Các bệnh viện sẵn sàng phục vụ bệnh nhân dịp Tết

Thứ bảy, 29/01/2022 10:07
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang gõ cửa mọi nhà. Trong khi nhiều người được nghỉ ngơi, chuẩn bị sắm sửa đón Tết, sum vầy cùng gia đình thì hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ trên khắp mọi miền của đất nước vẫn bám trụ, trực chiến tại các điểm nóng để chống dịch COVID-19. Các bệnh viện cũng đã lên phương án sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong dịp Tết.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội) những ngày giáp Tết Nguyên đán mọi hoạt động vẫn diễn ra như bình thường, thậm chí còn căng thẳng hơn, bởi số lượng bệnh nhân COVID-19 chuyển về đây ngày một nhiều hơn. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, hiện cả 500 giường bệnh luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Chính vì vậy, ngày thường cũng như ngày Tết, bệnh viện phải duy trì đủ nhân lực.

“Bệnh viện đang thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trước đây khi chưa có dịch, các y, bác sĩ có thể được nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật. Thế nhưng, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta, rất nhiều nhân viên y tế tại đây chẳng biết Tết là gì”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

 Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TL

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), điều dưỡng Đàm Thị Hương Lan bày tỏ: "Tôi ở đây cùng hơn 100 bác sĩ và điều dưỡng hiện đang chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nặng. Tinh thần chung của chúng tôi là luôn luôn sẵn sàng ở bên cạnh bệnh nhân, cùng với bệnh nhân qua cả những ngày Tết".

Với các bác sĩ tại đây, trực Tết không phải là điều xa lạ, tuy nhiên mùa xuân này lại là một cái Tết rất khác. Bác sĩ Trần Thanh Hùng, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho biết: "Ở đây là bệnh nhân nội khoa, viêm phổi rất nặng, điều trị rất khó khăn… phải lên tinh thần cho mình rất nhiều, quyết tâm rất nhiều thì mới làm việc được tốt trong những ngày này được. Cái thứ hai khác biệt nữa là bình thường mình trực Tết, anh em trong các khoa có thể đi chúc Tết lẫn nhau, nhưng giờ trong môi trường COVID-19 như thế này tất cả đều hạn chế, chúng tôi hạn chế cả tiếp xúc với nhau nữa nên Tết là Tết trong tinh thần của mọi người thôi".

Tết ở trong tinh thần, có lẽ đây cũng là động lực để 27 y bác sĩ của tỉnh Hà Giang vượt hơn 300km xuống hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại đây. Chuyến công tác kéo dài 2 tháng, qua cả những ngày Tết…

Bác sĩ Nguyễn Văn Quỳnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) cho hay: "Đợt này xuống đây có một điều đặc biệt hơn đó là xa quê hương và điều trị người bệnh COVID-19 nên ban đầu có cảm giác hơi hụt hẫng một chút…".

Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân nặng thuộc phân tầng 3. Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc vẫn tăng, số ca nặng cũng có thể tăng lên. Vì vậy, 100% các bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc tại đây đều có tên trong danh sách trực Tết và món quà năm mới của họ không gì khác chính là sự hồi phục của các bệnh nhân.

"Anh em chúng tôi luôn động viên nhau vì những người bệnh đang nằm hôn mê, thở máy… chúng tôi cố gắng hết mình vì người bệnh và cũng là vì người thân quê nhà đang mong chờ" - bác sĩ Nguyễn Văn Quỳnh chia sẻ.

Bác sĩ Trần Thanh Hùng cho biết thêm: Công tác điều trị và chăm sóc gặp nhiều khó khăn… nên chúng tôi xác định là ở lại với bệnh nhân và cố gắng điều trị hết mình cho họ để gia đình của họ cũng yên tâm ăn Tết và bản thân y bác sĩ khi thấy bệnh nhân được hồi phục khoẻ mạnh cũng là nguồn động viên cho chúng tôi trong những ngày Tết sắp tới".

Còn với 66 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đang bám trú tại Trung tâm hồi sức COVID-19 ở tỉnh Vĩnh Long, năm nay, họ cũng đón Tết xa nhà. Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Trung ương tâm sự: “Chúng tôi phải đón 3 cái Tết ở Vĩnh Long mới về Hà Nội, đó là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng. Ở đây thấy hoa mai vàng nở, nhớ hoa đào và không khí giáp Tết của Hà Nội, cũng thoáng chạnh lòng nhớ gia đình, bạn bè, nhưng chúng tôi lại động viên nhau cố gắng, vì người bệnh đang cần chúng ta”.

Để động viên các y, bác sĩ không được đoàn viên bên gia đình trong năm mới, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện dự kiến tổ chức một cầu truyền hình trực tuyến vào chiều 30 Tết, kết nối điểm cầu tại bệnh viện và tỉnh Vĩnh Long. Qua cầu truyền hình, người thân của những y, bác sĩ đang chống dịch xa nhà sẽ được chia sẻ, trò chuyện với họ vào thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã lên kế hoạch dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh…, đồng thời ứng trực cấp cứu sẵn sàng 24/24 giờ bảo đảm phục vụ tốt công tác điều trị cho bệnh nhân trong những ngày Tết.

Không chỉ phân công lịch trực Tết tới từng cán bộ, nhân viên, từng khoa, phòng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng lên kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực, vật lực để đáp ứng các tình huống bất ngờ xảy ra.

PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông tin, bệnh viện có 3 cơ sở, trong những ngày Tết sẽ có 2 cơ sở hoạt động, đó là một cơ sở chính điều trị tất cả bệnh lý về sản phụ khoa và một cơ sở dành những giường bệnh để điều trị cho những thai phụ bị nhiễm COVID-19. Trong những ngày Tết, bệnh viện cũng bố trí chu đáo các bữa ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tổ chức chúc Tết người bệnh và cán bộ nhân viên.

 Đảm bảo tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch COVID-19 dịp Tết. (Ảnh: Thảo Trần)

Không được xử lý chậm trễ với người bệnh cấp cứu dịp nghỉ Tết

Để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có công văn gửi Giám đốc các bệnh viện, Sở Y tế, cơ quan y tế về việc tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị trên chỉ đạo, thực hiện bảo đảm thường trực 4 cấp, chủ động đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19, tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; xây dựng phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, máu, oxy, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

Đặc biệt, Cục yêu cầu các đơn vị trên phải bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Các đơn vị cần tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp tết, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách; chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, ứng xử ân cần, hòa nhã; thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.

 Giao 37 Bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có quyết định số 209 về việc giao nhiệm vụ cho 37 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế giao 37 bệnh viện và viện phải tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Đồng thời hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 cho địa phương khi có đề nghị, đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của bệnh viện.

Danh sách cụ thể 37 bệnh viện, viện trực thuộc bộ tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 như sau:

1. Bệnh viện Bạch Mai. 2. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 3. Bệnh viện Trung ương Huế. 4. Bệnh viện Chợ Rẫy. 5. Bệnh viện E. 6. Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên. 7. Bệnh viện Hữu nghị. 8. Bệnh viện C Đà Nẵng. 9. Bệnh viện Thống Nhất. 10. Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam. 11. Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ. 12. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. 13. Bệnh viện Nhi trung ương 14. Bệnh viện K. 15. Bệnh viện Lão khoa trung ương. 16. Bệnh viện Mắt trung ương. 17. Bệnh viện Da liễu trung ương. 18. Bệnh viện Nội tiết trung ương. 19. Bệnh viện Phổi trung ương. 20. Bệnh viện Phụ sản trung ương. 21. Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương Hà Nội. 22. Bệnh viện Tai mũi họng trung ương. 23. Bệnh viện Tâm thần trung ương. 24. Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. 25. Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. 26. Bệnh viện Châm cứu trung ương. 27. Bệnh viện 74 trung ương. 28. Bệnh viện Phong - da liễu Quỳnh Lập. 29. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. 30. Bệnh viện 71 trung ương. 31. Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng trung ương. 32. Bệnh viện Phong - da liễu Quy Hòa. 33. Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (TP.Hồ Chí Minh). 34. Viện Huyết học - truyền máu trung ương 35. Viện Y học biển. 36. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 37. Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh.

Bích Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực