|
Thủ tướng tặng quà Tết cho công nhân - Ảnh: Kim Hà. |
Thích nghi trong thời COVID-19
Năm cũ sắp khép lại, Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022 đang gõ cửa mọi nhà, chúng ta đang mong chờ một khởi đầu mới với một tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh để phát triển. Tôi tin rằng với ý trí khát vọng của người Việt, cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người Việt Nam ta vẫn chào đón năm mới bằng một tinh thần mới đầy hào hứng và quyết tâm.
Có lẽ, đây là một năm buồn vì dịch COVID – 19 đã tàn phá nặng nề cuộc sống chúng ta hai năm qua, có nhiều khó khăn đau thương mất mát. Một năm đáng buồn nhưng không có nghĩa là đáng quên, bởi cũng từ dịch bênh COVID – 19, người Việt lại được thử thách về tinh thần đoàn kết, ý trí, nghị lực. Trong gian nan thử thách ấy người Việt Nam thường ví von “lửa thử vàng gian nan thử sức” lại thể hiện được những giá trị mới, khác nhau và thích ứng tích cực để tồn tại và phát triển.
Tết Nguyên đán năm nay có thể ít nhiều thay đổi vì đại dịch, mọi người cân nhắc hơn từ việc sắm Tết đến chơi Tết đây cũng là chuyện bình thường bởi hoàn cảnh thay đổi phải thích nghi. Từ cái Tết thời bao cấp, rồi chuyển sang Tết của nền kinh tế thị trường, Tết có pháo và Tết cấm đốt pháo…tất cả những thay đổi ấy chúng ta đã quen và thích nghi tốt để vươn lên mà không đánh mất bản sắc.
Câu chuyện của thời bao cấp xưa kia, hẳn chúng ta vẫn không quên, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mọi người mong đến tết bữa cơm có thịt, có mỡ, có bánh chưng, được ăn no, ăn ngon, trẻ con chỉ mong đến Tết để được bữa ăn ngon, để được mặc bộ quần áo mới, được tiền mừng tuổi và được đi chơi, xuống chợ ngắm cảnh đẹp… Háo hức nhất có lẽ là trẻ con say mê chuẩn bị pháo nổ trong đêm giao thừa, xem pháo nhà ai nổ to, ròn, canh trừng nồi bánh chưng chẳng ai muốn ngủ mà chỉ thấp thỏm hẹn nhau giờ giao thừa cùng thức để đốt pháo chúc tụng nhau tận hưởng những giờ phút thiêng liêng, giao hòa của năm mới hít thở không khí tinh khôi nhất của trời đất.
Tết năm nay đã cận kề khắp miền quê, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng rộn ràng không khí Tết, nào là chuẩn bị bếp núc, bánh chưng xanh, chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, dọn dẹp nhà cửa, cành đào, chậu hoa rực rỡ trong nhà là biết Tết đã về.
Tuy nhiên Tết của thời kinh tế thị trường có dịch bệnh COVDI -19, có phần rất khác, người ta chủ yếu là chơi tết, không còn quá đặt nặng chuyện tụ tập ăn uống. Cả năm với nhiều mối lo toan cơm áo gạo tiền nhiều người muốn nghỉ ngơi đi đâu đó xa phố thị có thể là chuyến du lịch nơi xa để tĩnh tâm lấy lại năng lượng. Tuy nhiên truyền thống của người Việt không thể bỏ được kể cả những Việt kiều đều muốn đón Tết ở quê hương lâu ngày không gặp gỡ có dịp gần gũi, trao đổi tâm sự về công việc làm ăn, hạnh phúc gia đình đồng thời là dịp để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Tết để người thân quây quần bên gia đình cùng mâm cơm đầm ấm, gặp gỡ những người thân yêu và dành cho nhau những lời thăm hỏi, chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Tết đến xuân về đi đâu, gặp ai cũng tâm sự với nhau rằng cầu mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, để Tết này được được xum vầy đầy đủ hơn vui hơn, hạnh phúc bên người thân. Hiện nay chuẩn bị cho Tết Nguyên đán mỗi địa phương đang thực hiện biện pháp phòng dịch khác nhau và cũng khuyến cáo bà con chấp hành tốt qui định phòng dịch, thực hiện 5k, không đi lại nếu xét thấy không cần thiết. Bà con lên cân nhắc đón Tết ở đâu, như thế nào cho an toàn là tốt nhất bởi nếu về Tết mà phải cách ly, làm lây lan dịch bệnh thì quả là nguy hiểm.
Lại một cái Tết bị chi phối nhiều bởi dịch bệnh COVID – 19 hoành hành nó để lại nhiều hậu quả gia đình mất người thân, bệnh tật gia tăng; nhà nhà, người người lo lắng liệu mình có bị nhiễm không; hoạt động kinh tế đình trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, phá sản, hàng ngàn người mất việc làm, mất thu nhập, đời sống vô cùng khó khăn,... những khó khăn này đã tác động rất lớn đến Tết năm nay.
Có lẽ khó khăn ấy sẽ làm cho người ta tính toán cho việc chi tiêu hơn trong dịp Tết này cần phải tiết kiệm hơn, tránh lãng phí không cần thiết và bắt đầu có thói quen tích lũy, đây có thể là xu hướng thay đổi bởi dịch bệnh. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một điều tốt cần có để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại do COVID -19 đang gây ra.
Dịch bệnh COVID -19 đã làm cho đời sống xã hội chúng ta thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và nhanh chóng; làm việc từ xa, làm việc online, họp hành, học tập…trực tuyến làm thay đổi hành vi của hầu hết mọi người. Và cùng với chuyển đổi số Tết năm nay việc mua sắm online, thăm hỏi chúc mừng online, gặp gỡ online cũng trở lên dễ ràng hơn và rồi những điều đó cũng dần quen. Như vậy có thể nói những cuộc gặp gỡ, tụ tập ăn nhậu sẽ bớt đi, cơm nước, cỗ bàn không cần quá cầu kỳ, mà vẫn vui.
Đoàn kết dân tộc được nhân lên giá trị mới
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và kiều bào về tham dự chương trình Xuân Quê hương 2022. (Ảnh: Thế Dương) |
Có thể nói, quãng thời gian đã qua, 2 năm liên tiếp chúng ta đón Tết Nguyên đán cùng với cuộc chiến chống dịch. Thế nhưng tôi vẫn thấy một tinh thần hân hoan, một sự lạc quan mãnh liệt của người Việt khi Tết đến xuân về. Một cái Tết sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, sẽ không ai bị kỳ thị ở vùng dịch về quê ăn Tết. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Năm 2021 là năm chúng ta tiến hành an sinh xã hội chưa từng có, để đảm bảo cho mọi người có cơm ăn, áo mặc. Trong không khí cả nước đang phấn khởi đón Tết cổ truyền sau một năm rất vất vả, chúng ta chăm lo cho những người yếu thế, gia đình thương binh liệt sĩ, những gia đình chịu mất mát trong đại dịch COVID-19 vừa qua,... tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành quan tâm chia sẻ, chung tay chăm lo để mọi người đều có cái Tết sum vầy. Đây là trách nhiệm, đạo lí của dân tộc ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ “Không để ai không có Tết, đặc biệt là người nghèo, gia đình có công, người có hoàn cảnh neo đơn. Đây là truyền thống thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với bà con”. Với sự háo hức, hân hoan mọi người tất bật chuẩn bị cho ngày Tết cùng bao dự định, tính toán để làm sao có một cái Tết thật tiết kiệm nhưng vui.
Tôi cho rằng dịch COVID-19 đem đến nhiều hệ lụy không tốt nhưng với tinh thần ý trí người Việt tiếp tục khẳng định những giá trị mới trong cuộc sống hiện nay. Đó là tinh thần đoàn kết, thương người như thể thương thân, kết nối cộng đồng, ý trí kiên cường sáng tạo của người Việt trong cuộc chiến chống dịch. Dịch bệnh COVID -19, đã làm thay đổi hầu hết các lĩnh vực không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới, từ kinh tế, xã hội, cho đến đời sống tinh thần của người dân.
Xong mặc cho những biến chuyển to lớn vì đại dịch thì chắc chắn đối với người Việt chúng ta vẫn sẵn sàng để đối diện, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, và có một thứ sẽ không bao giờ thay đổi đó là: Tinh thần đoàn kết dân tộc!
Trong những ngày tháng dịch COVID -19 xuất hiện đợt thứ 4, chúng ta phải gồng mình trước dịch bệnh, đặc biệt là TPHCM nơi tâm dịch, nguy hiểm, mất mát quá lớn. Nhưng trong những ngày khó khăn này tinh thần dân tộc được phát huy mạnh mẽ, nhiều y bác sỹ, bộ đội, công an… tạm biệt xa gia đình, người thân tình nguyện xung phong đi vào tâm dịch để cùng bà con chống dịch. Nhiều cơ quan đơn vị, các mạnh thường quân trong và ngoài nước ủng hộ hiện vật, tiền để mua vacxin.
Với chương trình “Xuân quê hương” là tiếp tục minh chứng cho tình đồng bào kết nối yêu thương người trong nước với nước ngoài san sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực để vươn lên xây dựng Việt Nam giàu mạnh. Tin vui cuối năm theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD. Lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%... Thế mới thấy tinh thần người Việt mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương.
Tinh thần đoàn kết dân tộc một lần nữa được nhấn mạnh trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới đồng bào, đồng chí cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống dịch COVID -19 vừa qua: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một”.
Ở một đất nước, mà người dân lại đoàn kết thương nhau như thế là hiếm có! Con người sẵn sàng sẻ chia và đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Và dường như, càng trong gian khổ ta lại càng thấy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân, một niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng.
Năm nay, có thể sẽ là một Tết Nguyên Đán chưa vui, khi nhiều gia đình không còn những người thân yêu trở về ăn Tết. Còn nhiều trẻ em đón Tết Nguyên đán mà không còn cha mẹ ở bên, đời sống của nhiều gia đình khó khăn… Nhưng tôi cho rằng, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn thách thức của dân tộc ta không hề thay đổi mà còn khẳng định giá trị mới, tiếp thêm sức mạnh để thực hiện khát vọng đất nước hạnh phúc, phồn vinh.