Tổng cục Đường bộ Việt Nam thích ứng an toàn để giữ đà phát triển GTVT

Kỳ 2: Cần “lực đẩy” để chuyển biến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Thứ bảy, 05/02/2022 16:08
(ĐCSVN) - Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện, nhìn lại bức tranh đường bộ năm qua, dù phát triển mạnh mẽ với nhiều “điểm sáng” được đánh giá cao, song, không thể phủ nhận, đường bộ vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc đối với công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) rất cần được tháo gỡ ngay từ đầu năm 2022 để làm tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
 Cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang

Nhìn nhận đúng để định hình bước phát triển

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế hiện hữu, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm chậm nhiều khâu trong tổ chức thực hiện các công tác quản lý bảo trì KCHTGT đường bộ của Tổng cục ĐBVN và các đơn vị có liên quan, điển hình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công hiện trường, nghiệm thu thanh toán đều bị ảnh hưởng tiến độ....

Bên cạnh đó, tại một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, chưa quyết liệt, chậm làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán, dẫn đến giá trị giải ngân vốn giao năm 2021 ở những tháng đầu năm đạt kết quả thấp.

“Trước tình hình đó, Tổng cục ĐBVN đã kịp thời chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hiện trường, bù phần khối lượng đã chậm tiến độ và khẩn trương giải ngân. Nhìn chung, đến cuối năm 2021, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản đáp ứng tiến độ hoàn thành theo kể hoạch và đảm bảo giải ngân toàn bộ vốn giao năm 2021”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện bày tỏ.

Cùng với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, còn có một số khó khăn liên quan đến thể chế chính sách. Cụ thể, đối với Thông tư số 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính, khi Quỹ bảo trì đường bộ hết hiệu lực, thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước không được trích lập dự phòng chi, dẫn đến tình trạng Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN không chủ động được việc bố trí vốn thực hiện các công việc cấp bách, khắc phục thiệt hại do bão lụt, sửa chữa đột xuất đảm bảo giao thông;…

“Thực tế trong năm 2021, các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, xử lý điểm đen, điểm mất ATGT đều phải thực hiện ngay, nhưng không còn nguồn vốn để thanh toán, gây nợ đọng, khó khăn cho đơn vị thi công”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận.

Cùng với đó, các công trình sửa chữa các tuyến huyết mạch như quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, công trình xử lý chống ngập trên các quốc lộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số công trình đột xuất khác (theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, cử tri) khi được Bộ GTVT bổ sung kế hoạch bảo trì thì đã không còn vốn để triển khai thủ tục đấu thầu theo quy định, dẫn đến chậm trễ. Để thực hiện được, Bộ GTVT đã phải điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị, phát sinh thủ tục, ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Đối với Thông tư 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ GTVT, ngày 26/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Để phù hợp với chính sách mới, Bộ GTVT cần thiết phải ban hành Thông tư hướng dẫn (hoặc sửa đổi, bổ sung) một số nội dung tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Cụ thể hiện nay trong tổ chức thực hiện còn vướng mắc một số nội dung chỉ bảo trì đường bộ mà Thông tư 37/2018/TTBGTVT không quy định chi tiết, hoặc không đầy đủ, dẫn đến khó khăn, chưa đảm bảo đầy đủ pháp lý trong tổ chức thực hiện.

Mặt khác, các dự án BOT cũng có một số tồn tại liên quan. Cụ thể, công tác quản lý, bảo trì các dự án BOT khi tạm dừng thu chưa có các quy định cụ thể về các nội dung này, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu các Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vì công trình theo quy định của pháp luật và hợp đồng, đảm bảo chất lượng công trình, ATGT cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra tai nạn giao thông do yếu tố kỹ thuật đường không đảm bảo, không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời theo quy định. Tuy nhiên, sau khi tạm dừng hoặc dừng thu phí chở quyết toán hợp đồng dự án, một số nhà đầu tư/doanh nghiệp đã dừng công tác bảo trì (quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, quốc lộ 1K, cầu Đồng Nai,...) hoặc thực hiện không đạt yêu cầu.

Cần “lực đẩy” để giải quyết “điểm nghẽn”

Kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2021 là 9.986 tỷ đồng  

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện đánh giá, đây là những “điểm nghẽn” trên đà phát triển của đường bộ và rất cần được tháo gỡ ngay từ đầu năm 2022 để làm tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Để hiện thực hóa những quyết tâm của năm mới, Tổng cục ĐBVN đã đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư thay thế (hoặc sửa đổi) Thông tư 372018/TT-BGTVT để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Tổng cục ĐBVN cũng đã đề nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ Tài chính để ban hành Thông tư thay thế Thông tư 60/2017/TT-BTC để chủ động về nguồn vốn xử lý các công việc đột xuất, cấp bách trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Với kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2021 được thông báo là 9.986 tỷ đồng (bằng với năm 2020) là còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, trong khi nhiệm vụ quản lý bảo trì đòi hỏi ngày càng cao hơn, đặc biệt là việc khắc phục hậu quả thiên tai hàng năm và tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc, quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh với chiều dài lớn.

Vì vậy, Tổng cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT báo cáo các cấp có thẩm quyền tăng thêm nguồn vốn ngân sách Nhà nước chi bảo trì hàng năm từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Kim Cương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực