Tạo động lực mới cho quan hệ song phương Việt Nam - Armenia

Thứ năm, 03/02/2022 20:42
(ĐCSVN) – "Sẽ không quá lời khi nói rằng, với tư cách là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam, tôi là người hiểu rõ nhất về lịch sử hiện tại cũng như trong tương lai của mối quan hệ hai nước chúng ta. Sống tại Việt Nam và tìm hiểu về đất nước Việt Nam xinh đẹp cũng như con người Việt Nam chân thành, chăm chỉ, thông minh và đầy tự hào, tôi có thể nói rằng đất nước và dân tộc của chúng ta có nhiều điểm tương đồng".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan nhân dịp ông bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: ĐSQ cung cấp) 

Đó là nhận định của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan trong cuộc trò chuyện với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Năm mới 2022.

Phóng viên (PV): Việt Nam và Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/7/1992. Quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Armenia đã được vun đắp trong suốt 30 năm qua. Ông có đánh giá gì về mối quan hệ giữa hai nước ở thời điểm hiện tại?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Trước tiên, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về cuộc phỏng vấn. Nhân cơ hội này, trước hết tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến toàn thể người dân Việt Nam nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 và cầu chúc tất cả mọi người sức khỏe, quyết tâm để vượt qua đại dịch COVID-19.

Mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Armenia đã được thử thách trong suốt thời gian qua. Việt Nam – Armenia có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Chúng ta đã có các cuộc viếng thăm chính thức của các phái đoàn hai nước kể từ những ngày đầu thiết lập quan hệ ngoại giao. Tiêu biểu là chuyến thăm chính thức Việt Nam của cựu Phó Tổng thống Cộng hòa Armenia Gagik Harutyunyan vào tháng 12/1992; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Armenia Vartan Oskanian tháng 8/2002; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Edward Nalbandian tháng 2/2012; cựu Tổng thống Serzh Sargsyan vào tháng 6/2012; Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan tháng 7/2019 và Phó Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Armenia, Trưởng nhóm hữu nghị Armenia-Việt Nam Vahe Enfiajyan  tháng 11/2019.

Trong khi đó, về phía Việt Nam, các phái đoàn Việt Nam cũng đã có những chuyến viếng thăm chính thức tới Armenia như chuyến thăm của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vào tháng 10/2015;  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 của Tổ chức Pháp ngữ tại Yerevan, Armenia, ngày 12/10/2018; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân tham dự Hội nghị quốc tế các Đảng Chính trị hợp tác Á - Âu, tháng 4/2019; hay đoàn đại biểu Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Việt Nam - Armenia của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn đã tới thăm Armenia vào tháng 6/2019.

Việt Nam – Armenia đã thiết lập khuôn khổ hợp tác pháp lý sâu rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác như:  văn hóa,  khoa học - kỹ thuật, kinh tế - thương mại, du lịch… Ngoài các thỏa thuận và Biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương, Armenia và Việt Nam còn hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu kể từ năm 2016.

Một trang mới quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam - Armenia được đánh dấu bằng  việc Đại sứ quán Armenia tại Hà Nội đã được khánh thành vào năm 2013. Điều này giúp đất nước chúng tôi hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam, hướng tới việc thực hiện các mục tiêu chung giữa hai nước.

Chúng tôi cho rằng nhân dân hai nước chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, và cách tốt nhất để làm được điều này là tăng cường hơn nữa các chương trình giao lưu văn hóa và du lịch giữa hai nước. Theo đó, phía Armenia hiện đang xem xét khả năng nới lỏng các yêu cầu về thị thực cho khách du lịch từ Armenia và Việt Nam đến tham quan và khám phá các thắng cảnh và các di sản văn hóa của hai đất nước chúng ta.

Theo tôi, làm sâu sắc thêm và mở rộng cơ sở pháp lý trên các lĩnh vực đại diện cho lợi ích chung cũng có thể tạo động lực mới cho sự phát triển hơn nữa quan hệ song phương giữa Armenia và Việt Nam.

PV: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashiyan năm 2019 nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Armenia cũng như thúc đẩy hợp tác trên nhiều  lĩnh vực... Xin Đại sứ cho biết, các mối quan hệ hợp tác này được thực hiện như thế nào kể từ đó đến nay?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Như tôi đã đề cập trước đó, mặc dù quan hệ chính trị giữa 2 nước luôn rất tốt đẹp, nhưng các mối quan hệ kinh tế - thương mại vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Năm 2019 đã ghi nhận những con số ấn tượng nhất kể từ năm 1992. Trong 30 năm qua, xuất khẩu từ Armenia sang Việt Nam đã tăng 15,8% hàng năm, từ mức thấp nhất 24.000 USD năm 1997 tăng lên 601.000 USD năm 2019. Armenia đã xuất khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm socola và thuốc lá trong năm 2019.

Trong đó, cũng trong năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu sang Armenia với sản lượng đạt 57,9 triệu USD. Các sản phẩm chính là thiết bị phát thanh truyền hình, cà phê và dệt may. Trong suốt 30 năm qua, xuất khẩu từ Việt Nam sang Armenia đã tăng với tốc độ hàng năm đạt 37,7%, từ mức thấp nhất 50.600  USD vào năm 1997 lên 57,9 triệu USD vào năm 2019.

Tuy  nhiên, theo tôi đây là những con số rất thấp so với tiềm năng vốn có của hai nước chúng ta cũng như doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở cả hai chiều.

Armenia có ngành công nghệ thông tin và truyền thông phát triển. Ngoài ra, các lĩnh vực thế mạnh của Armenia còn bao gồm xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm nông sản (trái cây, rau quả tươi, khô, đóng hộp); thực phẩm (sữa, thịt, nước hoa quả, socola); đồ uống có cồn (cognac, rượu, bia); đồ trang sức; thuốc lá; vật liệu xây dựng…

Armenia có rượu Cognac Ararat và các loại rượu khác đã giành nhiều giải thưởng lớn tại nhiều hội chợ và cuộc thi quốc tế. Đồng thời, Armenia hiện đang quan tâm đến việc nhập khẩu cà phê, trái cây, dệt may, đồ da, điện tử, bao gồm cả máy tính và phụ kiện…

Đại sứ Vahram Kazhoyan chụp ảnh lưu niệm tại Văn phòng Chủ tịch nước. (Ảnh: ĐSQ cung cấp)

PV: Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng và gây ảnh hưởng nặng đến kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Armenia đã đạt 7,8 triệu USD, tăng hơn 7 lần so với số liệu cùng kỳ năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Đại dịch COVID-19 là một thách thức mới không chỉ với giới khoa học – y tế mà còn đối với toàn thế giới, gây ra những tổn thất to lớn đối với nền kinh tế của các quốc gia. Đại dịch gây ảnh hưởng rất nặng nề đến các ngành công nghiệp hàng không, lữ hành và du lịch, sản xuất hàng hóa và khiến các nhà máy phải đóng cửa. Sau đòn giáng nặng nề mà nhiều nền kinh tế phải gánh chịu vào năm 2020, năm 2021, chính phủ các nước đã phải điều chỉnh các chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc suy thoái và tái khởi động nền kinh tế.

Kết quả là, năm 2021đã ghi nhận một bước đột phá ở cả hai chiều hướng - thế giới đã nghiên cứu một số loại vaccine ngừa COVID-19, đồng thời các nền kinh tế thế giới đã dần phục hồi từ cuộc đại suy thoái năm 2020. Trong đó, nền kinh tế Armenia và Việt Nam đều phục hồi thông qua các cải cách nhằm cải thiện sự bao trùm tài chính, gắn kết xã hội và khả năng chống chịu với môi trường cao hơn.

Rất tiếc, do đại dịch COVID-19, nhiều thỏa thuận mà Đại sứ quán Armenia đã đạt được với các đối tác Armenia và Việt Nam trong năm 2019 và đầu năm 2020 đã không thể thực hiện trong 2 năm qua. Chúng tôi hiện đang đàm phán lại các thỏa thuận đó và rất lạc quan để có thể hoàn thành các thỏa thuận này vào năm 2022.

PV: Xin ông cho biết kế hoạch tổ chức Kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam – Armenia về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật năm 2022?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Thỏa thuận tổ chức Kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam – Armenia và Diễn đàn Doanh nghiệp tại Yerevan, Armenia trong tháng 10/2019 đã đạt được giữa Thủ tướng Chính phủ Armenia và Việt Nam nhân chuyến thăm của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tới Việt Nam vào tháng 7/2019. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 mà các sự kiện này đã không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.

Hiện tại, chúng tôi đang thảo luận với Bộ Công Thương Việt Nam về việc tổ chức Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Armenia vào mùa Thu (tháng 10-11/2022) tại Yerevan. Cuộc họp này sẽ là cơ hội nhằm thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Armenia và Việt Nam.

Đại sứ quán Armenia tại Hà Nội là cơ quan đầu mối giữa Bộ Kinh tế Armenia và Bộ Công Thương Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm để Hội nghị quan trọng này cùng với Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ được tổ chức. Trước mắt, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt trong 3 quý đầu năm 2022.

PV: Việt Nam vừa kết thúc thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ông đánh giá thế nào về vai trò này của Việt Nam?

Để đánh giá đầy đủ về nhiệm kỳ thành công của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), chúng ta phải nhìn lại cách mà Việt Nam được bầu vào cơ quan quan này. Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 sau khi nhận 192 phiếu trong tổng số 193 phiếu bầu của các thành viên Đại hội đồng LHQ. Đây là sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có đối với một ứng cử viên như Việt Nam.

Quả thực, Việt Nam đã có một nhiệm kỳ rất thành công với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong một giai đoạn hết sức khó khăn đối với thế giới nói chung và Hội đồng Bảo an LHQ nói riêng.

Với vai trò là Ủy viên không Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã phát huy được vai trò chủ động, tham gia vào công việc chung của LHQ trên tinh thần độc lập, tự quyết, có trách nhiệm và công bằng, đóng góp hiệu quả và thực chất vào các hoạt động đàm phán, tìm kiếm giải pháp, đáp ứng các mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong LHQ, đặc biệt là các hoạt động của Hội đồng Bảo an.

PV: Ông có mong muốn gì nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới?

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Sẽ không quá lời khi nói rằng với tư cách là Đại sứ Cộng hòa Armenia tại Việt Nam, tôi có lẽ là người hiểu rõ nhất về lịch sử ngày nay cũng như tương lai của mối quan hệ hai nước chúng ta. Sống tại Việt Nam và tìm hiểu về đất nước Việt Nam xinh đẹp cũng như con người Việt Nam chân thành, chăm chỉ, thông minh và đầy tự hào, tôi có thể nói rằng đất nước và dân tộc của chúng ta có nhiều điểm tương đồng. Không có gì ngạc nhiên khi một trong những câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” lại phù hợp với đất nước và nhân dân Armenia đến vậy.

Trong lịch sử, chúng ta đã gặp không ít khó khăn nhưng luôn vươn cao như Phượng Hoàng và xây dựng lại đất nước chúng ta phồn vinh hơn, to đẹp hơn. Chúng ta có được thành công như ngày hôm nay một phần cũng nhờ có sự tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tôi cân nhắc rất nhiều về câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới, chắc chắn có nhiều điều mà tôi mong muốn được chứng kiến trong tương lai. Quan hệ hợp tác song phương luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ hai nước chúng ta. Ở đây, tôi cũng xin đề cập đến vai trò vô cùng quan trọng của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam do người bạn tốt là Đại sứ Nguyễn Phương Nga đứng đầu và Hội Hữu nghị Việt Nam-Armenia do ông Nguyễn Văn Thuận làm Trưởng đoàn.

Tuy nhiên, nếu nêu ra hai vấn đề cụ thể sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nước trong tương lai, tôi sẽ đề cập đến việc mở Đại sứ quán Việt Nam tại Yerevan và đường bay thẳng nối Hà Nội và Yerevan.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Nhân dịp Năm mới Nhâm Dần 2022, kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Đại sứ Vahram Kazhoyan: Một lần nữa xin cảm ơn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam rất nhiều về cuộc trò chuyện này. Chúc mừng Năm mới 2022!

Hoài Hà (Thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực