Ngành Hải quan nỗ lực hỗ trợ xuất khẩu

Thứ tư, 02/02/2022 09:47
(ĐCSVN) - Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, góp phần nâng tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt trên 370.000 tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán thu ngân sách nhà nước.
Ngành Hải quan đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. (Ảnh: M.P)

Bảo đảm quản lý hải quan góp phần tăng thu ngân sách

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Sang năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư từ đầu tháng 5/2021 đến nay đã diễn ra rất nhanh, mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tập trung vào các tỉnh, thành phố lớn, khu vực đông dân cư và người lao động, đặc biệt đây là các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều địa phương trong cả nước đã phải tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc ở mức độ cao hơn, nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng, nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao.

Trong bối cảnh ấy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 370.000 tỷ đồng bằng 117,46% dự toán thu ngân sách nhà nước (315.000 tỷ đồng), bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu (335.000 tỷ đồng), tăng 19,2% so cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, số thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng là do một số mặt hàng có số thu lớn do giá tăng mạnh làm trị giá nhập khẩu cũng tăng, đồng thời tăng thu ngân sách do giá tăng đối với dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu, khí đốt hóa lỏng nhập khẩu tăng khoảng 7.500 tỷ đồng; sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép nhập khẩu làm tăng khoảng 11.700 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu tăng khoảng 3.900 tỷ đồng; quặng và khoáng sản nhập khẩu tăng thu khoảng 3.000 tỷ đồng; than nhập khẩu tăng thu khoảng 3.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu tăng gấp 1,6 lần làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 14.300 tỷ đồng; nhiều dự án điện mặt trời, điện gió được triển khai làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án khoảng 8.300 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan và đồng đều trên phạm vi cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Đông Nam bộ.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh vẫn đạt kết quả tích cực, ước tính 31/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa do Cục Hải quan làm thủ tục thông quan đạt khoảng 128 tỷ USD tăng 10% so năm 2020, kết quả thu ngân sách sẽ đạt trên 117.000 tỷ tăng 12% so năm trước.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, ngay thời điểm dịch bùng phát Cục đã kích hoạt cơ chế phản ứng nhanh, hành động linh hoạt trong phạm vi toàn Cục và Ban hành kế hoạch duy trì thông suốt hoạt động hải quan 24/7, khơi thông hàng hoá, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế trong và sau dịch COVID-19. Cùng với đó, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tham mưu cho lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch, tham mưu cho Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp cấp bách tháo gỡ và giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái…

Đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hướng tới thực hiện hải quan số (Ảnh: M.P) 

Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu

Sau giai đoạn giãn cách xã hội, từ đầu quý III-2021, việc khôi phục và đẩy mạnh hoạt động thương mại, kinh doanh, xuất nhập khẩu là hết sức cần thiết và cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, cụ thể như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19… Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh để tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa, bên cạnh các giải pháp về tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa.

Nghiêm túc thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong việc dồn sức hỗ trợ người dân và công đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp. Đơn cử, để kịp thời giải quyết triệt để, rứt điểm những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời tạo cơ sở pháp lý minh bạch, thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính ban hành các Thông tư với nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể như, ngày 30/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Tài chính cho phép hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD nhằm tránh ùn tắc tại các cảng biển.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, dự thảo Thông tư “quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19”.

Ngày 7/12/2021, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm nội dung gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi tại kho ngoại quan. Đến thời điểm này, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đối với báo cáo của Chính phủ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, đất nước ta đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Việc Việt Nam vào top 30 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu lớn nhất trên phạm vi toàn cầu và tăng hạng khá nhanh so các nước khác là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam và minh chứng cho những quyết tâm chính trị, những hoạt động hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua. Tổng cục Hải quan luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên với các giải pháp đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.

Triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh thông quan hàng hóa (Ảnh: M.P) 

Đẩy nhanh thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại

Do đặc thù các mặt hàng nông sản được thu hoạch và xuất khẩu theo thời vụ nên thời điểm phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch sẽ dẫn đến hàng hóa bị ách tắc tại các tỉnh biên giới phía Bắc; để hỗ trợ các doanh nghiệp, giải tỏa ách tắc hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp; bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã chủ động, kịp thời phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía Trung Quốc và tuyên truyền phố biến cho doanh nghiệp; trao đổi thông tin, gửi Công hàm cho phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản để rút ngắn thời gian thông quan.

Không chỉ vậy, Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, hội nghị trực tuyến hoặc tham gia các hội nghị do Chính phủ, Bộ, ngành tổ chức để kịp thời nắm bắt, tiếp thu, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng 4.0… sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta. Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó một trong các giải pháp chính là thực hiện hải quan số với các đặc trưng như: quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng nhất.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành Hải quan đã đạt được trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định, trong năm 2022, kinh tế đứng trước những khó khăn và thuận lợi đan xen. Vì vậy, ngành Hải quan triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, kiểm soát dữ liệu chống thất thu có hiệu quả nhất. Trong đó chú ý đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, thực hiện các Nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thứ trưởng yêu cầu ngành Hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại; tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Cùng với đó, ngành hải quan đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống tội phạm nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu, biên giới.

Dự kiến dự toán giao thu ngân sách Nhà nước năm 2022 của Tổng cục Hải quan là 352.000 tỷ đồng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6% - 6,5%; giá dầu thô 60 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu có thuế tăng 8,1%, kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng 6,6%...
Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực