Tổng cục Đường bộ Việt Nam thích ứng an toàn để giữ đà phát triển GTVT

Kỳ 1: Vượt dịch COVID-19, giữ hiệu lực cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông
Thứ bảy, 05/02/2022 16:09
(ĐCSVN) - Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện đánh giá, trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đường bộ năm 2021, Tổng cục đã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì KCHTGT đường bộ và dự toán chi được giao. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đã tổ chức công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác hệ thống quốc lộ, cầu, hầm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt đáp ứng nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại của người dân.
Cầu Cửa Hội (Nghệ An) khánh thành thông xe cuối tháng 3 năm 2021 là cây cầu vượt biển mang tầm chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Vượt khó thời dịch

Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều nội dung phải giải quyết công việc trực tuyến, nhưng công tác thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Kế hoạch bảo trì năm 2021 đã được hoàn thành từ tháng 3/2021, thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu để tăng tính cạnh tranh và minh bạch; từ tháng 4/2021, các đơn vị đã đồng loạt tổ chức thi công trên hiện trường.

Thực hiện kế hoạch bảo trì năm 2021 của Bộ GTVT với tổng mức được phê duyệt 14.020 tỷ đồng/Dự toán NSNN giao là 9.972 tỷ đồng, Tổng cục đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo trì đảm bảo yêu cầu tiến độ. Đến cuối năm 2021, công tác sửa chữa đường bộ năm 2021 đã cơ bản hoàn thành với tổng giá trị khối lượng thực hiện tại công trường đạt trên 90% kế hoạch, chỉ có một số công trình được duyệt bổ sung kế hoạch bảo trì năm 2021 và một số công trình do ảnh hưởng bởi các đợt mưa bảo thời gian vừa qua đang tập trung đẩy anh tiến thi công. Các chủ đầu tư đã cam kết hoàn thành nghiệm thu, thanh toán theo đúng kế hoạch và hoàn thành theo tiến độ hợp đồng.

Trong năm 2021, bên cạnh nhiệm vụ bảo trì hệ thống quốc lộ với mục tiêu đảm bảo an toàn, thông suốt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã ưu tiên triển khai các dự án xử lý ngập ủng các quốc lộ (QL) khu vực đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng bởi triều cường và lũ hàng năm; triển khai sửa chữa tập trung trên QL.1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến QL trọng yếu để nâng cao năng lực khai thác trên các trục huyết mạch, đảm bảo giao thông an toàn, thuận lợi trong mùa mưa lũ.

Cũng trong năm qua, Tổng cục ĐBVN tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp “Tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên QL.1 và các tuyến quốc lộ trọng điểm"; ưu tiên rà soát, xử lý các điểm đen mới phát sinh; cập nhật các điểm tiềm ẩn TNGT trong xây dựng kế hoạch năm 2022. Trong đó chỉ đạo tập trung rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư. Riêng các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm Tổng cục ĐBVN tăng cường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn, hốc cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh; hoàn chỉnh hệ thống bảo hiệu trên đường cao tốc. Tổng hợp số liệu trong 11 tháng, đã thực hiện sửa chữa mặt đường trên 1.000 km, gần 200 cầu yếu, xử lý 80 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; sơn kẻ 1.260km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 1.300 biển báo, sửa chữa, bổ sung 135km hộ lan tôn sống và xử lý hàng trăm nội dung bất cập trong tổ chức giao thông, hư hỏng đột xuất cầu đường,…

Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt

Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), Tổng cục ĐBVN đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, hậu kiểm các nhà đầu tư dự án BOT, tổ chức tốt công tác KSTTX (kiểm tra kích thước thành, thùng xe; trong đó tập trung xử lý tận gốc vi phạm tài trọng tại kho bãi, bến cảng, nhà ga, đầu mối vận tải,...); phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc kết nối phần mềm quản lý dữ liệu kiểm định với phần mềm KSTTX của Tổng cục; phối hợp với đơn vị có liên quan kiểm tra đột xuất việc thực hiện tại các điểm KSTTX lưu động; kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã ký cam kết đối với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác cảng, nhà ga và các đơn vị thi công công trình lớn, tự cắt bỏ phần thủng hàng vượt quá kích thước. Trong 11 tháng năm 2021, các Trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục QLĐB sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra 69.272 xe, trong đó có 8.394 xe vi phạm, tước 2.592 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 77,26 tỷ đồng.

 Lực lượng thanh tra giao thông tuy còn mỏng nhưng đã nỗ lực hết công suất hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện việc bảo đảm trật tự, ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và nhiều nhiệm vụ khác của địa phương, Thanh tra giao thông các Sở GTVT chỉ KSTTX trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua các lực lượng tập trung cho việc phòng chống dịch bệnh nên xảy ra tỉnh trạng xe quả tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải đã tái diễn, gây hư hỏng KCHTGT, mất ATGT, ô nhiễm môi trường.

“Để chấm dứt tình trạng này, rất cần các cấp, các ngành ở các tỉnh, thành phố có nhiều xe quả tải lưu thông quan tâm chỉ đạo sát sao các lực lượng phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải như thời gian vừa qua”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục ĐBVN đã chủ động phê duyệt sản xuất vật tư dự phòng năm 2021 ngay từ đầu năm, chuẩn bị các loại vật tư dự phòng cần thiết phục vụ công tác đảm bảo giao thông và các phương án thực hiện phương châm 4 tại chỗ; thực hiện chế độ thường trực 24/24 tại những thời điểm mưa bão, đã có chỉ đạo kịp thời nên về cơ bản giao thông trên hệ thống quốc lộ được duy trì, giảm thiểu thiệt hại và ách tắc; khi xảy ra sự số cầu đường làm ách tắc các đơn vị đã triển khai khắc phục ngày đêm đảm bảo thông đường nhanh nhất.

Đối với công tác quản lý, bảo trì tại các dự án BOT, Tổng cục ĐBVN đã ban hành nhiều văn bản gửi các nhà đầu tư để triển khai phổ biến pháp luật, chỉ dẫn và làm rõ các quy định cũng như việc áp dụng, thực hiện quản lý, bảo trì công trình BOT, công trình PPP trong giai đoạn khai thác; đảm bảo ATGT dịp Lễ tết; hướng dẫn công tác QLBT đối với các dự án BOT đang tạm dừng thu phí; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng tuyến đường đã khai thác, sửa chữa kịp thời các hư hỏng phát sinh. Đồng thời thực hiện quản lý tốt các hợp đồng BOT theo phân cấp, ủy quyền.

Trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ, trong quản lý bảo trì KCHTGT đường bộ, Tổng cục ĐBVN đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng Hệ thống quản lý tài sản đường bộ (RAMS) cập nhật dữ liệu của 32 tài sản đường bộ; tiếp tục cập nhật và khai thác dữ liệu của Hệ thống quản lý tình trạng mặt đường (PMS), giúp thuận tiện trong việc theo dõi, tra cứu các thông tin thống kê, lịch sử bảo trì, lưu lượng giao thông, tình trạng mặt đường;... Phần mềm VBMS đã xây dựng được cơ sở dữ liệu cần thiết phục vụ việc quản lý cầu, hỗ trợ để kiểm tra các thông tin chung về cầu như: thông số kết cấu nhịp, kết cấu phần dưới, thông tin kiểm tra cầu, kiểm định, sửa chữa./.

Bài, ảnh: Kim Cương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực