Năm 2022: Rộng mở vận hội mới - vị thế mới

Thứ tư, 02/02/2022 16:52
(ĐCSVN) – Đi qua những bị động, chệch choạc ban đầu, nền kinh tế kiên cường vươn lên, ghi dấu ấn với những thành tựu rất đáng tự hào. Chào đón năm 2022, những khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vận hội mới, cơ hội phát triển đang mở ra rất lớn.
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: MP)

Sự bật dậy mạnh mẽ vượt mọi kỳ vọng

Không chỉ được biết đến là một năm dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho toàn thế giới, năm 2021 đã kéo lùi cả nền kinh tế thế giới, làm đứt gãy phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng lao đao. Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có tới 94% doanh nghiệp gặp phải khó khăn, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, có tới 98% số doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Việc giãn cách kéo dài dẫn đến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, hệ thống giao thông vận tải hàng hóa bị gián đoạn, ở nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh ở trạng thái “'đóng băng” hoặc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt thời kỳ đỉnh dịch ở quý III-2021. Tất cả hệ quả đó chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch.

Mặt khác, TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cũng do cách ứng xử với dịch bệnh của chúng ta chưa thật sự hợp lý ở một số thời điểm. Nhìn lại để thấy, vấn đề không chỉ có COVID-19 mà do cách áp dụng của một số địa phương quá cực đoan. Qúy III-2021, các nền kinh tế trên thế giới là đang hồi phục nhưng Việt Nam thì lại lao sâu. Chúng ta đã lỡ nhịp so nền kinh tế toàn cầu, hay nói như cách nói của Ngân hàng Thế giới khi nhận xét về Việt Nam là một ngôi sao đang lên, thì vào thời điểm đó, ngôi sao lại xuống thấp. Tuy nhiên, điều đáng mừng đó là chúng ta đã có sự điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc kiên định mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, cộng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đảo ngược hoàn toàn tình thế: Từ tăng trưởng âm đến hơn 6,02% - mức âm mà mọi dự báo đều không lường đến; vì thế, sự bật dậy của nền kinh tế vào quý IV-2021 lên tới 5,22% cũng là mức mà không ai ngờ, cho thấy một sự bật dậy cực kỳ mạnh mẽ, vượt mọi kỳ vọng.

Điều này cho thấy sự thích ứng của nền kinh tế, khả năng chống chịu, sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là vai trò điều hành, hỗ trợ của Chính phủ. TS Vũ Tiến Lộc phân tích, việc mở cửa nền kinh tế, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ là một quyết sách cực kỳ quyết đoán và chuẩn xác. Thời điểm đó, quyết sách này cũng chịu nhiều áp lực, song sự kiên định của Chính phủ đã trở thành động lực để đẩy nền kinh tế tăng vọt. Bên cạnh việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tiêm vaccine để tăng khả năng miễn dịch của toàn dân thì đây là quyết sách quan trọng tạo niềm tin: Chính phủ luôn song hành, chia sẻ với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, và các chính quyền địa phương cũng vào cuộc một cách quyết liệt.

Theo Chủ tịch VIAC, cùng với việc mở cửa, hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm, gia hạn thuế; miễn giảm, giãn, cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất cho vay, rồi các gói hỗ trợ an sinh, cho vay trả lương cho người lao động… đã tổng thể tạo động lực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Dù cho trong quá trình thực thi có thể vẫn đang gặp vướng mắc chỗ này chỗ kia như vay trả lương cho người lao động, vấn đề giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… song tổng thể, Đảng và Nhà nước ta đã tạo cho cộng đồng doanh nghiệp một môi trường thuận lợi để chống trụ, vượt qua dịch bệnh. Và kết quả, với 160.000 doanh nghiệp mới được thành lập và quay lại hoạt động, dù bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, rời bỏ thị trường cũng lớn, nhưng trong bối cảnh khó khăn, đó cũng là sự gượng dậy của nền kinh tế, cho thấy tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, đại dịch là đại họa, nhưng đồng thời cũng tạo ra một cuộc sàng lọc rất đau đớn nhưng cần thiết cho sự phát triển, giúp thị trường giữ lại các doanh nghiệp có sức cạnh tranh để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tình hình mới.

Thật ra, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, không phải chỉ cộng đồng doanh nghiệp, mà ngay cả Chính phủ, nhà nước cũng chịu nhiều khó khăn. Sự kiên cường của doanh nghiệp, có được một phần cũng nhờ có sức mạnh từ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Điều này đến từ nội lực của chúng ta.

Minh chứng là trong năm qua, Chính phủ thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập ngân sách vững chắc, dự trữ ngoại hối dồi dào, tạo dư địa để bổ sung các gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Đây là những nỗ lực vượt bậc, tăng cường tiềm lực tài chính của đất nước. Trong thành tựu đạt được, chúng ta có điểm sáng về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trước đại dịch, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đi vào thực tiễn, là động lực, là cứu tinh cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh. Tất nhiên, chất lượng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn cần phải tính đến, nhưng nó đã là điểm sáng - cho thấy nỗ lực cải cách thể chế, mở cửa thị trường - đồng nghĩa với một loạt rà xét hệ thống pháp luật để thực hiện các hiệp định, nâng hệ thống pháp luật của chúng ta lên tầm thế giới.

Ngoài ra, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra cơ hội đầu tư mà là động lực để cải cách thể chế, đối ngoại kinh tế - và một trong những đỉnh cao là ngoại giao vaccine. Các nước trên thế giới cũng không nghĩ chúng ta có thể phủ vaccine tốc độ nhanh đến thế. Song, phải nhìn nhận rằng khi chúng ta là một thành viên, một cấu phần trong các tổ chức kinh tế, thương mại toàn cầu, những khó khăn, xáo trộn của chúng ta sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chuỗi cung ứng của nền kinh tế. Vì thế, ngoại giao vaccine của chúng ta thành công một phần cũng là các nền kinh tế tài trợ vaccine có được các lợi ích kinh tế trong đó. Điều này không chỉ có ý nghĩa vì mỗi Việt Nam, mà nó là vì chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận sự kiên cường của khối doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất kinh doanh, lo được công ăn việc làm cho người lao động; ngoài ra còn hỗ trợ một nguồn khổng lồ cho quỹ phòng, chống COVID-19, các chương trình an sinh xã hội, ủng hộ thiên tai, lũ lụt… Họ thực sự xứng đáng được ghi nhận như những chiến binh.

 TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: V.T)

Tin tưởng vào một năm mới 2022 thắng lợi

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, năm 2021, nhờ gói hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội vào cuộc nên doanh nghiệp đã tồn tại, chống trụ và phục hồi. Sang năm 2022, Chính phủ, Quốc hội đang chuẩn bị một chương trình phòng, chống COVID-19 trong bối cảnh mới và phục hồi phát triển kinh tế, gồm các giải pháp tài khóa, tiền tệ, dự kiến thực hiện trong thời gian 2 năm, kết hợp mục tiêu phục hồi với phát triển. Chính phủ đang cân nhắc nhưng gói hỗ trợ phải xuất phát trên cơ sở năng lực hệ thống tài chính, khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt phải hướng tới đảm bảo kiểm soát được kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ xấu; và các biện pháp đưa ra đủ liều lượng, phù hợp. Sẽ có chủ trương quan trọng bên cạnh miễn hoãn giãn giảm các loại thuế phí là giảm thuế VAT với phạm vi khá rộng, làm một cách đồng bộ, nhằm trực tiếp vào các đối tượng chịu trực tiếp ảnh hưởng của đại dịch, những doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh, hồi phục và phát triển, nhưng khó khăn tạm thời.

TS Vũ Tiến Lộc tin tưởng, đi qua những bị động, chệch choạc ban đầu, nền kinh tế kiên cường vươn lên, ghi dấu ấn với những thành tựu rất đáng tự hào. Chào đón năm 2022, những khó khăn vẫn sẽ còn, nhưng cơ hội phát triển mở ra rất lớn. Trên nền tảng vững chắc, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một năm mới 2022 thắng lợi, đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% như đề ra. Chúng ta có một Chính phủ thức thời, kiên định, luôn đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta có một đội ngũ doanh nghiệp kiên cường, linh hoạt, thích ứng tốt trong nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải linh hoạt trong chủ trương. Cụ thể, nếu như trước đây, chúng ta chuyển đổi từ chống COVID-19, “zero COVID” sang sống chung với COVID-19 thì theo ông, năm 2022 và sau này, chúng sẽ thay đổi chiến lược: Không bị động, chấp nhận hoàn cảnh để phải “sống chung” nữa, chúng ta sẽ hoàn toàn làm chủ tình hình, vượt lên COVID-19, mở ra một trạng thái đúng nghĩa với “bình thường mới”. Việc thay đổi chiến lược theo chiều hướng đó sẽ giúp chúng ta đạt được các mục tiêu đề ra.

Giai đoạn này, dư địa chính sách tiền tệ không nhiều nhưng dư địa tài khóa thì còn lớn nên phải hài hòa giữa hai chính sách: Sử dụng chính sách tài khóa để giảm lãi suất, hỗ trợ chính sách tiền tệ với mục tiêu vừa cứu doanh nghiệp vừa thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Gói hỗ trợ đồng thời là gói kích thích kinh tế, gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, công nghệ thông tin…

Trong điều kiện khó khăn, Chính phủ luôn chia sẻ, đồng hành, nhưng cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư công; có cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tạo thuận lợi tối đa trên không gian số, hạn chế thanh kiểm tra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động... Việc chuyển 12 dự án từ đối tác công tư sang đầu tư công là sự dịch chuyển trong điều kiện thích hợp. Những biện pháp nào tốt sẽ tiếp tục duy trì hậu COVID-19, cái nào không còn phù hợp thì sẽ loại bỏ, thanh lọc.

Tuy nhiên, "một tay không thể vỗ nên tiếng", cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực. Hiện trình độ quản trị doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, năng suất lao động thấp - cần phải tập trung cải cách. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế thì bản thân doanh nghiệp phải cấu trúc. Doanh nghiệp linh hoạt nhưng phải vươn tới chuẩn mực quốc tế. Qua quan sát cho thấy doanh nghiệp nào theo hướng phát triển bền vững, quan tâm đến trách nhiệm xã hội, chăm lo người lao động, chăm lo văn hóa kinh doanh, quan tâm tới tăng trưởng xanh, chuyển đổi số thì khả năng chống chịu và phát triển tốt hơn, bởi vậy cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng này./.

Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực