Việt Nam có tiền đề phục hồi vào năm 2022

Thứ tư, 02/02/2022 09:57
(ĐCSVN) - "Dù vẫn còn nhiều rủi ro hiện hữu, song Việt Nam có tiền đề cho giai đoạn phục hồi vào năm 2022 do Chính phủ đã tăng tốc triển khai tiêm chủng và có thêm các hỗ trợ chính sách một cách hợp lý" - đây là khẳng định của ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Xuân mới.
Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud. 

Phóng viên (P/V): Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng kích lệ trên cơ sở kiên định thực hiện “mục tiêu kép”. Vậy đâu là nền tảng để Việt Nam đạt được điều đó, thưa ông?

Ông Francois Painchaud: Những thành công trong kiềm chế dịch bệnh mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 đã bị thử thách bởi sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh với biến thể chủ đạo Delta dẫn tới việc thực hiện lệnh phong tỏa tại nhiều địa phương vào năm 2021, khiến GDP tăng trưởng âm 6% trong quý III/2021. Sự tham gia của lực lượng lao động và việc làm đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, rồi tình trạng thiếu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã xảy ra do người lao động ở những vùng bị ảnh hưởng dịch mạnh nhất đã trở về quê nhà. Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong các lĩnh vực cần tiếp xúc nhiều đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các hộ gia đình có thu nhập cao hơn và các doanh nghiệp lớn hơn vẫn có khả năng trụ vững.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đã tăng nhanh đáng kể trong những tháng gần đây. Cho đến nay, hơn 90% dân số trưởng thành của Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Nỗ lực tiêm chủng ấn tượng này cho phép Việt Nam dịch chuyển từ chiến lược “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn với COVID” với cách phòng dịch linh hoạt hơn và tái mở cửa nền kinh tế. Kết quả là, tăng trưởng phục hồi trong quý IV và đạt mức  2,6% cả năm 2021. Áp lực lạm phát trong nước đã được cải thiện với tỷ lệ lạm phát bình quân theo năm thấp nhất trong 5 năm qua (1,8%).

Cuối cùng, những thành tựu đáng kể trong ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách cơ cấu cùng các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng trong những năm trước đại dịch đã tạo dư địa chính sách cho phép chính phủ áp dụng các gói kích thích kinh tế  hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trong giai đoạn 2020-21.

P/V: Ngày 2/8, Hội đồng Thống đốc của IMF đã phê duyệt việc phân bổ 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để hỗ trợ các nước đương đầu với dịch COVID-19. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phát huy tốt nhất những lợi thế từ đợt phân bổ SDR kỷ lục của IMF ?

Ông Francois Painchaud: Trước tiên tôi xin lưu ý rằng SDR là một tài sản dự trữ quốc tế, được IMF tạo ra vào năm 1969 để bổ sung dự trữ ngoại hối chính thức của các nước thành viên. Vào ngày 2/8/2021, IMF đã phê duyệt phân bổ SDR tương đương 650 tỷ USD cho các nước thành viên.

Như bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc điều hành IMF đã lưu ý, việc phân bổ SDR sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống kinh tế toàn cầu - bổ sung dự trữ ngoại hối của các quốc gia và giảm sự phụ thuộc của họ vào các khoản nợ trong nước hoặc nợ nước ngoài đắt hơn. Các quốc gia có thể tận dụng lợi thế từ việc được phân bổ SDR để hỗ trợ nền kinh tế và đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng hoảng.

SDR là một nguồn lực quý giá và việc sử dụng SDR như thế nào cho tốt nhất là quyết định  thuộc về các nước thành viên. Để các SDR được sử dụng vì lợi ích tối đa của các nước thành viên và nền kinh tế toàn cầu, các quyết định đó cần thận trọng và dựa trên thông tin đầy đủ, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trên tinh thần đó, Việt Nam có thể sử dụng dự địa chính sách có được nhờ phân bổ SDR, nếu cần, để hạn chế thiệt hại do COVID 19, mua vaccine, cải thiện cơ sở y tế và giảm thiểu vết sẹo  kinh tế dài hạn theo cách phù hợp với sự ổn định kinh tế vĩ mô .

P/V: Trong năm 2022, với vai trò là người đứng đầu một thể chế tài chính toàn cầu ở Việt Nam, ông muốn đưa ra những khuyến nghị gì về chính sách vĩ mô để Việt Nam có thể giảm thiểu tác động của đại dịch và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế? IMF sẽ tiếp tục có những hỗ trợ gì để tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trước những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19?

Ông Francois Painchaud: Chính phủ đã tăng tốc triển khai tiêm chủng và có thêm các hỗ trợ chính sách một cách hợp lý, tạo tiền đề cho giai đoạn phục hồi vào năm 2022. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu bao gồm cả nguy cơ dịch tái bùng phát và sự xuất hiện của các biến thể mới, vết sẹo kinh tế và áp lực lạm phát nảy sinh do gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng phù hợp nhưng cần cảnh giác với áp lực lạm phát. Cần thắt thặt tiền tệ nếu áp lực lạm phát trở thành một mối quan ngại. Chính sách khu vực tài chính cần tiếp tục dung hòa giữa việc hỗ trợ nền kinh tế và bảo đảm sự ổn định tài chính. Gói tín dụng, bao gồm tái cơ cấu khoản vay và quy định cho phép giữ nguyên nhóm nợ của nợ được tái cơ cấu, đã được gia hạn phù hợp cho đến tháng 6/2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch hiện tại. Khi đến hạn, các hỗ trợ ngoại lệ này cần được loại bỏ dần dần để hạn chế nguy cơ gia tăng các khoản vay rủi ro hơn. Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giám sát chặt chẽ chất lượng tài sản, đặc biệt là sự gia tăng của nợ xấu, bao gồm cả các khoản cho vay được tái cơ cấu, và các ngân hàng cần được khuyến khích trích lập dự phòng phù hợp với việc phân loại tài sản.

Như quý vị đã biết, Việt Nam cũng đã tăng cường hỗ trợ tài khóa phù hợp cho y tế, bao gồm cả việc đẩy nhanh tiêm chủng, bảo đảm an sinh xã hội cho các hộ gia đình và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp. Quốc hội vừa thông qua Chương trình phục hồi và phát triển giai đoạn 2022-23 (Nghị quyết số 43), với hy vọng sẽ khởi động quá trình phục hồi trong khi đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong trung hạn. Trong bối cảnh này, cần có các chính sách được hiệu chỉnh cẩn thận, có mục tiêu, phối hợp các chính sách tốt, truyền thông hiệu quả để hỗ trợ sự phục hồi  kinh tế xanh, bao trùm và bền vững. Theo Nghị quyết 43, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, quan trọng là vaccine, năng lực hồi sức tích cực (ICU) và thiết bị y tế sẽ được đẩy mạnh. Điều cần thiết là phải chi tiêu phù hợp và có mục tiêu cho bảo trợ xã hội để tiếp tục bảo đảm tuân thủ các biện pháp y tế khi dịch bệnh bùng phát mạnh, hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp và người lao động tự do, giúp người lao động nhập cư quay trở lại làm việc. Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng xanh thiết yếu sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy nhu cầu và tiềm năng tăng trưởng, trong khi nâng cao hiệu quả đầu tư công sẽ đóng vai trò chủ đạo để hạn chế những trì hoãn trong quá trình triển khai và tăng tác động có lợi cho nền kinh tế.

Khi nền kinh tế chuyển từ kiềm chế sang phục hồi, các biện pháp tài khóa nên chuyển dần từ hỗ trợ thanh khoản trên diện rộng sang đầu tư hiệu quả hơn, từ hỗ trợ tiền mặt  tạm thời sang mở rộng vĩnh viễn trong mạng lưới an sinh xã hội, đồng thời bảo vệ tính bền vững tài khóa vốn rất khó để đạt được. Các biện pháp kích thích nên được thực hiện có thời hạn và cần thiết lập một chiến lược thoái lui rõ ràng để giảm thiểu rủi ro tài khóa.

Cải cách cơ cấu là chìa khóa mở ra tiềm năng tăng trưởng cho Việt Nam trong khi đảm bảo sự tăng trưởng bền vững sau đại dịch. Việc lấy lại đà tăng trưởng trong trung hạn sẽ đòi hỏi nỗ lực quyết tâm hơn để xử lý các vết sẹo kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Cải cách nhằm nâng cao tính năng động của doanh nghiệp và nỗ lực tăng đầu tư vào vốn con người và giảm bớt chênh lệch/sự không phù hợp về kỹ năng lao động cũng là những lĩnh vực cần đẩy nhanh. Việc đẩy mạnh những tiến bộ đạt được trong chuyển đổi kỹ thuật số để tăng năng suất và thúc đẩy kinh tế cần được hỗ trợ thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng nhân lực và vốn cũng như các khuôn khổ pháp lý và quy định phù hợp, bao gồm cả liên quan đến quyền riêng tư của người dùng.

IMF luôn sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam thông qua tăng cường năng lực và tư vấn chính sách. Năm Nhâm Dần đang tới, chúng tôi xin chúc quý vị một Năm mới An khang, Hạnh phúc, Thịnh Vượng

P/V: Xin cảm ơn ông!

Thu Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực