Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nông nghiệp – dấu ấn năm 2021

Thứ tư, 02/02/2022 21:43
(ĐCSVN) - Năm 2021 đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan, không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh. Trong thành công đó, không thể không nhắc đến hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Ảnh: PV)

Bên thềm xuân mới Nhâm Dần 2022, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về một năm đầy thách thức và cũng không ít dấu ấn trong hoạt động của ngành. Một lần nữa, vị Giám đốc đầy tâm huyết với công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp này cũng khẳng định: Xúc tiến thương mại nói chung và xúc tiến thương mại nông nghiệp nói riêng là một trong những công cụ hữu hiệu duy trì và chiếm lĩnh thị trường, làm cho hoạt động bán hàng trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy đưa hàng hóa vào kênh phân phối hợp lý. Xúc tiến thương mại hỗ trợ và tạo cơ hội để doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ.

Phóng viên (PV): Điểm mới trong hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp năm 2021 là gì, thưa ông?

Ông Đào Văn Hồ: Có thể nói là các nhiệm vụ của Trung tâm trong năm 2021 đã hoàn thành và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cho 2022. Ngoài ra, Trung tâm cũng được giao bán hàng tại Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm – có thể nói đây là một chuyển hướng cho tương lai. Chúng tôi đang cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động của Trung tâm theo hướng: Sẽ có Phòng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp, Phòng thị trường và kết nối giao thương, Phòng hội chợ và hợp tác quốc tế, từ đó, đổi mới toàn bộ hoạt động của trung tâm thích ứng với chuyển đổi ngành nông nghiệp chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cái gì có giá trị hơn chủ động để doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và các địa phương qua chỉ đạo của ngành thay đổi nhiều, đặc biệt các Sở ở các địa phương chủ động có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ…

Cũng phải nói thêm rằng, sự kết nối trực tiếp với trực tuyến là một điểm nhấn của năm 2021 đối với Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp nhưng đồng thời cũng là xu hướng cần nhìn nhận lại trong tương lai. Đây sẽ là điểm tựa để ngành nông nghiệp nói chung và xúc tiến thương mại nông nghiệp nói riêng sẽ mạnh dạn chủ động trong chuyển đổi số.

Chúng tôi sẽ cố gắng để làm tốt vai trò cầu nối giữa ngành nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng thực hành nông nghiệp trên nền tảng số, triển khai mạnh mẽ hơn trong thực tế và hy vọng tiếp tục phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn với các hoạt động: Kết nối thương mại điện tử, đưa thông tin về mùa vụ, sản lượng, thời gian thu hoạch… công khai trên nền tảng số, công nghệ blockchain… đăng ký đơn hàng. Bản thân nhiều người dân địa phương hiện nay cũng đã chủ động livestream và bán hàng qua ứng dụng trên nền tảng room, zalo, facebook… Đây là sự thay đổi lớn trong chính mỗi nông dân Việt Nam hiện nay.

Chuyển đổi số cũng góp phần vào chuyển đổi theo thị trường, ứng dụng công nghệ và ngày càng chủ động sản xuất sản phẩm có sức cạnh tranh, tạo ra giá trị cao hơn…

PV: Có thể thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử đã trở thành một kênh tiếp cận thị trường hiệu quả? Xin ông phân tích thêm hơn về kênh này trong hoạt động của Trung tâm trong năm qua và thời gian tới đây?

Ông Đào Văn Hồ: Hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số trở thành giải pháp hữu hiệu giúp DN tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu của cả nước.

Thực tế đã ghi nhận, trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống gặp nhiều khó khăn. Do đó, yêu cầu đặt ra rất cấp thiết là kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (hybrid), nhờ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tiếp cận được các đối tác quốc tế hiệu quả trong bối cảnh đại dịch.

Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là với nông sản nước ta trên môi trường số giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí (vé máy bay, vận chuyển hàng hóa, đi lại, ăn ở...), rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng. Hiệu quả mang lại là đáng ghi nhận nhưng tôi cho rằng, để tăng hiệu quả của phương thức này, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bản thân nông dân Việt và các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; quan tâm, đầu tư cho quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nông nghiệp khẳng định vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh (Ảnh: HNV) 

PV: Vậy hướng triển khai chuyển đổi số của xúc tiến thương mại nông nghiệp cụ thể là gì thưa ông?

Ông Đào Văn Hồ: Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tham gia các hoạt động thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thông qua công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm đang ngày càng phổ biến.

Do đó, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào kênh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số. Cụ thể, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả cạnh tranh kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP ngành nông nghiệp, đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê gian hàng, chi phí tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm để tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay. Phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp của các địa phương trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các điểm du lịch trong TP và các tỉnh, thành.

Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm. Cụ thể, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bao gồm thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì, ấn phẩm quảng bá, website; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thông tin thị trường nông sản về nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ, biến động giá cả thị trường và dự báo thông tin thị trường. Cùng với đó, tư vấn chứng nhận sản phẩm OCOP, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bảo hộ thương hiệu giống, sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các cơ sở đăng ký cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động liên kết vùng như xây dựng kênh diễn đàn kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP và các tỉnh, thành trong cả nước bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số. Liên kết với các tỉnh, thành đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các điểm du lịch tại TP và các tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam từng nhấn mạnh: Trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chủ động tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp sẽ bám sát vào nhận định đó để triển khai nhiều hoạt động linh hoạt, sáng tạo và ứng dụng số mạnh mẽ hơn…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Anh (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực