Phát triển du lịch năm 2022 theo hướng tăng trưởng xanh

Thứ năm, 03/02/2022 10:53
(ĐCSVN) – Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong những ngày đầu xuân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Trong năm 2022, ngành Du lịch tập trung đẩy mạnh du lịch thông minh, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

PV: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, tuy nhiên cũng là năm thứ hai dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội. Với ngành du lịch, ông có thể khái quát bức tranh toàn cảnh du lịch năm 2021?

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Năm 2021 là năm khởi đầu của giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, ngành du lịch đặt ra nhiều mục tiêu phát triển, thế hiện trong Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời là một năm mà trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kiểm soát được, thậm chí còn tác động nghiêm trọng hơn năm trước.

Trong năm vừa qua, du lịch Việt Nam thiệt hại nặng nề hơn so với năm 2020. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 chỉ đạt khoảng 3.500 lượt. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, lượng doanh nghiệp dừng hoạt động lên tới hơn 90%, đặc biệt là những doanh nghiệp lữ hành quốc tế, vận chuyển. Nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh những lĩnh vực khác. Công suất khách sạn trung bình cả năm chỉ đạt dưới 10%, một số khách sạn dừng hoạt động, đóng cửa toàn phần.

Năm 2021, 60-70% lao động trong ngành du lịch không có việc làm, chỉ còn khoảng 20-30% lao động khung thì được giữ lại. Thiệt hại của ngành Du lịch có thể nói rằng là “chạm đáy”, không còn gì thấp hơn được nữa.

Mặc dù vậy, ngành Du lịch cũng đã triển khai hiệu quả các chương trình hành động, thích ứng linh hoạt trong cảnh có dịch. Tổng cục Du lịch đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 3228 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch còn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch.

Đến nay, một số địa phương là trọng điểm du lịch trên cả nước đã triển khai nhiều chương trình ký kết, liên kết hợp tác như: Liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch An Giang - Hà Nội; Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và 12 tỉnh/thành phố; Liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - Bình Định; Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long... Nhờ đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu có những khởi sắc, “hồi sinh” sau thời gian dài chịu ảnh hưởng.

Theo báo cáo từ các địa phương, với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, tình hình hoạt động du lịch nội địa đang từng bước phục hồi. Hà Nội đón 4 triệu lượt khách nội địa, Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt, Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt, Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt, Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt, Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…

Trong bối cảnh mới, thực hiện chủ trương từng bước mở cửa nền kinh tế để phục hồi, Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, lộ trình thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. Đồng thời, tham mưu ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Sau gần 2 năm hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, tháng 11/2021 những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa là một bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam. Mặc dù chưa đáp ứng được yêu cầu mở ngay, mở nhanh nhưng lộ trình đón khách quốc tế được thực hiện rất cẩn trọng và an toàn, thể hiện những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc phục hồi ngành du lịch Việt Nam.

PV: Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2021 du lịch Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Thành quả này có được là do đâu, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Năm 2021, du lịch Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới như danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á, Điểm đến du thuyền tốt nhất châu Á, cùng nhiều giải thưởng danh giá dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam. Ghi nhận của quốc tế thông qua các giải thưởng là kết quả phấn đấu của du lịch Việt Nam trong nhiều năm liền. Đồng thời khẳng định Việt Nam nổi lên là một điểm đến mới, điểm đến hấp dẫn, tỏa sáng. Trong những năm gần đây, nhờ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, sự nỗ lực trong công tác xúc tiến quảng bá, sự khẳng định của du lịch Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng rõ nét.

Bên cạnh đó, với những nỗ lực nhằm tái thiết và phục hồi hoạt động ngành du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam vinh dự được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”.

Thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan du lịch quốc gia trong việc thích ứng an toàn linh hoạt trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp. Đưa ra được những thông điệp giữ cho sự ổn định, duy trì nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để khi hết dịch có thể sớm phục hồi; hướng dẫn các cơ sở dịch vụ, điểm đến, các doanh nghiệp thực hiện du lịch an toàn; hướng dẫn các cơ sở dịch vụ phục hồi ngay khi có thể bằng các chương trình hành động cụ thể.

Ngành du lịch còn đưa ra những thông điệp để cho các doanh nghiệp hưởng ứng và làm theo. Đối với du lịch nội địa thì phát động chương trình “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Đối với du lịch quốc tế, ngành du lịch đưa ra thông điệp “Sống trọn vẹn ở Việt Nam - Live Fully in Vietnam”. Thông điệp này tạo ra hiệu ứng rất tích cực khi du khách thấy Việt Nam vẫn lạc quan, tin tưởng, phát triển du lịch một cách an toàn, trải nghiệm một cách trọn vẹn.

PV: Trong thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Dịch COVID-19 diễn biến rất khó lường, bất định nên việc dự báo cũng sẽ khó chính xác. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, Tổng cục Du lịch nhận định, sự phục hồi của ngành du lịch cũng rất nhanh khi thấy những tín hiệu tích cực từ dịch bệnh.

Trong năm 2022, với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, toàn xã hội và ngành du lịch chấp nhận sống chung với bối cảnh có dịch nhưng sẽ chủ động thích ứng an toàn, có nghĩa là các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ diễn ra rất bình thường. Do đó, năm 2022 dự báo sẽ là năm dấu ấn của du lịch Việt Nam.

Có thể thấy rằng, sau gần hai năm bị hạn chế, nhu cầu của người dân vẫn muốn đi du lịch. Nhưng một bộ phận người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thu nhập bị ảnh hưởng, do đó nhu cầu đi du lịch được thực hiện một cách có chọn lọc.

Du khách cũng sẽ thay đổi cách đi du lịch, lựa chọn điểm đến gần, an toàn, đi theo nhóm nhỏ, đến những điểm đến mới, dịch vụ đảm bảo an toàn. Người đi du lịch cũng đã có những cân nhắc, tính toán và cần nhiều thông tin hơn để quyết định đi du lịch.

Số lượng người không tăng nhanh như trước mà đến những điểm ít được biết đến và ở lâu hơn ở một điểm đến. Đi theo nhóm nhỏ và trải nghiệm theo chuyên đề, chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa” như trước. Du khách cũng sẽ tìm đến những nơi an toàn, có lợi cho sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên cũng như những dịch vụ mà du khách có nhu cầu rõ nét, không phải đi theo trào lưu mà phải có tìm hiểu, tính toán. Các sản phẩm du lịch thì phải ‘khỏe’, ‘sạch’ và ‘thật’, trong đó ‘khỏe’ là có lợi cho sức khỏe; ‘sạch’ là xanh, gần gũi với thiên nhiên, những sản phẩm không biến dạng, ứng dụng công nghệ xanh; ‘thật’ là những chuyến đi thật, sản phẩm tiếp cận giá trị thật, chứ không phải là trào lưu, hào nhoáng.

Do xu hướng đi du lịch của du khách thay đổi nên những người làm du lịch và cơ quan quản lý du lịch cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Tổng cục Du lịch đã chuẩn bị kế hoạch phục hồi cho năm 2022-2023, trong đó tập trung dự báo được những xu hướng, để đưa ra những định hướng để cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mới ngành du lịch.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số để các địa phương, các doanh nghiệp có thể kết nối nhằm mang đến cho du khách những sản phẩm ưu việt nhất. Đồng thời, tăng cường truyền thông quảng bá để khách yên tâm đối với điểm đến.

PV: Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách, vậy ngành du lịch đã có kế hoạch gì trong thời gian tới?

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Mục tiêu trong năm 2022, ngành Du lịch phấn đấu sẽ đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu đó, ngành Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, nhanh chóng phục hồi hoạt động. Hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng sẽ triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch; công tác thống kê du lịch; các nhiệm vụ NCKH cấp Bộ; nhiệm vụ môi trường và nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn.

Ngành du lịch cũng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo”; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phát triển công nghệ sạch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. 

Cùng với đó là tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch trong nước cũng như nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu góp phần nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

PV: Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

 

Hà Thảo (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực