Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi cần được khuyến khích và lan tỏa

Thứ bảy, 05/02/2022 11:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thiếu nhi là chủ nhân tương lai của đất nước, việc giáo dục về nhân cách, đạo đức, tâm hồn, thẩm mỹ cho các em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội và có cả trách nhiệm của những người sáng tác văn học.

Văn học phản ánh những giá trị văn hóa, những nét đẹp, tinh hoa của dân tộc. Vì lẽ đó, văn học phải đi trước một bước, biến những tinh hoa văn hóa của dân tộc thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước. Trong lịch sử phát triển loài người, những tác phẩm văn học đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng làm nên những vẻ đẹp văn hóa, mở ra những giấc mơ tươi đẹp của con người và dẫn con người đi trên con đường của tinh thần chân - thiện - mỹ. Có biết bao con người khi mở trang sách ra đã tìm thấy ánh sáng của tình yêu thương, niềm hy vọng và khát vọng sống.

Văn học có mặt trong muôn màu của đời sống xã hội, là lãnh địa mà hầu như ai cũng có thể đặt chân vào, có thể tham gia và tự do sáng tác, bất kể tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp. Nhưng để có được những tác phẩm văn học có giá trị "để đời", có sức lan tỏa và trường tồn với thời gian thì không phải ai cũng có thể làm được. Trong sáng tác văn học thì sáng tác về đề tài thiếu nhi là một chủ đề khó nhưng vô cùng thú vị và ý nghĩa. Bởi ở đây văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời, hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng. Văn học đích thực làm cho con người sống có nhân cách, có ước mơ, hoài bão lớn, khẳng định giá trị bản thân, không ngừng hướng đến chân - thiện - mỹ, theo đuổi tri thức...

Các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi như Thạch Lam, Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ (từng là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam), Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa… đã tạo ra một thế giới trong sáng, nhân ái và tràn ngập giấc mơ tươi đẹp, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ. Và biết bao con người có lương tri, hoài bão, khát vọng đã lớn lên được là nhờ một phần từ những trang sách ấy.

Ngày nay, do nhịp sống tăng nhanh nên thời gian mỗi người dành cho văn học ít hơn trước, trong khi bản chất của văn học là nhấn nhá, nghiền ngẫm. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật và giải trí khác tận dụng được tối đa sự hỗ trợ từ công nghệ đã chiếm thế thượng phong trong việc lôi cuốn người thưởng thức nghiêng về phía mình, dẫn đến văn học bị lép vế. Sự phát triển của công nghệ, thế giới "ảo" đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là trong giới trẻ, chính sự phát triển về công nghệ kéo theo những hệ lụy khiến trẻ nhỏ chìm đắm trong thế giới ảo, cùng những trò game giải trí. Chính sự phát triển đa chiều của xã hội, văn học với đặc trưng riêng, còn lúng túng, chưa theo kịp, chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả vì thế rơi vào tình trạng hờ hững. Vì vậy, càng cần có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ nhằm chinh phục và nuôi dưỡng trái tim tâm hồn các em thiếu nhi.

Các em nhỏ tham gia Hội sách thiếu nhi (Ảnh: VH)

Hiện nay trong hệ thống văn chương Việt Nam, sách cho thiếu nhi là một trong những chủ đề được nói nhiều, quan tâm cũng nhiều nhưng kết quả lại không hề nhúc nhích. Nếu chúng ta tiếp tục chểnh mảng trong sáng tác cho thiếu nhi thì sẽ khiến con trẻ thiếu nền tảng của văn hóa đọc, và tự đánh mất giá trị truyền thống - khi chỉ được đọc những cuốn sách dịch của nước ngoài. Nhà thơ Nguyễn Qua, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận, lâu nay việc viết cho thiếu nhi của tự thân các nhà văn có sự chểnh mảng, ít tập trung. Có một số cuốn sách ra đời nhưng vẫn viết theo lối cũ, giáo dục thông thường và đầy khô cứng. Trong khi thế giới trẻ em hiện nay có nhu cầu tiếp nhận khác, tự tin hơn, trong sáng hơn, giàu trí tưởng tượng, sống động hơn...

Chủ tịch Hội Nhà văn nhận định rằng, kể từ sau cuốn “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương được trao giải năm 2001, đến nay chưa có tác phẩm nào cho thiếu nhi “lọt” vào hệ thống giải thưởng của Hội. Có thể thấy rằng 20 năm qua, không chỉ thiếu tác phẩm trong hệ thống giải thưởng, mà ngay cả những tác phẩm bình dân dành cho lứa tuổi thiếu nhi cũng thưa vắng. Thực trạng này để lại một khoảng trống quá lớn về văn hóa đọc cũng như việc giáo dục nhân cách, đạo đức, tâm hồn, thẩm mỹ cho trẻ em.

Có một thực tế là, trong hệ thống phát hành sách của cả nước, số lượng sách văn học thiếu nhi của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt đang chiếm phần lớn, sách của Việt Nam ít hơn và cũng được mua ít hơn. Nguyên nhân chính của tình trạng này một phần nhiều do chất lượng tác phẩm văn học cho thiếu nhi ở trong nước chưa thật cao, chưa thật quyến rũ những người trẻ bằng văn học nước ngoài - thường được lựa chọn và dịch từ những cuốn sách tốt nhất của hàng trăm quốc gia nên hấp dẫn hơn rất nhiều.

Nói về việc khuyến khích và lan tỏa việc sáng tác văn học thiếu nhi hiện nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Khi chúng ta đặt văn hóa lên tầm cao nhất của đời sống, nghĩa là chúng ta đã thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc. Đó cũng chính là một trong những lý do Hội Nhà văn Việt Nam đang thực hiện Chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các tác giả viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em và kêu gọi xã hội cùng mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của đất nước cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hội Nhà văn Việt Nam lập ra giải thưởng Tác giả trẻ cũng là hướng tới việc khích lệ các nhà văn trẻ tiếp tục sự nghiệp của thế hệ đi trước, bằng những trang viết của mình mở ra những giá trị nhân văn mới, làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc ngách của đời sống này”.

Giáo dục trẻ em bằng những cuốn sách ý nghĩa là chưa đủ, nhưng ít nhất đó là cách mở ra giá trị nhân văn, xây dựng tâm hồn, hướng con trẻ đến những điều đẹp đẽ. Khi nền văn học thiếu nhi không có những cuốn sách ý nghĩa, cũng đồng nghĩa với một nền văn hóa khuyết đi sự trong trẻo của thế hệ tương lai. “Trẻ em như búp trên cành”, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho những cái búp ấy lớn lên một cách khỏe mạnh cả về hình hài lẫn tâm trí. Các nhà văn có một phần trách nhiệm trong đó./.

Ngọc Khánh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực