Lâm nghiệp Việt Nam: Vững bước trong năm 2022

Thứ tư, 02/02/2022 20:41
(ĐCSVN) - Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn ngành Lâm nghiệp đã nỗ lực vượt khó, vươn lên và về đích với những con số “biết nói” rất đáng tự hào. Bước sang năm 2022, hy vọng với bề dày thành tích trong những năm qua, toàn ngành sẽ tiếp tục ghi những dấu ấn mới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp.

 Những con số nổi bật và đáng tự hào

Trong năm 2021, với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây rất nhiều cản trở cho công tác chỉ đạo, sản xuất, kinh doanh của toàn ngành Lâm nghiệp. Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng. Điều này có thể thấy qua việc, cả năm 2021, diện tích trồng rừng đạt 277.830 ha, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ. Trồng cây phân tán đạt 98,96 triệu cây, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ.

Về tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, so với các năm trước, đây là con số có thể thấy tăng về trữ lượng rừng không lớn, nhưng con số này năm 2021 rất có ý nghĩa do toàn ngành đang tiến tới nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Thứ hai là cơ cấu các loại rừng, gồm: rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất sẽ bố trí phù hợp hơn. Bên cạnh đó, với 3.300 ha rừng được tăng trong năm 2021 là hầu như tăng về rừng đặc dụng và phòng hộ là chủ yếu.

Cùng với kết quả trên, trong năm 2021, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020. Cụ thể, đã phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 411 vụ, tương ứng giảm 13% so với cùng kỳ; diện tích thiệt hại 852 ha, giảm 6% (56 ha) so với cùng kỳ.

Kết quả nổi bật, ấn tượng nhất của ngành Lâm nghiệp trong năm 2021 có thể nhận thấy rõ, đó là về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong cả năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt gần 16 tỷ USD, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra với 14 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020, xuất siêu cả năm đạt gần 13 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020.

Với con số này, giá trị xuất khẩu lâm sản đã chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh và công tác xuất khẩu, đặc biệt hơn, đây là năm ngành gỗ và lâm sản gặp rất nhiều cạnh tranh về thương mại của các thị trường lớn.

“Trong giá trị kim ngạch xuất khẩu, riêng lâm sản ngoài gỗ đã xuất khẩu được gần 1,2 tỷ USD và tăng gần 40%. Đây là tín hiệu rất tốt cho thấy chúng ta đã khai thác được tiềm năng của rừng” - Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2021 cũng là năm ghi nhận thu dịch vụ môi trường rừng lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021 và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, Quỹ Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm 2021 và bằng 121% cùng kỳ 2020; Quỹ tỉnh thu 1.193 tỷ đồng đạt 116% kế hoạch năm 2021 và bằng 134% cùng kỳ. Đây là nguồn thu rất quan trọng, góp phần rất lớn để phục vụ cho công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng.

Đáng chú ý, trong năm qua, toàn ngành đã ký được một thỏa thuận về bán tín chỉ các-bon rừng, với con số dự kiến bán khoảng 5,15 triệu tấn tại 5 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, thu về hơn 50 triệu USD. Mặc dù đây là con số chưa lớn nhưng điều này đã góp phần tạo dựng được thị trường về tín chỉ các bon và tạo nguồn thu từ các bon.

Ngoài ra, trong quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, toàn ngành Lâm nghiệp đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng các phương án quản lý. Đến nay, đã có đã có 199 chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích 3.120.759 ha, còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng và 122 chủ rừng chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích khoảng 4,1 triệu ha. 6 Vườn quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT có tổng diện tích 299.467 ha đã được Bộ phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hiệu lực đến nay là 314.205 ha tại 27 địa phương (diện tích cấp theo chứng chỉ FSC gồm 258.526 ha; diện tích được cấp theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC là 55.679 ha). Trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay đã thực hiện cấp chứng chỉ cho 67.000 ha rừng.

Nhìn nhận những kết quả đạt được của ngành Lâm nghiệp trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đây là những kết quả rất đáng tự hào. Bởi năm 2021 là năm vô cùng đặc biệt đối với cả nước, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của riêng ngành Lâm nghiệp. Với những khó khăn không thể lường trước được trong đợt dịch bùng phát dịch COVID-19 trở lại lần thứ tư, các vùng trọng tâm sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản của ngành Lâm nghiệp, nhất là tại các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được cho đến hết năm 2021 có thể gọi là những kỷ lục.

Hy vọng bước sang năm 2022, toàn ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng mới (Ảnh minh họa: B.T) 

Phấn đấu đạt kết quả ấn tượng hơn nữa trong năm 2022

Bước sang năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, nền tảng thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia,…ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy các thành tựu và kết quả đạt được của năm 2021.

Trong năm 2022, toàn ngành phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 102,81%; trồng rừng đạt 244.000ha, trồng cây phân tán 121,6 triệu cây. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 16,3 tỷ USD. Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3, khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3,…Đồng thời, thu dịch vụ môi trường rừng từ 2.800-3.000 tỷ đồng; diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90 nghìn ha.

Hướng tới các mục tiêu đề ra, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, toàn ngành sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2022. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp; duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày để kiểm tra, phát hiện, xử lý. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, viễn thám) trong phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Hoàn tất việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC quốc tế; triển khai rộng rãi việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Chủ động hợp tác nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế.

Đặc biệt, về chế biến, thương mại lâm sản, tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban trao đổi thông tin với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhằm đề xuất giải pháp xử lý, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về chỉ tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2022.

Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị toàn ngành Lâm nghiệp cần tập trung cho công tác bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ về công tác chuyển mục đích sử dụng rừng. Đặc biệt, ngành Lâm nghiệp cần tập trung nỗ lực để đạt được những kết quả ấn tượng hơn nữa trong năm 2022.

Với bề dày thành tích đạt được trong những năm qua, nhất là trong khó khăn, thử thách càng thấy được sức trỗi dậy, sự vươn lên mạnh mẽ của toàn ngành Lâm nghiệp. Hy vọng, bước sang năm mới 2022, ngành Lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục vững bước, giành được thêm nhiều thành quả, những kỷ lục mới, xứng đáng là ngành có đóng góp lớn cho sự phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp./.

Bùi Thủy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực