Gần như suốt năm 2021 cả nước chìm trong dịch dã, những ngày cuối năm lại thêm thiên tai, lũ lụt nặng nề ập vào các tỉnh miền Trung. Bình thường rồi lại không bình thường. Khi bước vào “làn sóng” dịch COVID-19 thứ tư, tâm lý xã hội không tránh khỏi hoang mang. Lúc đó chúng ta chủ trương phải sớm khoanh vùng, dập dịch, chữa bệnh, phấn đấu “đuổi” hết, "vét" hết F0 ra khỏi cộng đồng, làm sao để “zero” COVID-19. Nhưng rồi, trước tình hình thực tế cả trong nước và quốc tế, trước những diễn biến hết sức phức tạp của virus SARS-CoV-2 biến chủng mới, dần dần theo các chuyên gia y tế, khó mà đuổi, mà vét hết được thứ virus nguy hiểm này. Thế nên phải sống chung, thích ứng an toàn, vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, cố gắng cao nhất để phát triển kinh tế. Đấy là cách tìm thấy “cơ” trong “nguy”; là cái mới, liên tục mới trong những cái bình thường.
Và Xuân nay, mùa Xuân Nhâm Dần lại đến, mê say và náo nức, dù chưa vợi lo âu và chồng chất khó khăn. Có thể gọi đây là mùa Xuân mà mỗi người có bổn phận gắng làm mới hơn những gì đã làm được. Phải tìm cách làm mới bởi suốt hai thập niên đầu thế kỷ XXI, chưa có năm nào kinh tế đất nước suy sụp đến thế. Tính đến ngày cuối năm, gần một triệu người nhiễm COVID-19, hơn 22 nghìn người tử vong. Chưa có con số cuối cùng tăng trưởng kinh tế cả năm, nhưng trong quý III/ 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 6,17%, là mức giảm sâu nhất, ta quen nói nôm na là “tăng trưởng âm”. Đã tăng thì không thể nói là tăng… “âm”. Đó là điều bất bình thường. Cái bánh kinh tế quốc dân không to thêm mà còn mất hẳn.
Vậy, người dân đất Việt vốn thông minh, chịu thương, chịu khó, tiếp thu rất nhanh những thành quả khoa học kĩ thuật của loài người phải tính sao đây? Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết xác định đến giữa thế kỷ này khi nước Việt Nam mới tròn một trăm tuổi phải trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, nói gọn lại là một quốc gia thịnh vượng.
Đường lớn đã mở. Lửa thử vàng, gian nan… thêm một lần thử sức. Dù khó khăn đến đâu cũng không gục ngã. Đó là quyết tâm lớn của toàn dân tộc, phát huy nội lực, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế. Thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Theo cách nói của Đại thi hào Ấn Độ Tagore, (1861-1941), chúng ta vươn tới thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xóa mình đi, mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình.Cho dù khó khăn đến mấy, mục tiêu lâu dài không thay đổi khi chúng ta hướng đến dựng xây một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, có đời sống chính trị lành mạnh và người dân sống hạnh phúc. Trong xã hội mấy năm nay, bà con ta thường nói đến chỉ số hạnh phúc, nghe dần thấy quen và nhận ra rằng, đấy chẳng qua là sự hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, nói đến lòng tốt của con người theo đúng nghĩa “đồng bào”. Thời nay, lòng tốt được xem như khoản đầu tư có tỉ suất sinh lời cao. Lòng tốt nảy nở, giúp chúng ta có thêm một người không đứt bữa, một bệnh nhânđược xuất viện, thêm một vùng đỏ hóa vùng cam, vùng xanh, thêm một nhà máy đi vào sản xuất, thêm một công trình khoa học, thêm một công nhân trở lại làm việc, thêm một mái trường ngừng việc học online, trở lại học tập trung ấm áp tình thầy trò bè bạn, thêm một việc làm nhân nghĩa… thế là hạnh phúc. Những số Một đơn lẻ hợp thành sự đa dạng, gắn kết, tôn cao nhau, làm nên những giá trị mới, sức mạnh dân tộc trong thời kỳ mới. Lòng tốt nảy nở để bớt đi thù hận, thói tham lam, vị kỉ, háo danh.
Để trở thành một quốc gia thịnh vượng, chúng ta đã có hành trang quý báu là thành tựu đổi mới, tính đến xuân này là 36 năm. Nhâm Dần tiếp tục cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ. Cuộc tiếp sức có động lực mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nhà kinh tế đã tính toán rằng, khoảng 30 năm nữa, với đà tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua và sự bứt lên ngoạn mục trong những năm tới, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt quãng 12.500 USD. Tuy nhiên, trước mắt phải kiểm soát tốt dịch bệnh, tìm cách phục hồi nền kinh tế sau năm 2021. Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”.
*
* *
|
Người dân tất bật sắm đào Tết |
Một điều không bao giờ cũ, muốn dân giàu nước mạnh, không thể không nhắc đến mối quan hệ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa. Chúng ta phát triển nhanh, nhưng không nhanh bằng mọi giá mà phải bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Phát triển kinh tế đi liền với giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để “thắng” trọn vẹn trong cuộc chiến này phải làm sao giữ cho cơ thể Đảng khỏe mạnh, gánh vác trọng trách thiêng liêng mà đất nước, dân tộc giao phó. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và trong hệ thống chính trị đang được đẩy mạnh. Đó là cái mới. Trung ương ban hành nhiều chỉ thị, quy chế, quy định, xem như việc “luật hóa” đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đó là mặt bên này của tờ giấy, còn mặt bên kia, khi luật chưa hoàn hảo, và sẽ chẳng bao giờ phủ kín mọi ngóc ngách đời sống, thì rất cần những quan chức có lương tâm, trọng danh dự. “Lò lửa” chống giặc nội xâm vẫn rừng rực cháy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi sự nêu gương - nêu gương nói, nêu gương làm - của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao. Tiếp tục khuyến khích và bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, không dựa dẫm, “hát nhép” trong dàn đồng ca, khi thắng thì nhận côngmình, khi thua thì đẩy quả bóng sang chân người khác. Những chủ trương cụ thể, rõ việc, rõ người, sát cuộc sống như thế khiến người dân thêm phấn khởi, tin tưởng, soi thấy mình trong dòng chảy công cuộc kiến tạo cuộc sống.
Sự thật là như thế, nhưng trong những tháng ngày qua, đâu đó vẫn có những kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Dân. Họ nói rằng Đảng vẫn giữ độc quyền lãnh đạo là mất dân chủ, đất nước sẽ tụt hậu. V.I Lênin từng nói: Cứ làm đi rồi thực tiễn sẽ cho ta câu trả lời. Chính thực tiễn cuộc sống hôm nay, ngay trong những ngày chồng chất khó khăn này, sự thật trên thế giới đã bác bỏ. Gần đây nhất, ta hãy nhìn sang các nước I-rắc, Li-bi. Người dân I-rắc từng có lúc ngộ nhận rằng, chế độ đa đảng và sự hiện diện của ông lớn Mỹ sẽ là phép màu đem đến sự giàu có. Nhưng không phải thế, hàng chục triệu dân đã sai đường, đa đảng đã không đem lại điều mong muốn ấy mà còn đẩy người dân vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, trong nước khủng hoảng chính trị kéo dài, phe phái tranh giành, nồi da xáo thịt. Còn ở Li-bi, cũng với chiêu bài dân chủ, người dân nước này đã nhen nhóm “mùa xuân A-rập”, lật đổ chế độ độc tài. Lật đổ rồi, đảng mọc lên như nấm sau mưa. Đất nước sẽ đi về đâu khi thiếu lương thực, thiếu cả những điều thiết yếu cho cuộc sống như điện, nước, thuốc chữa bệnh. Lại phải làm lại từ đầu. Sau những cuộc biểu tình biến thành bạo loạn, sau bao mất mát, li tán, lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc và Quân đội Quốc gia Li-bi mới ký được Thỏa thuận ngừng bắn dài hạn vào cuối năm 2020; thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ngày 15/3/2021 và dự kiến lộ trình tiến tới bầu cử vào tháng 12/2021. Đúng là chỉ một bước sai lầm gây hậu quả khôn lường cho vận mệnh của cả một dân tộc. Chưa bao giờ nhân loại chứng kiến cục diện thế giới đa cực như hiện nay. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Đó là căn nguyên, đó là đòi hỏi sự thay đổi, thức tỉnh chính trị.
Cho nên, khi nói tới sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có người lắc đầu khó hiểu. Rằng có chính trị hóa, có lên gân lên cốt quá không? Nhiều khi tìm cách bảo vệ chân lý cũng không dễ dàng. Thế là sinh ra căn bệnh “mũ ni che tai”, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ. Thật là một cái sai từ gốc. Từ xa xưa cha ông ta đã nói: Nơi đông giữ miệng, nơi loạn giữ tâm. Điều này hoàn toàn khác với sự im lặng để cho cái xấu, cái phản văn hóa hoành hành, người ngay sợ kẻ gian; kẻ cơ hội, có quyền có tiền luôn áp đảo.
Mùa Xuân dịu dàng nắng thơm mây nõn đang về. Ta nghe tiếng cựa mình chồi non lộc biếc. Ta nghe sự tỉnh thức trong trí não, trong tâm hồn. Có tiếng nói thầm thì, hết mưa là nắng, đất cựa mình trong những sinh sôi./.