|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ với phóng viên trước thềm năm mới 2022. Ảnh: TL |
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà với phóng viên trước thềm năm mới 2022.
Phóng viên (PV): Có thể thấy, chưa bao giờ vần đề TN&MT lại là tâm điểm của các chương trình nghị sự phát triển toàn cầu và của đất nước như hiện nay. Nhìn lại kết quả công tác năm 2021 của ngành TN&MT, Bộ trưởng có nhận xét, đánh giá gì?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta vừa trải qua một năm hết sức đặc biệt. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội, làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thiên tai và BĐKH cũng đã trở thành tình trạng khẩn cấp của nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó ngành TN&MT đã sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt với quyết tâm cao nhất để thực hiện 3 mục tiêu: phòng chống dịch hiệu quả; phát huy được các tiềm lực về tài nguyên đóng góp cho tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời xây dựng nền tảng cho một thập kỷ phát triển bền vững dựa trên các hệ sinh thái.
Trên cơ sở đó, nhiều chủ trương lớn được tổng kết, đánh giá để hoàn thiện như: Nghị quyết số 19 về đất đai, Nghị quyết số 02 về khoáng sản, Tổng kết thi hành và sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên nước với tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó việc tiết kiệm, hiệu quả, bền vững phải được ưu tiên cao nhất trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên.
Lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được cắt giảm thực chất, giảm 40% TTHC, 20-85 ngày đối với các thủ tục về môi trường. Bộ TN&MT đã về đích hoàn thành mục tiêu của Chính phủ về phát triển chính phủ điện tử với 100% thủ tục được thực hiện trực tuyến, 80% ở cấp độ 4; việc xử lý, giải quyết hồ sơ, ký số được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, ngành đã từng bước thiết lập nền tảng tài nguyên số để phát triển kinh tế số với cơ sở dữ liệu về thông tin địa lý dự kiến vận hành vào năm 2022, dữ liệu viễn thám, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai của 216 đơn vị cấp huyện với 8,63 triệu hồ sơ địa chính điện tử, số hóa thông tin địa chính của 42.984 thửa đất.
Đặc biệt, chúng ta không chỉ đảm bảo các điều kiện tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế như: quỹ đất cho triển khai các dự án hạ tầng, thu hút, đón nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… mà còn đóng góp nguồn thu ngân sách. Năm 2021, thu ngân sách từ đất đạt trên 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, cao gấp 3,5 lần năm 2015. Nếu tính từ năm 2016 đến nay, thu từ nguồn lực đất đai đạt hơn 1,05 triệu tỷ. Nguồn thu từ tài nguyên nước ước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 5.715 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng của đất nước cho phục hồi kinh tế, phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cùng với đó, với sự điều hành sáng tạo trong vòng 3 tháng, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề giải quyết tình trạng thiếu vật liệu cho phát triển hệ thống giao thông trọng điểm, nguyên liệu cho sản xuất sắt thép. Các lợi thế về biển đang được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển, mở cửa.
Lĩnh vực môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Năm 2021 đánh dấu bước chuyển biến với hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, các chỉ tiêu về môi trường hoàn thành vượt mục tiêu. Trước các tác động ngày càng cực đoan, khó lường của BĐKH, ngành đã chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chiến lược, cam kết mạnh mẽ, hết sức thực tiễn trong giải quyết thách thức chung lớn nhất của toàn cầu. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các dòng tín dụng, đầu tư cho hạ tầng ứng phó với biến BĐKH, chuyển đổi năng lượng.
Có thể thấy, nỗ lực của toàn ngành TN&MT được đánh giá, ghi nhận cao qua chỉ số hài lòng từ phía người dân. Năm 2021, tỷ lệ người dân hài lòng về dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng 4,14%; tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện TTHC giảm 7%, phải trả chi phí không chính thức về đất đai giảm 4% (theo báo cáo PCI). Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%. Bộ TN&MT xếp thứ 5 trong số các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Các chỉ số về bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc so với năm 2016 (vị trí 88).
Những kết quả đáng tự hào đó đạt được là nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, đặc biệt là nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2021 là năm chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp gì để thực hiện mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước tiên để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay từ cuối 2020, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148 về đất đai. Trong năm 2021 và những ngày đầu năm 2022 với tinh thần hết sức khẩn trương thực hiện rà roát hơn 440 văn bản pháp luật giải quyết chồng chéo, Bộ đã trình Quốc hội ban hành 01 Nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 09 Nghị định, 02 nghị quyết chuyên đề khơi thông, giải phóng các nguồn lực tài nguyên đảm bảo đáp ứng các điều kiện đầu vào liên tục của nền kinh tế (như quỹ đất, nước, khoáng sản,..). Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, giãn hoãn tiền thuê đất, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách TTHC, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, trong giai đoạn giãn cách do tác động của đại dịch các hoạt động chỉ đạo điều hành vẫn được thông suốt, các thủ tục môi trường liên quan đến dự án đầu tư vẫn được triển khai với 80,4% TTHC của Bộ được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính kết nối tới Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ ba, đảm bảo quỹ đất và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, tăng cung để bình ổn thị trường. Từ chỗ thiếu 65 triệu m3 vật liệu cho phát triển hệ thống giao thông trọng điểm trong vòng 3 tháng, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề tới nay cơ bản đảm bảo trên 50 triệu m3. Chúng ta cũng đã tăng nguồn cung cho công nghiệp sản xuất thép.
Thứ tư, hỗ trợ hướng dẫn các địa phương triển khai công tác bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, chương trình phục hồi môi trường; thúc đẩy thưc hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 08 dự án với công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 157MW.
Trong đại dịch, đội ngũ cán bộ khí tượng thủy văn vượt khó trong đại dịch để cho ra các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, kinh doanh, phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai không để xảy ra thiệt hại kép do đại dịch và do thiên tai. Năm 2021 đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại, trong đó thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua.
PV: Năm 2022, ngành TN&MT đứng trước nhiều cơ hội và có cả không ít thách thức. Xin Bộ trưởng cho biết ngành cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nào để chuyển hóa khó khăn, tạo cơ hội và động lực cho sự phát triển?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, “luật chơi mới” về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19, mục tiêu trung hòa các-bon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại.
Thực tế đó đòi hỏi phải tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế của thời đại, phải trở thành những người tiên phong đổi mới đột phá về thể chế, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu. Ngành TN&MT sẽ thực hiện sâu sắc phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả” trong năm 2022.
Trước hết, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế trong đó trọng tâm là: Hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 19 về đất đai trình BCH Trung ương ban hành Nghị quyết mới; Tổng kết Nghị quyết số 24 về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH; xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi); xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với mục tiêu cao nhất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Các nguồn tài nguyên phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, quy hoạch và hạch toán đầy đủ, phân bổ hợp lý cho phát triển trước mặt và lâu dài. Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư cho tương lai bền vững.
Hoàn thiện để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về khoáng sản; Tổng kết đánh giá và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản. Trình Quốc hội Quy hoạch sử dụng không gian biển quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống quy hoạch về tài nguyên và môi trường.
Hai là, bên cạnh việc quản lý, sử dụng khai thác tiết kiệm, hiệu của các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn; ngành tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục xây dựng tạo lập tài nguyên số từ các dữ liệu lớn về đất đai, thông tin địa lý, quan trắc, viễn thám, dữ liệu khí hậu để thực hiện mục tiêu kinh tế hóa tài nguyên, môi trường và phát triển kinh tế số.
Ba là, tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, thượng tôn pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, thất thoát, lãng phí, trong quản lý tài nguyên và môi trường, các hành vi nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.
Bốn là, triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung rà soát tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Xây dựng các giải pháp chiến lược tổng thể về an ninh tài nguyên nước, bao gồm các chủ trương, đối sách trong chia sẻ tài nguyên nước xuyên biên giới…
Năm là, xu thế của thế giới hậu COVID-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Trước xu thể đó, Việt Nam cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư. Triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh dựa vào sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái. Thu hút nguồn lực xã hộ trong xử lý chất thải, rác thải theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Sáu là, thực hiện giải pháp chiến lược, đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26; hoàn thiện thể chế, chính sách; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác, tiếp cận công nghệ, và đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh vào hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển. Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn, giám sát BĐKH; giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tại kịp thời, tin cậy.
Bảy là, điều tra, đánh giá đầy đủ, thực chất tiềm năng các nguồn tài nguyên, kiểm kê, lượng hóa để hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; áp dụng phương pháp tiên tiến trong quản trị tài nguyên. Tìm kiếm các loại vật liệu mới, năng lượng sạch, bền vững.
Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế nhất là ngoại giao về khí hậu, môi trường, chia sẻ khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cắt giảm các tổ chức trung gian nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!