Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái

Thứ sáu, 04/02/2022 09:48
(ĐCSVN) - Những ngày cuối năm 2021, Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thêm một lần nữa khẳng định giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, của loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng.

Niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái

Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cũng như những sinh hoạt văn nghệ của người Thái vùng Tây Bắc. Xòe trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc tộc người và là cơ sở để sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới. Đồng thời, Xòe phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về cơ bản, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn và Xòe vòng. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người, đây cũng là điệu Xòe phổ biến nhất. Chủ thể thực hành Xòe Thái gồm cả người Thái Đen và Thái Trắng, tập trung đông nhất ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái. (Ảnh: HT) 

Xòe được thực hành trong nhiều không gian và thời gian khác nhau, trong các lễ hội của cộng đồng như: Xên mường, Xên bản (lễ cúng mường, cúng bản), Xên Lẩu Nó (lễ cúng rượu măng), Hết Chá (lễ tạ ơn), Kin Pang Then (lễ cúng của các thầy Then), các lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma... Hiện nay, Xòe Thái rất phát triển trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội mới như lễ hội Hoa ban, các Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Việc ghi danh hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Đây cũng là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản.

Theo Ủy ban liên chính phủ, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa trong Công ước 2003; việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên đề cử di sản như được quy định trong Công ước 2003.

Tiếp tục trao truyền và thực hành trong cộng đồng.

Việc Xoè Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái nói riêng mà còn của người dân Việt Nam nói chung. Đi cùng với niềm vui khi di sản được vinh danh là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn để di sản tiếp tục trao truyền và thực hành trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại không chỉ là cơ hội cho Việt Nam quảng bá các di sản của mình ra thế giới, mà quan trọng hơn đó là sự trợ giúp cho cộng đồng chủ thể di sản và các cộng đồng liên quan nhận thức rõ giá trị vai trò của di sản để ứng xử cho phù hợp, giúp di sản đóng góp vào đời sống văn hóa, kinh tế của cộng đồng và xã hội.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Xòe Thái được ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại sẽ làm tăng thêm nhận thức và tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối với những cá nhân cộng đồng người Thái và các dân tộc khác. Sự ghi danh này càng làm tăng thêm lòng nhiệt tình của thành viên cộng đồng và người ngoài cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ gìn giữ và thực hành các điệu Xòe. "Việc ghi danh cũng là cơ hội để Xòe ở các bản mường Tây Bắc và mọi người trên khắp đất nước Việt Nam biết đến, nâng cao sự tôn trọng đối với sự sáng tạo của nhân loại trong việc thể hiện khát vọng chung của con người về một cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc" - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc cần làm là triển khai các hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa, nhận diện giá trị hiện trạng của di sản, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, vinh danh nghệ nhân, nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể nói riêng và của chủ thể xã hội nói chung về giá trị của di sản.

Theo TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, Xoè Thái được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể là niềm tự hào của người Thái, của các dân tộc Việt Nam. Để Xoè Thái được sống mãi trong cộng đồng, Xoè nên được giáo dục từ khi trẻ là học sinh cơ sở, học sinh phổ thông. TS Trần Hữu Sơn cho rằng, lớp trẻ của Mường Lò (Yên Bái) chỉ 10-12 tuổi bắt đầu học xoè. Chính vì vậy vai trò của đội văn nghệ rất quan trọng trong việc thu hút lớp trẻ. Nếu chỉ để các cụ già bảo tồn Xoè Thái thì nghệ thuật này sẽ mai một. Muốn lớp trẻ tham gia, cộng đồng người Thái phải được học, tham gia chương trình ngoại khoá.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, ý nghĩa quan trọng nhất của Xòe Thái là thể hiện tình đoàn kết, sự liên kết cá nhân trong cộng đồng. Cùng là Xòe Thái nhưng mỗi vùng, miền lại có thêm nét văn hóa riêng: Yên Bái có 6 điệu xòe cổ; Sơn La, Lai Châu, Điện Biên có những sáng tạo riêng khi trình diễn. Dù ở đâu, bà con người Thái đều tôn trọng sự đa dạng đó, không vì sự khác biệt mà thay đổi bản sắc ở cộng đồng của địa phương. “Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp thực hiện chương trình hành động đã cam kết trong hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của mỗi địa phương” – Ông Đỗ Đức Duy khẳng định.

 

H.Thanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực