Lan toả phong trào khởi nghiệp nơi Xứ Quảng

Chủ nhật, 30/01/2022 18:55
(ĐCSVN) – Năm 2021, mặc dù bị tác động bơỉ dịch bệnh COVID- 19 nhưng phong trào khởi nghiệp tại tỉnh Quảng Nam vẫn bừng sáng. Đây là thành công lớn và có ý nghĩa, góp phần tạo cho bức tranh chung của nền kinh tế Quảng Nam năm qua đậm sắc màu phát triển.
 Đồng chí Phạm Ngọc Sinh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh Quảng Nam.

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phỏng vấn đồng chí Phạm Ngọc Sinh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh Quảng Nam về những kết quả mà phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã gặt hái được trong năm 2021 và những định hớng trọng tâm để phong trào khởi nghiệp tại đây tiếp tục phát triển trong năm 2022. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Thưa đồng chí! Năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Điều hành hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh (Ban Điều hành) đã có nhiều cách làm hiệu quả, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương phát triển. Đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam những thành công đáng khích lệ này tại Quảng Nam trong năm 2021?

Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Năm 2021, kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021) và cũng tròn 5 năm triển khai Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh (Hệ sinh thái), hầu hết các chỉ tiêu chúng tôi đặt ra từ năm 2017 đều đạt và vượt, có chỉ tiêu vượt rất cao vào năm 2020, trước một năm; đặc biệt, có chỉ tiêu đến năm 2025, chúng tôi cũng đã hoàn thành.

Không phải ngẫu nhiên, chúng tôi chọn slogan “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” để định vị khởi nghiệp xứ Quảng. Chúng tôi khơi dậy và truyền đạt đam mê, sáng tạo, tâm huyết, dấn thân, dám nghĩ, dám làm, cống hiến mạnh mẽ, bứt phá nâng tầm sản phẩm địa phương và lan tỏa tinh thần, văn hóa khởi nghiệp của người xứ Quảng.

Chính điều đó đã làm nên 9 thành công khá khác biệt của Quảng Nam:

Thứ nhất: Xác lập mô hình Khởi nghiệp tích hợp. Là địa phương duy nhất tích hợp Đề án 844 khởi nghiệp sáng tạo, Đề án 939 hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Chính phủ, Chương trình Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn và sáng tạo trong hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.

Thứ hai: Quảng Nam - tỉnh đầu tiên và duy nhất sáng tạo thành lập Ban Điều hành với chức năng điều phối và hỗ trợ các thành phần Hệ sinh thái linh hoạt, tự phát triển và tương tác. Đây là đòn bẩy quan trọng, quyết định để kết nối Nhà nước vân hành Hệ sinh thái năng động và giàu nhiệt huyết.

Thứ ba: Trong Hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, Quảng Nam tiên phong và là tỉnh duy nhất thành lập Hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện - tổ chức nghề nghiệp theo Nghị định 45 của Chính phủ; tạo mái nhà chung để ý tưởng, dự án khởi nghiệp học hỏi, phát triển; vượt 200% chỉ tiêu  và có đến 17/18 huyện ban hành chương trình khởi nghiệp.

Thứ tư: Vinh danh, khuyến khích và công nhận ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh là cách Quảng Nam xây dựng Hệ sinh thái theo từng quy mô, hình thức và hướng đến giá trị sáng tạo. Suy cho cùng, sự thành công của Hệ sinh thái chất lượng là phải tạo nên những sản phẩm khởi nghiệp chất lượng dựa trên thế mạnh Quảng Nam: nông nghiệp và dược liệu, du lịch, công nghệ thông tin và cơ khí - tự động hóa.

Công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh là dịp quảng bá, gắn kết tinh thần dám bứt phá để mang đến ý tưởng độc đáo của các startup. Quảng Nam hiện có 105 dự án khởi nghiệp sáng tạo; trong đó có 67 dự án do phụ nữ làm chủ; 4 dự án của học sinh, sinh viên; vượt 950% chỉ tiêu đề ra; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 55 doanh nghiệp, vượt 1075% chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt có: 01 giải Nhì khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; 01 giải phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 02 dự án xứ Quảng TOP 10 quốc gia; 06 dự án vòng chung kết Thanh niên nông thôn khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức. Năm 2019, Quảng Nam chiếm lĩnh Nhất, Nhì, Ba và 4 Khuyến kích cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp miền Trung - Tây Nguyên; gần 10 tấm gương TOP 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã xuất hiện tại thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,…

Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh Quảng Nam khảo sát, đánh giá chất lượng các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong năm 2021.

Thứ năm: Tạo lập và lan tỏa Văn hóa khởi nghiệp sâu rộng. Xứ Quảng bài ca khởi nghiệp - trở thành địa phương độc nhất có bài hát cho riêng mình, được chuyển tải trên nền dân ca ngọt ngào xứ Quảng và tân nhạc để cổ vũ, khích lệ phong trào. Ngoài Cổng thông tin Khởi nghiệp sáng tạo kết hợp Sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Quảng Nam xây dựng chuyên mục Khởi nghiệp sáng tạo trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, bản tin chuyên ngành và trên tất cả kênh mạng xã hội. Cuộc thi báo chí viết về tấm gương khởi nghiệp, trao giải báo chí viết về khởi nghiệp hàng năm. Các hình thức báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử đồng hành cổ vũ, khích lệ Hệ sinh thái khởi nghiệp xứ Quảng.

Thứ sáu: Dẫn đầu tổ chức sự kiện cấp vùng, quốc gia. Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam kết hợp Ngày hội khởi nghiệp Phụ nữ miền Trung - Tây Nguyên, TechFest Quảng Nam lần thứ Nhất - 2019 nhân 60 năm ngành KH&CN; TechFest Quảng Nam lần thứ 2 - 2021 nhân 550 năm danh xưng Quảng Nam; TechFest Quảng Nam tại thành phố Hồ Chí Minh kết nối giao thương; Diễn đàn Quốc gia Khởi nghiệp thời Cách mạng 4.0; khởi nghiệp nông nghiệp bền vững; khởi nghiệp du lịch không rác thải; chuyến xe hành trình khởi nghiệp thanh niên Việt Nam; chương trình sinh viên Quảng Nam tại Huế; sinh viên Quảng Nam tại thành phố Hồ Chí Minh với khởi nghiệp quê hương;…..là những dấu ấn đậm nét của hành trình 5 năm.  

Bên cạnh đó, hàng năm diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn,….về khởi nghiệp diễn ra thường xuyên, sôi động nhiều cấp độ khác nhau; vượt 300% chỉ tiêu đề ra. Các sự kiện khởi nghiệp Quảng Nam đã lách qua cơn sóng dữ COVID-19 và thời tiết miền Trung để về đích ngoạn mục, thành công ngoài mong đợi.

Thứ bảy: Đề cao vai trò doanh nhân và đẩy mạnh xã hội hóa. Doanh nhân Quảng Nam, kể cả doanh nhân Quảng Nam phía Nam bằng kinh nghiệm và sự từng trải đã luôn đồng hành, truyền cảm hứng và tạo niềm tin, động lực để chắp cánh cho startups, tạo nên văn hóa doanh nhân đất Quảng: cống hiến, hy sinh.

Tất cả các sự kiện khởi nghiệp xứ Quảng luôn có dấu ấn đậm nét của doanh nhân. Và, cũng chính họ tạo nên Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh cùng các địa phương Bắc Trà My, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hiệp Đức,… Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời để xây dựng hệ sinh thái, giúp hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi nổi, sinh động và lan tỏa.

Thứ tám: Hoàn thiện hệ thống văn bản để vận hành Hệ sinh thái. Trong Hệ sinh thái, nhà nước đóng vai trò bà đỡ và tạo liên kết, tương tác và quyết định để các thành phần khác phát triển.

Với bản lĩnh và tư duy mở, Quảng Nam đã sáng tạo đưa vào văn bản cao nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh của Đảng trong xây dựng Hệ sinh thái, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng, kinh tế hợp tác xã,….UBND tỉnh ban hành tất cả các văn bản đề vận hành Hệ sinh thái; trong đó, nổi bật nhất và là địa phương duy nhất ban hành Quyết định công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh và Đề án đào tạo chuyên gia nguồn khởi nghiệp… Gần 10 văn bản ban hành, vượt 800% chỉ tiêu đề ra.

Thứ chín: Xây dựng tư duy khởi nghiệp mở. 14 chương trình hợp tác, trong đó có 3 chương trình cấp tỉnh đã huy động nguồn lực, nhất là đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp hàng đầu về với Quảng Nam, trở thành địa phương dẫn đầu hợp tác về khởi nghiệp. Sáng kiến của Quảng Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn làm đầu mối tạo lập mạng lưới khởi nghiệp vùng Miền Trung - Tây Nguyên. Khởi nghiệp xứ Quảng tham gia trách nhiệm và giàu màu sắc tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia tại thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và tham gia Ngày hội khởi nghiệp vùng tại Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Bến Tre,…

Năm 2021, chúng tôi đã thay đổi cách vận hành Hệ sinh thái phù hợp với diễn biến của công tác phòng chống dich bệnh COVID-19 với khối lượng công việc khá nhiều và an toàn để khép lại hành trình 5 năm trở thành địa phương khởi nghiệp TOP đầu cả nước.

Để thúc đẩy, lan toả phong trào khởi nghiệp, Ban Điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh Quảng Nam phối với VTV8 tổ chức các chương trình giao lưu, định hướng về khởi nghiệp.

PV: Được biết, để có được những kết quả kể trên, trong năm qua cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có các doanh nhân và những người trẻ đã đã ủng hộ, đồng hành cùng Chính quyền và ban Điều hành hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh trong triển khai phong trào đầy ý nghĩa này. Xin đồng chí thông tin thêm về những nỗ lực này?

Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Như tôi nói trên, ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rất rõ và cụ thể, Hệ sinh thái phải xây dựng trên nền xã hội hóa, trong đó, vai trò của doanh nhân thông qua các tổ chức của mình, như: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch tỉnh,…Chính doanh nhân thành đạt, không ai khác, bằng sự từng trải, kinh nghiệm của mình sẽ là người thầy, người bạn hướng dẫn và đồng hành cùng startups hiệu quả nhất, thành công nhất. Chúng tôi tạo điều kiện và kêu gọi họ thực hiện sứ mệnh, văn hóa doanh nhân trong xây dựng lớp doanh nhân tương lai của tỉnh nhà.

Khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác là quan điểm của chúng tôi. Song, người trẻ luôn mang trong mình hoài bão lớn lao và những dự định, ước mơ để khẳng định mình. Và, tất nhiên, họ thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng để xây dựng và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Đôi lúc, cũng thật lòng, họ vẫn vô tư với suy nghĩ của mình và nông nổi trong định hình, phát triển sản phẩm theo hướng sáng tạo. Đó cũng là việc thường tình. Chúng tôi xác định mô mình Hệ sinh thái tích hợp ngay từ ban đầu cũng có lý do này, bởi một khi người thân, nhất là ba, mẹ trong vai trò là hội viên phụ nữ, nông dân – với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tổ chức mình, chính là bạn đồng hành và người thầy đầu tiên của các bạn trẻ khởi nghiệp. Và, đó là lý do đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia Ban Điều hành. Cũng với cơ cấu đó, như đã nói, có một doanh nhân đại diện cho cộng đồng doanh nhân tham gia Ban Điều hành.

Chúng tôi luôn tạo mọi cơ hội và điều kiện và cũng là hoạt động “đinh” là giúp các bạn trẻ học và học, kết nối và kết nối. Ban Điều hành, cá nhân tôi và cộng đồng doanh nhân gần như chia sẻ thông tin, kiến thức cho họ thông qua bất cứ hình thức nào; nhất là điện thoại và mạng xã hội.

PV: Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phong trào Khởi nghiệp sáng tạo, bước vào năm 2022, Ban Điều hành dự kiến sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để đưa phong trào này ngày càng lan tỏa và hiệu quả hơn- Thưa đồng chí ?

Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Năm 2022 là năm thứ hai tăng tốc khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ vận hành Hệ sinh thái trong thích ứng với tình hình phòng chống COVID-19 một cách linh hoạt và dứt điểm, với mục tiêu: Triển khai đồng bộ Hệ sinh thái, phấn đấu là địa phương nhóm dẫn đầu khởi nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần và văn hóa khởi nghiệp; tăng tốc và vinh danh các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thành xây dựng đội ngũ chuyên gia khởi nghiệp tại chỗ (ToT); phát triển mạng lưới Hội khởi nghiệp sáng tạo toàn tỉnh gắn với hình thành Quý Hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả; tổ chức và mở rộng tham gia kết nối Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh bạn, vùng, quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển mạnh mẽ Hệ sinh thái cấp huyện, gắn kết chương trình khởi nghiệp – sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Trên tinh thần đó, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2022 của chúng tôi tập trung vào 5 nội dung chính như sau:

Một là,  lan tỏa mạnh mẽ văn hóa khởi nghiệp, truyền cảm hứng “Quảng Nam- vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” đến toàn xã hội; xây dựng Sàn giao dịch và thương mại trên cơ sở nâng cấp Cổng thông tin Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam, giai đoạn 2022 – 2025.

Hai là, ban hành Đề án khung tổ chức Ngày hội chuyển đổi số - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo- sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp của tỉnh đến năm 2025; tham gia và kết nối hiệu quả Ngày hội khởi nghiệp quốc tế, quốc gia, vùng và các địa phương.

Ba là, triển khai chương trình tăng tốc dự án khởi nghiệp sáng tạo, tập trung hỗ trợ nguồn lực KH&CN cho các sản phẩm thuộc dự án khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Vinh danh và đẩy mạnh việc phát triển, công nhận dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Bốn là, tổ chức kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại các Hội chợ Thương mại, triễn lãm, trưng bày,….do các ngành, các địa phương tổ chức hoặc tham gia trong và ngoài nước.

Năm là, xây dựng Hệ sinh thái cấp huyện năng động và phát triển mạnh mẽ các dự án khởi nghiệp sáng tạo dựa trên thế mạnh địa phương. Phát triển mạng lưới chuyên gia và Hội khởi nghiệp sáng tạo toàn tỉnh.

Các điển hình khởi nghiệp tại Quảng Nam được ghi nhận tại Lễ trao giải phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021. 

PV: Nhân dịp xuân mới Nhâm Dần 2022, đồng chí có thông điệp nào gửi đến cộng đồng khởi nghiệp trẻ địa phương ?

Đồng chí Phạm Ngọc Sinh: Khởi nghiệp xứ Quảng sở hữu những con người tràn đầy năng lượng, tâm huyết và tư duy sáng tạo, với phong cách riêng của quê hương sẽ nâng tầm sản phẩm địa phương, bay cao, bay xa như cánh chim trời. Chúc cộng đồng khởi nghiệp xứ Quảng tiếp nối, khơi dậy và phát huy Khát vọng Quảng Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !  

Đình Tăng (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực