Đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch COVID-19

Thứ bảy, 29/01/2022 10:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Năm 2021 đối mặt những thách thức, khó khăn rất lớn của đại dịch COVID-19 nhưng Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt hơn cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

 Những chính sách chưa có tiền lệ

Năm 2021 đánh dấu năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... Trong bối cảnh ấy, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội (Ảnh: Mạnh Dũng)

Nhìn lại những kết quả năm 2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.

Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, một mặt, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, Bộ đã chủ động, quyết liệt và linh hoạt phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như: Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg và Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/QĐ-TTg, thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch. 

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đánh giá, kết quả triển khai rất khả quan. Chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, người sử dụng lao động đồng tình cao.

Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP cả nước lên đến 74.102 tỷ đồng hỗ trợ 43,77 triệu lượt người dân, người lao động và gần 742 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Qua đó, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, làm tốt các chính sách “an sinh để an dân”. 

“Tôi cho rằng, nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm, vượt qua giai đoạn khó khăn” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong Nhân dân.

Dấu ấn khác là trong bối cảnh sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với  hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm…

“Kết quả đạt được hiện nay là do sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động là ưu tiên hàng đầu

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh COVID-19 có thể còn tiếp diễn với những diễn biến khó lường trong năm 2022 - 2023 nhưng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, các nước (trong đó có Việt Nam) sẽ chuyển sang “trạng thái bình thường mới”.

Để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm. Cụ thể, duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. 

“Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và thiên tai, rủi ro. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu trên thị trường, hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2030 theo tiêu chí mới từ ngày 1/1/2022.

Cùng với đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa chất lượng lao động trình độ kỹ năng nghề giúp người lao động có cơ sở và cơ hội thuận lợi học tập nâng cao trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng cho thị trường lao động và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Ảnh: Mạnh Dũng)

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cần tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh bền vững: Xây dựng kịch bản, phương án và triển khai các chính sách xã hội đã ban hành bảo đảm an dân và an sinh xã hội đối với người dân, hộ người nghèo, người yếu thế và phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.

Nhấn mạnh vấn đề tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với Trung ương, ban, ngành. Công tác chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.'

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chỉ thị số 35/TC-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp chăm lo chu đáo nhất để mọi người, mọi nhà, nhất là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và những người bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đầm ấm, vui tươi, an toàn, không để ai bị thiếu ăn, không ai không có Tết./.

Tú Giang
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực