Ngành Giao thông vận tải quyết tâm, nỗ lực lớn năm 2022

Kỳ 1: Quyết tâm tạo đột phá hạ tầng giao thông năm 2022
Thứ tư, 02/02/2022 22:12
(ĐCSVN) - Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT phấn đấu sớm khởi công các dự án quy mô lớn, đặc biệt là sẽ bố trí đủ vốn để hoàn thành 25 dự án quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể 

Bộ duy nhất hoàn thành quy hoạch ngành quốc gia

Nhìn lại chặng đường đầy gian nan trong năm 2021, Bộ GTVT được Chính phủ đánh giá đã đạt được thành tích nổi bật, đóng góp quan trọng và xứng đáng với vai trò chủ chốt của đất nước trong phát kết cấu hạ tầng và bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông cho toàn bộ nền kinh tế.

Trong năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật đã được Bộ GTVT tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả; đã kịp thời hoàn thành công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật với khối lượng lớn trong thời gian ngắn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song hành với đó, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành rà soát 82 văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ ban hành 8 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 26 Thông tư hướng dẫn nhằm đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các ngành, địa phương liên quan tới các lĩnh vực quan trọng như thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các lĩnh vực vận tải,… đã góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội.

Đặc biệt, công tác lập quy hoạch ngành quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, kịp thời, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối giữa các lĩnh vực, khắc phục được hạn chế các quy hoạch trước đây. Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Theo đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT được đánh giá cao về công tác lập quy hoạch ngành quốc gia. Bộ GTVT đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, đồng bộ giữa các loại hình giao thông. Bộ GTVT là bộ duy nhất đã hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, định hình rõ những thách thức và cơ hội của năm mới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực GTVT để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT, tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định và dự đoán được của pháp luật.

Tạo đột phát kết cấu hạ tầng

 Năm 2021 là năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030.

Trong năm qua, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hồ sơ và tiến độ được giao, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, đặc biệt là các dự án quan trong quốc gia, các dự án nhóm A phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến, tiến độ giải ngân được đảm bảo và cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhưng nhiều công trình, dự án của ngành GTVT đã quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành, đưa vào khai thác đúng kể hoạch; nhiều dự án đã kịp thời xử lý, tháo gỡ được vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng công trình.

Đặc biệt chú trọng nhất của ngành GTVT trong năm 2022 là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bộ GTVT phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (dự kiến được giao khoảng 50.000 tỷ đồng).

Công tác quản lý đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được nhấn mạnh là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch năm tới của Bộ GTVT. Trong đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Mặt khác, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, đấu thầu để phấn đấu sớm khởi công được các dự án quy mô nhóm B, C ngay trong năm 2022; rút ngắn thời gian thực hiện dự án để vừa sớm phát huy hiệu quả đầu tư, vừa giảm sức ép về cân đối nguồn vốn cho kế hoạch các năm cuối kỳ trung hạn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn.

Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án quan trọng, động lực (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách; giai đoạn 2 Kênh Chợ Gạo, Luồng sông Hậu, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Giẽ - Ninh Bình...) tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông trong năm 2022 (2 dự án khẩn cấp chuyên ngành hàng không, 02 dự án cấp bách chuyên ngành đường sắt, 21 dự án quốc lộ).

Xử lý ngay những vướng mắc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ: Bộ GTVT sẽ tập trung giao kế hoạch năm cho các dự án ngay sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư; xây dựng và theo dõi chặt chẽ kế hoạch thực hiện, giải ngân hàng tháng của từng dự án trong năm 2022; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tiến độ thực hiện, giải ngân; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các dự án giải ngân chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ khởi công, hoàn thành, đặc biệt là với các dự án trọng điểm của ngành.

Song hành với đó, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn lại tại các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch yêu cầu, nhất là đối với các dự án trọng điểm.

Đáng chú ý, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác quyết toán dự án hoàn thành (dự kiến giao kế hoạch trình khoảng 35 dự án và kế hoạch phê duyệt khoảng 50 dự án). Tập trung xử lý các vướng mắc tồn tại của các dự án cũ, bám sát tiến độ và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT về đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành./.

Bài, ảnh: Kim Cương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực