Chân trời mới của sự phát triển

Thứ bảy, 05/02/2022 11:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Năm 2021 là năm đầu tiên Quảng Trị triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mở đầu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo nền tảng để “đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”.

Có thể nói, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, trong đó có hơn 30 năm lập lại tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương được phát triển vượt bậc, cụ thể quy mô nền kinh tế gấp gần 10 lần năm 1989; GRDP bình quân đầu tăng 6,9 lần; sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp; hoạt động thương mại - dịch vụ... đều có những bước phát triển. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, thách thức, trong đó lớn nhất, bao trùm nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 và hậu quả của lũ lụt cuối năm 2020, chưa thể khắc phục triệt để.

Song nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh thành bạn, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng tâm, hiệp lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… theo tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương - Thu hút đầu tư - Tạo đà tăng trưởng” nên năm 2021 Quảng Trị đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế phục hồi và có mặt phát triển khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,5% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người ước đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước hơn 5.500 tỷ đồng, đạt hơn 180% dự toán Trung ương. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực; năng suất hầu hết các loại cây hàng năm đều cao hơn năm 2020.

 Lễ khởi công dự án (Ảnh: Lưu Hương/VGP)

Nhiệm vụ tái thiết sản xuất sau thiên tai đã được tập trung chỉ đạo khẩn trương và đạt nhiều kết quả tích cực. Công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch được duy trì. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư, nhất là năng lượng tái tạo, giao thông, du lịch... Hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra sôi động. Công tác tài nguyên môi trường được quan tâm. Công tác quy hoạch được đặc biệt chú trọng và có cách làm mới. Các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ và đời sống Nhân dân luôn được quan tâm; công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đối ngoại tiếp tục được duy trì, phù hợp điều kiện, tình hình mới.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày quê hương giải phóng (01/5/1972 - 01/5/2022), 50 năm sự kiện chiến đấu bảo vệ Thành cổ (1972 - 2022), đặt ra một số nhiệm vụ cho Quảng Trị như: Huy động có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hiện thực hóa các dự án đầu tư trên địa bàn. Hoàn thành công tác quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”

Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,5 - 7%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 65 - 66 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.125,5 tỷ đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới là 68,3%; tỷ lệ trường được công nhận chuẩn quốc gia đạt 63%; tạo việc làm mới cho 12.000 lao động; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1 - 1,5%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49,9%.

Tín hiệu vui đầu năm mới là ngày 15/01/2022, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh đã phối hợp với các nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Công ty Cổ phần năng lượng Hanwha Hàn Quốc (HANWHA) khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng công suất 1.500 MW với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD) trên diện tích 120ha.

Đây không chỉ là dự án có vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh mà còn là dự án bắt đầu của một thời kỳ mới: Rất nhiều lĩnh vực đã được đánh thức, mở ra chân trời mới cho sự phát triển của vùng đất này./.

Võ Thái Phong - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực