Chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, năm 2021 với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, dịch COVID-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo.
Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước; làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của Nhân dân. Dịch bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong.
|
Ngành Y tế đã huy động một lực lượng rất lớn cán bô, nhân viên y tế và sinh viên các trường y, dược tham gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: ĐT) |
Với yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, ngành y tế đã huy động tổng lực, chưa từng có từ trước đến nay, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y, dược tham gia phòng, chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục "trực chiến" tại các địa phương ở miền Nam. Hầu hết các nhân viên y tế tại các địa phương có dịch vẫn đang miệt mài làm việc và có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19, hơn 10 trường hợp đã mất do mắc COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ…
Cùng thời gian này năm trước, khi đợt dịch thứ 3 bùng phát, rất nhiều thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế tại các vùng miền trên cả nước đã gác lại việc riêng tham gia chống dịch và đón Tết Tân Sửu xa gia đình. Năm nay vẫn còn nhiều cán bộ y tế tiếp tục không được đón Tết với gia đình, mà dành Tết cho chống dịch và chăm sóc bệnh nhân.
Các giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ cũng đã được Bộ Y tế triển khai, như thành lập các sở chỉ huy tiền phương, đưa lãnh đạo các vụ, cục xuống tận quận, huyện của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập 11 trung tâm hồi sức tại các tỉnh phía Nam trong thời gian ngắn kỷ lục; thành lập hàng nghìn trạm y tế lưu động, triển khai điều trị F0 tại nhà...
Đặc biệt, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 170 triệu liều vaccine. Tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 hiện nay ở nước ta thuộc những nước hàng đầu thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của WHO.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, năm 2022, dịch COVID-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ, nên số mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế.
Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron và có thể các chủng mới khác, Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới, nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu của ngành Y tế trong năm 2022 là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, triển khai thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn (2022-2023).
Theo đó, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong, như nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.
|
Từ ngày 29/01/2022 đến hết ngày 28/02/2022, ngành Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm. (Ảnh: TL) |
Thứ hai, Ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chủ trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Thứ tư, đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của Ngành.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Đó là hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ; chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch COVID-19, các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế do nhân lực mỏng.
Hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, thành phố không có đủ diện tích làm việc, thiếu trang thiết bị, nhân lực. Y tế cơ sở chưa được đổi mới căn bản về bộ máy, về hoạt động, về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng và cơ chế tài chính. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch COVID-19.
Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu ở tuyến y tế cơ sở. Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề, làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế một số nơi thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa đảm bảo an toàn thông tin. Tồn tại nhiều bất cập trong công tác thẩm định đăng ký lưu hành thuốc về chuyên gia thẩm định, chất lượng hồ sơ tham gia thẩm định và mức thu phí trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm.
Việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường, mua sắm còn vướng mắc; một số vụ việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm pháp luật về đấu thầu…
|