|
Các tour du lịch phục vụ khách nội địa tới các vùng xanh đang được các công ty lữ hành triển khai khá hấp dẫn du khách. |
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều tổn thất cho TP Hồ Chí Minh đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 mà Thành phố trở thành tâm dịch. Theo đó, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, ngành du lịch Thành phố đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời. Cụ thể, Thành phố đã chuyển đổi các khách sạn làm nơi cách ly có trả phí. Theo đó, Thành phố đã có hơn 800 khách sạn đăng ký, tương ứng với hơn 20.000 phòng làm nơi cách ly có trả phí cho các đối tượng là chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước và các đối tượng F0, F1. Hoạt động này không chỉ góp phần giảm tải cho các khu cách ly tập trung của Thành phố mà còn cải thiện công suất phòng trong lĩnh vực lưu trú và đã thích ứng linh hoạt với dịch bệnh hiệu quả. Thế nên, dù trong mùa dịch nhưng các khách sạn tham gia làm điểm cách ly có trả phí đạt công suất phòng trên 75%, thậm chí có nơi đạt trên 90% trong giai đoạn Thành phố tổ chức hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố từng bước được kiểm soát, cũng là lúc Thành phố cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Lúc này, ngành du lịch đã nhanh chóng chủ động triển khai kế hoạch phục hồi, xây dựng các chương trình cụ thể với từng giai đoạn phù hợp với thực tế.
Nói về kế hoạch trong năm 2022, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngành du lịch Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch, để không chỉ phục vụ du khách nội địa mà còn chuẩn bị đón khách quốc tế. Mục tiêu mà ngành đề ra là đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 97.700 tỉ đồng.
Cũng chia sẻ về vấn đề trên, đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành du lịch Thành phố là đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo nguyên tắc chung “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó" và "mở cửa thì phải an toàn" và phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh.
Để khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế trong thời gian tới, công tác xúc tiến, quảng bá được quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, tập trung truyền thông quốc tế và đầu tư nâng chất sự kiện xúc tiến nước ngoài trên cơ sở lựa chọn thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, tăng cường hợp tác quốc tế trong xúc tiến du lịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phan Thị Thắng, ngành du lịch Thành phố cũng nên tính toán việc một thị trường có thể xúc tiến nhiều lần, tạo dấu ấn chiều sâu để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Bên cạnh thị trường khách quốc tế, thị trường khách nội địa cũng khá quan trọng nhất là khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Ngành du lịch Thành phố sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển theo hướng khai thác lợi thế, tiềm năng của Thành phố. Song song đó là kết nối với các tỉnh, thành để liên kết, tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau. Sự kết hợp này giúp cho các tour du lịch trở nên hấp dẫn, mới mẻ hơn đồng thời có thể khai thác tối ưu lợi thế của các địa phương.
Ngành du lịch Thành phố cũng cần triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu và truyền thông điểm đến Thành phố; tổ chức tốt các sự kiện du lịch gắn với văn hóa; khai thác các nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, xây dựng TP Hồ Chí Minh thành “Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng của Việt Nam và ASEAN”; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch...
Mặc dù từng bước được khôi phục, có những tín hiệu khả quan song các doanh nghiệp du lịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Thành phố cũng cần tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19; đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.
Với sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, sự đồng hành của chính quyền Thành phố, hi vọng trong năm 2022, ngành du lịch sẽ có những đột phá và đạt được những mục tiêu mà ngành đã đề ra ngay từ đầu năm./.