Góp “lửa” đưa văn học nghệ thuật phát triển

Thứ tư, 02/02/2022 22:29
(ĐCSVN) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tổ chức thành công đã tạo tiền đề và mở ra những triển vọng mới cho văn học nghệ thuật phát triển. Để văn học nghệ thuật thực sự trở thành một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần lắm vai trò xung kích của các nghệ sĩ.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tổ chức thành công đã tạo tiền đề và mở ra những triển vọng mới cho văn học nghệ thuật phát triển.

Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người. Với các chức năng như: Chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục…, văn học nghệ thuật đã góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn cho mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phần lớn đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: Lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc, nhân dân làm mục đích cao nhất, không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà còn chủ động dấn thân vào thực tiễn cách mạng để cổ vũ, khuyến khích và bảo vệ những cái tốt, chân, thiện, mỹ; để phê bình, đả phá những thói hư tật xấu, những tệ nạn, tội phạm và các xu hướng lối sống tiêu cực, tất cả nhằm hướng tới việc vun bồi nguyên khí quốc gia, khơi dậy khát vọng của dân tộc, củng cố niềm tin, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nhân ái, độc lập, tự chủ, tự cường của quốc dân.

Thế nhưng trong xã hội hiện đại, với sự tác động của cơ chế thị trường, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp đạo đức xã hội, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Sự xuống cấp đó chắc chắn một phần do chúng ta chưa thực sự coi trọng, phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Hiện nay có một thực tế, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng rời xa chức năng giáo dục, thẩm mỹ; chức năng giải trí bị biến dạng, chạy theo thị hiếu tầm thường, thậm chí là thấp kém của một bộ phận công chúng. Điều đáng lo ngại là các tác phẩm này lại được quảng bá, tiếp thị với mục đích thu lợi nhuận của các nhà sản xuất, phát hành. Các tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, thẩm mỹ lại ít được công chúng quan tâm, thậm chí nhiều tác phẩm hay không đến được với công chúng vì thiếu một chiến lược quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt nhiệm vụ định hướng thị hiếu công chúng, trong nhiều trường hợp, để báo chí làm thay nên đôi khi việc đánh giá, thẩm định tác giả, tác phẩm còn nhiều khiếm khuyết, thiếu chính xác.

Thấy được vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn học nghệ thuật đối với cuộc sống cũng như sự phát triển đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt…. Đặc biệt Nghị quyết 23 NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới” ra đời năm 2008 đã mở ra một thời kỳ mới cho văn học nghệ thuật phát triển. Đây là Nghị quyết chuyên đề, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của của Đảng đối với việc định hướng, chỉ đường để văn học nghệ thuật nước nhà tháo gỡ khó khăn, thoát khỏi tình trạng lúng túng, sa sút, vươn lên xứng tầm với nhiệm vụ. Không gian sáng tạo cho văn học nghệ thuật cùng những tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, điều kiện lao động nghệ thuật từng bước được cải thiện, tự do sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng phong phú về đề tài chủ đề, loại hình phương pháp sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ được khơi dậy và phát huy; văn học nghệ thuật vượt qua nhiều thách thức khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh, lao động sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên diện mạo mới của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại… Nhiều văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vươn lên chính mình, âm thầm lao động, sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Thế nhưng, đúng như PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật đã nhận định: Những thành tựu mà văn học nghệ thuật đạt được trong những năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới đất nước, và không xứng tầm với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ kính yêu đã gửi gắm và giao phó. Văn học nghệ thuật chưa phản ánh sinh động và đầy đủ thực tiễn cuộc sống đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong hầu hết các lĩnh vực không có hoặc chỉ có rất ít các công trình và tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại. Nền văn học nghệ thuật của chúng ta chưa hoàn thành được sứ mệnh cao cả là làm ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ và văn hóa soi lối, dẫn đường cho cộng đồng xã hội trong việc kiến tạo những giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ…. Nền văn học nghệ thuật nước nhà còn tỏ ra bỡ ngỡ, lúng túng và bị động trong quá trình hội nhập quốc tế, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường “kháng thể văn hóa” của dân tộc, khiến cho việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài bị sa vào xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, điện ảnh, báo chí, mạng xã hội…., khiến cho môi trường văn hóa, nghệ thuật nước nhà bị xâm thực khá nghiêm trọng. Trong khi đó chúng ta lại chưa có những giải pháp đủ mạnh và hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Những vấn đề này đồng thời tác động trong thời gian dài khiến cho diện mạo chung của đời sống văn hóa, nhất là văn học nghệ thuật trở nên sa sút, nghèo nàn, thậm chí biến dạng với những biểu hiện đáng lo ngại.

Văn học nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỳ vọng lớn lao. Để thực hiện được những kỳ vọng này chắc chắn - như lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu trong buổi gặp mặt các văn nghệ sĩ nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 - đó là các nghệ sĩ cần phải “tắm” mình trong thực tiễn sinh động và “cháy” hơn nữa với những đam mê của mình để sáng tạo nên những tác phẩm đỉnh cao.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ: Để chấn hưng văn hóa phải  đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung. Bác Hồ đã từng căn dặn: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp" (1). Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.

Trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa đặc biệt là văn học nghệ thuật, đòi hỏi văn nghệ sĩ phải đóng vai trò xung kích. Trách nhiệm nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang, mỗi văn nghệ sĩ là một "hạt lửa" để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn soi đường cho quốc dân đi. Hy vọng đúng như PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương đã kỳ vọng: Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ tạo dựng được đội ngũ cán bộ làm văn hóa vừa có đức, vừa có tài, có kinh nghiệm góp phần chấn hưng văn hóa nước nhà. Sau Hội nghị quan trọng này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể nhân dân, của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa nước nhà sẽ có thêm động lực mới mạnh mẽ hơn để tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Hội nghị cũng là niềm cảm hứng lớn cho giới văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình có giá trị phục vụ công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước./.

 

1. Hồ Chí Minh toàn tập; tập 10, trang 647.

Bài, ảnh: Thanh Thảo
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực