Tự hào với danh xưng luật sư Việt Nam

Thứ bảy, 05/02/2022 11:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chủ tịch LĐLS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh tin tưởng, kỳ vọng nghề luật sư sẽ phát triển vững mạnh cùng với sự phát triển của đất nước, tiếp tục đóng góp tích cực vào cải cách tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Luật sư TS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đồng thời bày tỏ tin tưởng nghề luật sư sẽ phát triển vững mạnh cùng với sự phát triển của đất nước.

Phóng viên (PV): Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện trong năm 2021 là tổ chức Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp. Xin ông chia sẻ về một số kết quả nổi bật của Đại hội?

Chủ tịch LĐLS Đỗ Ngọc Thịnh: Kết quả nổi bật của Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam trong năm 2021 là chỉ đạo và phối hợp tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư thành phố Hà Nội vào tháng 4/2021. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, LĐLS Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, đồng thời chủ động hoàn thiện công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, LĐLS Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III vào ngày 25 và 26 tháng 12 năm 2021.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III thành công tốt đẹp, bầu ra Thường trực LĐLS khóa III( Ảnh: TL)

Với chủ đề Đại hội “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương; quyết tâm xây dựng đội ngũ Luật sư trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II (2015 - 2021) và phương hướng công tác nhiệm kỳ III (2021 - 2026) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; thông qua Điều lệ LĐLS Việt Nam (sửa đổi)…

Đại hội đã bầu ra được 31 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III trên tổng số 93 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc (trong đó có 62 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đương nhiên là Chủ nhiệm của 62 Đoàn Luật sư). Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra 21 ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; bầu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III là Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh. Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra các Phó Chủ tịch Liên đoàn, gồm các Luật sư: Phan Trung Hoài; Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam, Đào Ngọc Chuyền.

Với chủ đề Đại hội nêu trên, các đại biểu tham dự Đại hội đã thể hiện trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội và lựa chọn bầu ra những Luật sư xứng đáng để gánh vác những trọng trách LĐLS giao phó.

Tập trung xây dựng một số đầu tầu của nghề luật sư

PV: Có thể thấy, chất lượng đội ngũ luật sư thời gian qua từng bước được nâng cao, tuy nhiên trước yêu cầu tình hình mới vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặc biệt là hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật quốc tế. Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch LĐLS Đỗ Ngọc Thịnh: Để đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân, của doanh nghiệp và của xã hội trong hoạt động tranh tụng và tư vấn pháp luật nói chung và tư vấn pháp luật quốc tế nói riêng thì LĐLS Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam phải không ngừng phấn đấu phát triển số lượng luật sư và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư để xây dựng niềm tin với cộng đồng xã hội về khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng của đội ngũ luật sư. Mặt khác thông qua hoạt động truyền thông, làm như thế nào để nhà nước và xã hội hiểu rõ hơn về nghề luật sư và những đóng góp của đội ngũ luật sư khi hỗ trợ pháp lý cho người dân và các chủ thể xã hội, qua đó có thể động viên, hỗ trợ cho đội ngũ luật sư và nghề luật sư phát triển vững chắc.

Với dân số của Việt Nam gần 100 triệu người hiện nay và số lượng luật sư khoảng 16.500 luật sư, cho thấy số lượng luật sư của Việt Nam còn quá ít để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Chính vì thế, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, theo tôi cần phải có thời gian để nghề luật sư và đội ngũ luật sư phát triển và trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, cần phải nhìn nhận đánh giá vấn đề này dưới nhiều lăng kính để có thể có góc nhìn một cách toàn diện hơn. Trước tiên, mỗi luật sư và cả đội ngũ luật sư Việt luôn cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm và bổn phận trong cung cấp dịch vụ, luôn có ý thức rèn luyện, phấn đầu để mỗi khi cung cấp dịch vụ pháp lý phải đảm bảo chất lượng cho khách hàng và cộng đồng xã hội.

Về phía LĐLS Việt Nam phải có chiến lược để xây dựng phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội.

Mặt khác, tôi cũng cho rằng người dân và xã hội cần hiểu rõ hơn về nghề luật sư để cùng hỗ trợ và sử dụng pháp lý của luật sư. Tạo cơ hội cho đội ngũ luật sư và nghề luật sư đóng góp vào công việc chung của xã hội và để họ là một trong các lực lượng chính đưa pháp luật vào ngóc ngách của đời sống xã hội.

PV: Nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đang đặt ra những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, LĐLS Việt Nam cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào để nâng cao chất lượng, vai trò, vị thế của đội ngũ luật sư Việt Nam, phát triển ngang tầm với các luật sư trong khu vực và trên thế giới, thưa ông?

Chủ tịch LĐLS Đỗ Ngọc Thịnh: Một đất nước phát triển thì nghề luật sư cũng sẽ phát triển và ngược lại. Vì thế, ở nhiều nước có nền kinh tế thị trường phát triển, luật sư và nghề luật sư đã trở thành một trong các yếu tố không thể nào thiếu được của sự phát triển kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng thì sẽ cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương yêu cầu cần chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta; nâng cao hình ảnh, uy tín nghề nghiệp, địa vị của luật sư đối với xã hội; giữ vững niềm tin của nhân dân, của xã hội, của khách hàng với đội ngũ luật sư nước ta.

Tiếp thu sâu sắc chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III và Phương hướng, nhiệm vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III đã được Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III thông qua, trong thời gian tới Hội đồng luật sư toàn quốc trước hết sẽ tập trung triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho luật sư. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng luật sư, coi trọng việc tự bồi dưỡng, tự học tập của mỗi luật sư và phát động phong trào học tập rèn luyện trong đội ngũ luật sư. Chuyển mạnh và nhanh từ bồi dưỡng trực tiếp sang hình thức bồi dưỡng trực tuyến (online).

Hội thảo “Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” (Ảnh: TL)

Thực hiện các nhiệm vụ chính trị - pháp lý được Đảng, Nhà nước giao phó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư sẽ chủ động đề xuất với Đảng và Chính phủ tiếp tục giao cho LĐLS Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ chính trị - pháp lý theo đặc điểm nghề nghiệp luật sư, đặc biệt là tham gia vào quá trình thực hiện chủ trương cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, LĐLS Việt Nam xác định tập trung xây dựng một số đầu tầu của nghề luật sư, của đội ngũ luật sư nhằm khẳng định chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư với xã hội, đó là: đội ngũ luật sư tham gia tranh tụng các vụ án hình sự; đội ngũ luật sư tư vấn, dịch vụ và tranh tụng lĩnh vực sở hữu trí tuệ; đội ngũ luật sư tư vấn đầu tư và thương mại quốc tế.

Đi cùng với đó là phát triển nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư gắn với chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế theo tinh thần Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư; chú trọng công tác khen thưởng và đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế

 Một nhiệm vụ khác được Liên đoàn đặt ra là củng cố Cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để một mặt truyền thông kịp thời, chính xác những đóng góp của đội ngũ luật sư với Nhà nước và xã hội; đồng thời quảng bá, truyền thông về luật sư để Nhà nước và xã hội hiểu, ủng hộ cho những đóng góp của đội ngũ luật sư trong công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Thông qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cho toàn thể đội ngũ luật sư, nâng cao hình ảnh, uy tín nghề nghiệp, địa vị của luật sư đối với xã hội.

Kiên quyết xử lý nghiêm các luật sư cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp

 PV: Nghề luật sư đòi hỏi Luật sư ngoài chữ “Tài” phải có chữ “Tâm”. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng một số luật sư chưa nhận thức đầy đủ sâu sắc trách nhiệm chính trị, pháp lý, trách nhiệm xã hội cao quý của nghề luật sư, thậm chí một bộ phận nhỏ có hành vi tiêu cực, chạy án, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, thưa ông?

Chủ tịch LĐLS Đỗ Ngọc Thịnh: Nghề luật sư và mỗi luật sư muốn duy trì và phát triển nghề nghiệp thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu, phải xây dựng niềm tin với khách hàng và xã hội. Một khi đã cung cấp dịch vụ pháp lý thì phải đảm bảo chất lượng, đồng thời mỗi luật sư luôn thể hiện được tinh thần tận tuỵ phục vụ nhân dân với tấm lòng trong sáng trên cơ sở của luật pháp và đạo đức nghề nghiệp. Tinh thần phục vụ hết mình của luật sư rất cần khách hàng và người dân hiểu để cùng sát cánh và hỗ trợ cho nghề luật sư phát triển. Nhưng không phải ai khi có danh xưng luật sư đều có thể làm được điều đó. Bởi đội ngũ luật sư cũng là một xã hội thu nhỏ, đa số các luật sư đều ý thức trách nhiệm phục vụ cộng đồng họ là những luật sư chân chính có trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ pháp lý. Vẫn còn một số ít luật sư chưa ý thức đầy đủ được trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội khi hành nghề, có hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ở các nước phát triển để có thể khẳng định được một nghề luật sư là một nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh, họ phải mất hàng trăm năm xây dựng và phát triển, vì thế nghề luật sư ở Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài ngoại lệ đó.

PV: Vâng, vậy LĐLS Việt Nam đã có giải pháp đột phá nào để giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, xây dựng đội ngũ luật sư vừa  có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức liêm chính, trong sáng, đồng thời có chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp tinh thông?

Chủ tịch LĐLS Đỗ Ngọc Thịnh: LĐLS Việt Nam đã nhận diện đầy đủ những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư. LĐLS Việt Nam đang tiến hành nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để nâng cao đồng đều chất lượng đội ngũ luật sư. Hạn chế và ngăn ngừa những luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Trong đó, tập trung tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp luật sư để mỗi luật sư và cả đội ngũ luật sư luôn thấm đượm và ý thức rõ trách nhiệm với nhà nước và xã hội khi hành nghề, cung cấp dịch vụ pháp lý. Hạn chế tối đa các sai sót hoặc vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

 Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh (Ảnh: TL)

Giáo dục, uốn nắn các sai sót của luật sư khi có dấu hiệu vi phạm. LĐLS Việt Nam và các Đoàn Luật sư cũng kiên quyết xử lý nghiêm các luật sư cố tình vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc là tái phạm để có thể ngăn ngừa và cảnh tỉnh những luật sư không ý thức đầy đủ trách nhiệm phục vụ khách hàng và phục vụ cộng đồng.

 Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông và công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi luật sư và cả đội ngũ ý thức được những giá trị đích thực của nghề luật sư trong việc phục vụ khách hàng và phục vụ cộng đồng.

Tôi cho rằng điều quan trọng là mỗi luật sư cần thấy được niềm tự trọng, tự tôn khi được đứng trong đội ngũ luật sư vì đó là niềm vinh dự cho mỗi cá nhân và cả đội ngũ. Bản chất của nghề luật sư luôn được xã hội tôn trọng và tôn vinh, nhưng mỗi luật sư và cả đội ngũ luật sư chỉ có thể nhận được danh hiệu đó khi mỗi người và cả đội ngũ phải làm trọn được bổn phận cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng. Có như vậy sẽ hạn chế những vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp!.

Về phía LĐLS Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để giám sát, hỗ trợ luật sư cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến luật sư thận trọng, chính xác, khách quan đúng pháp luật và đúng Điều lệ LĐLS Việt Nam.

Phát triển vững mạnh cùng với sự phát triển của đất nước

PV: Nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022, trên cương vị là Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông có điều gì muốn chia sẻ với giới luật sư cả nước?

Chủ tịch LĐLS Đỗ Ngọc Thịnh: Đón xuân Nhâm Dần 2022 tôi tin tưởng nghề luật sư sẽ phát triển vững mạnh cùng với sự phát triển của đất nước. Đội ngũ luật sư sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào cải cách tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ luật sư sẽ nhận được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân khi có những đóng góp tích cực, thiết thực cho người dân và xã hội. Mỗi luật sư sẽ tự hào với danh xưng luật sư Việt Nam và vinh dự khi đứng trong đội ngũ luật sư đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội trong hoàn cảnh luôn phải, vượt qua nhiều khó khăn để làm trọn bổn phận, trách nhiệm với khách hàng và cộng đồng xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực