại 3 địa phương, Đoàn đã hỗ trợ, giúp bạn thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu đồng thời kiến nghị bạn cần thiết có thể phải nâng cấp lên các kỹ năng: lọc máu liên tục, tim phổi nhân tạo cũng như đầu tư bổ sung thêm các trang thiết bị y tế và thuốc điều trị đặc biệt cho bệnh nhân nặng. “Chuyến hành trình cứu trợ lần này với tôi là một cơ hội và cũng là thử thách để cá nhân tôi nói riêng và các thành viên trong Đoàn nói chung học hỏi được nhiều và trưởng thành hơn”- BS Tú Anh nói.

Nhìn chung, công tác phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương của bạn Lào đã và đang thực hiện quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương; Công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh COVID-19; Các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Đặc biệt, công tác giám sát dịch tễ đã có kế hoạch phòng chống, đáp ứng dịch COVID-19 linh hoạt, phù hợp; có hướng dẫn quy trình giám sát dịch tễ cụ thể. Huy động các cấp chính quyền, công an, quân đội tham gia quản lý khu cách ly tập trung.Công tác truyền thông đã khuyến khích được người dân trong cộng đồng tham gia tự nguyện vào công tác phòng chống dịch.

Thực tế, mặc dù Lào mới chỉ đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2, nhưng đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ cho công tác phòng chống dịch này, đã xây dựng và ban hành đầy đủ các Quy trình giám sát những người nhập cảnh từ lúc nhập cảnh  cho đến khi đưa vào các khu cách ly tập trung; Quy trình trả gửi kết quả xét nghiệm; Hướng dẫn hoạt động truy vết; đặc biệt hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đã được cấp nhật tới phiên bản 4...

Đáng chú ý, về công tác xét nghiệm COVID-19, bạn cũng đã thiết lập được đơn vị xét nghiệm tại các tỉnh; cán bộ được tập huấn nắm chắc kỹ thuật chuyên môn. Sinh phẩm và vật tư xét nghiệm được cung cấp đầy đủ và kịp thời.

Riêng về công tác vệ sinh môi trường, bạn đã cơ bản xây dựng và phổ biến hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường, quản lý rác thải cho người được cách ly và nhân viên phục vụ; Phòng ngừa lây nhiễm chéo trong Bệnh viện đã thực hiện sàng lọc tại cổng vào; thiết lập khu cách ly; trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân và dung dịch khử khuẩn.

Nhất là, về công tác bảo đảm năng lực cấp cứu, điều trị COVID-19, bạn đã lên kế hoạch phân công các bệnh viện quản lý điều trị ca bệnh cụ thể; Bộ Y tế thường xuyên xây dựng và cập nhật hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác đi khảo sát tại Trung tâm cách ly tỉnh Savannakhet, Lào

Một hành trình "nhớ mãi không quên"

Với thời gian hoạt động gần 1 tháng, ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak (11-15/5), tỉnh Savannakhet (16-19/5) và tại thủ đô Viêng Chăn (20/5-22/5), Đoàn đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các làng/xã có tỷ lệ người mắc COVID-19 cao; các cơ sở cách ly tập trung; đơn vị xét nghiệm; bệnh viện dã chiến; bệnh viện điều trị ca bệnh nhẹ; bệnh viện điều trị ca bệnh nặng; bệnh viện đa khoa tỉnh; trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân. Đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sĩ của các bệnh viện; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Có lẽ, có rất nhiều kỷ niệm trong chuyến công tác này để không chỉ tôi mà nhiều thành viên trong Đoàn nhớ mãi không quên. Riêng với tôi, với việc trực tiếp tham gia vào điều trị thành công một ca bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng là một sản phụ Lào 31 tuổi, mang thai lần thứ hai ở bệnh viện Pholtong, tỉnh Champasak là kỷ niệm vui nhất, ấn tượng nhất. Cảm giác cứu được bệnh nhân khi đó vô cùng hạnh phúc và khó có thể diễn tả bằng lời”- Ths.BS Nguyễn Tú Anh vui mừng chia sẻ.

Khép lại hành trình thần tốc cứu trợ bạn, vỏn vẹn 14 ngày làm việc thực tế cộng với các ngày di chuyển đường bộ liên tục, đoàn đã kết thúc thành công chuyến công tác kéo dài từ ngày 9/5 đến 23/5. Thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn thể người dân Lào, Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn quan tâm, kề vai sát cánh, dành sự hỗ trợ giúp đỡ hiệu quả, chí nghĩa, chí tình cho Đảng, Nhà nước và người dân Lào. “Lần này, Việt Nam không những viện trợ các thiết bị y tế, mà còn cử Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam sang hỗ trợ Lào vào thời điểm Lào đang đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 hết sức nghiêm trọng”- Phó Thủ tướng CHDCND Lào nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Trao tặng Bằng khen của Lào cho đại diện của Đoàn Việt Nam vì những đóng góp tích cực trong công tác hợp tác cứu trợ
leftcenterrightdel
 Đoàn công tác nhận Bằng khen của nước bạn Lào và chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune

Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune cũng hoan nghênh những thành tích và kết quả mà Đoàn công tác Bộ Y tế Việt Nam đã đạt được trong thời gian công tác tại Lào; các chuyên gia y tế Việt Nam đã cùng với đội ngũ y, bác sĩ của Lào làm việc tích cực, khẩn trương tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, xét nghiệm, cơ sở cách ly, kiểm soát dịch COVID-19 ở Thủ đô Vientiane và các tỉnh miền Trung, Nam Lào, nơi đang có dịch bùng phát. Ngài Phó Thủ tướng đánh giá cao sự giúp đỡ khẩn trương và kịp thời của Việt Nam, thể hiện sự lo lắng và quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào trong lúc gặp khó khăn, thử thách. Đồng thời, thể hiện tình đồng chí anh em, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường và không ngừng phát triển đi vào chiều sâu; tin tưởng chắc chắn rằng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục được củng cố vun đắp và ngày càng đơm hoa kết trái./.

leftcenterrightdel
Hành trình hợp tác cứu trợ phòng, chống dịch bệnh trên đất nước Triệu Voi, xứ sở của hoa Chăm-pa và điệu múa Lăm-vông dễ thương, dễ nhớ
 

Trong thời gian hoạt động gần 1 tháng, ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak (11-15/5), tỉnh Savannakhet (16-19/5) và tại thủ đô Viêng Chăn (20/5-22/5), Đoàn đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 02 bệnh viện tuyến Trung ương, 02 bệnh viện Quân đội; 03 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 02 bệnh viện huyện; 03 bệnh viện dã chiến; 03 Trung tâm xét nghiệm COVID-19; 05 Trung tâm cách ly tập trung; 02 làng/xã có tỷ lệ mắc cao; Tổ chức 03 hội thảo tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cùng 06 hội thảo chuyên đề cho 82 lượt chuyên gia tham dự về các lĩnh vực dịch tễ điều tra truy vết, vaccine, xét nghiệm và vệ sinh môi trường; Tổ chức 03 hội thảo tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý điều trị ca bệnh COVID-19 và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện cho trên 90 lượt người tham dự; hội chẩn với lãnh đạo BV, BS điều trị hoặc trực tiếp can thiệp điều trị cho 6 bệnh nhân nặng; xem hồ sơ bệnh án và trao đổi với bác sĩ điều trị cho 15 bệnh nhân nhẹ không triệu chứng.

>>> Bài 1: Sứ mệnh quốc tế từ nhiệm vụ y tế, củng cố thêm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt

Nội dung: Việt Hà
Video clip: Đình Thức
Thiết kế: Thế Dương
07/06/2021 18:51