Việt Nam - Na Uy: Chặng đường 50 năm đáng tự hào

Thứ năm, 03/02/2022 20:24
(ĐCSVN) - Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đã trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về quan hệ hợp tác hai nước trên phương diện song phương và các diễn đàn quốc tế.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen 

Phóng viên (P/V): Trong bối cảnh thế giới bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong năm qua, mối quan hệ Việt Nam và Na Uy đã được triển khai hiệu quả, toàn diện, với điểm nhấn là sự kiện hai nước kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2021). Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?

Bà Grete Lochen:  2021 là năm COVID-19 thứ hai trên toàn thế giới. Đại dịch đã tác động tiêu cực hơn tới Việt Nam so với năm 2020. COVID-19 đã làm thay đổi nhiều kế hoạch, nhưng cũng giúp chúng tôi linh hoạt và sáng tạo hơn. Mặc dù một số chuyến thăm đã bị hủy và một số hoạt động đã phải tạm hoãn trong đó có Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu, song chúng tôi đã tổ chức được một số sự kiện trực tiếp kết hợp trực tuyến để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong số đó phải kể đến lễ ký kết bản Ý định thư giữa Bộ Công Thương và Thủy sản Na Uy cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) về tăng cường phát triển hợp tác trong ngành nuôi biển. Sự kiện diễn ra bên lề Diễn đàn trực tuyến về chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam do Đại sứ quán Na Uy, Cơ quan Innovation Norway, Bộ NN&PTNT, và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Na Uy và Việt Nam đã có 40 năm hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản, vì vậy Ý định thư này sẽ là một nền tảng vững chắc hơn để hai nước tiếp tục hợp tác và phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam theo hướng bền vững và bảo vệ hiệu quả nguồn lợi đại dương.

Ngoài ra, còn một số hội thảo và hội nghị chuyên đề về quản lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Với chuyên môn lâu năm và công nghệ ngoài khơi đẳng cấp thế giới, Na Uy có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với Việt Nam. Các công ty hàng đầu của Na Uy về năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời và điện gió ngoài khơi, rất quan tâm đến việc đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và sạch hơn ở Việt Nam cũng như phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Sở hữu đường bờ biển dài, nguồn tài nguyên gió dồi dào và các ngành công nghiệp biển mạnh mẽ, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Tôi rất vui mừng khi công ty năng lượng hàng đầu và lớn nhất Na Uy là Equinor đang chuẩn bị thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với các đối tác quan trọng ở Việt Nam như PetroVietnam. Việc Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26 ở Glasgow, Anh năm ngoái gửi một tín hiệu quan trọng khẳng định cam kết của Việt Nam về một tương lai các-bon thấp. Na Uy sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo.

Năm 2021, chúng tôi cũng tổ chức được hai sự kiện văn hóa liên quan tới Lễ Khai trương Bảo tàng Munch mới ở Oslo và một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam và Na Uy tại nhà riêng của tôi ở Hà Nội. Tôi rất vui vì đã có thể kết nối, dù là trực tuyến, các bảo tàng và các nghệ sĩ như các chuyên gia và nhà hoạt động trong ngành của Việt Nam và Na Uy. Hy vọng rằng đây sẽ là bước khởi đầu để họ xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai. Điều quan trọng là kết nối con người với con người!

Mặc dù còn có nhiều thách thức do đại dịch, song nói thật lòng, chúng tôi đã có một năm 2021 tuyệt vời.

P/V: Năm 2021, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam – Na Uy vẫn tăng trưởng ấn tượng. Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này? Theo bà, đâu là giải pháp để hợp tác thương mại song phương tiếp tục được thúc đẩy cho tương xứng hơn với tiềm năng của hai nước?

Bà Grete Lochen: Trong bối cảnh đại dịch, thật đáng khích lệ khi thấy thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tăng đều theo từng năm. Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy nhiều hơn hàng hóa của Na Uy xuất sang Việt Nam. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là điện tử, dệt may và giầy dép, trong khi đó thế mạnh của Na Uy là thủy sản với mặt hàng nổi tiếng nhất là cá hồi, tiếp đến là cá thu và cua hoàng đế.

Song song với hoạt động đầu tư của các công ty tư nhân Na Uy, năm 2021 tổng giá trị đầu tư vào các công ty ở Việt Nam của Quỹ hưu trí quốc gia Na Uy, một trong các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, đạt 586.006.566 đô la, tăng so với 478 triệu đô la năm 2020.

Mặc dù có những kết quả khả quan, song chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước. Tôi tin rằng việc sớm ký kết một Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA gồm 4 nước Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ) sẽ là một bước tiến quan trọng để hiện thực hóa điều này, qua đó góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và khối EFTA trong đó có Na Uy.

P/V: Trong năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử Na Uy và Việt Nam cùng là ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Bà nghĩ sao về ý nghĩa của điều này trong việc giúp Việt Nam và Na Uy thể hiện tiếng nói và vai trò nhất quán trong giải quyết các vấn đề quốc tế? Bà đánh giá thế nào về những thành tựu của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2020-2021 tại Hội đồng?

Bà Grete Lochen: Xin chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2 năm của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA) trên cương vị ủy viên không thường trực. Dù Na Uy chỉ làm việc cùng Việt Nam tại HĐBA trong một năm (2021), nhưng chúng tôi theo dõi rất sát sao các hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng kể kể từ tháng 1/2020. Các bạn đã thực hiện xuất sắc vai trò của mình tại Hội đồng như một ủy viên tích cực, chuyên nghiệp và trách nhiệm. Điều này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trong cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi đã quan sát được sự chủ động của Việt Nam trong việc tiếp cận và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng có tính ưu tiên như phụ nữ, hòa bình và an ninh; bom mìn; và bảo vệ dân thường, đồng thời tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực như ASEAN trong củng cố hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á.  Chúng tôi cũng đã chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam với các thành viên khác của HĐBA nhằm tìm kiếm các giải pháp mang tính xây dựng và cân bằng, đạt đồng thuận về nhiều nghị quyết, tuyên bố của HĐBA.

Na Uy và Việt Nam có nhiều ưu tiên chung trong HĐBA cụ thể là các vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh; bom mìn; bảo vệ dân thường, an ninh và biến đổi khí hậu. Na Uy đánh giá cao các cuộc trao đổi chặt chẽ với Việt Nam về những vấn đề này trên bình diện song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc và ASEAN, ngay cả khi Việt Nam không còn là thành viên HĐBA.

P/V: Tháng 1/2022, trong vai trò Chủ tịch HĐBA, Na Uy sẽ ưu tiên những vấn đề gì để thúc đẩy vai trò cũng như tiếng nói của các thành viên trong HĐBA đối với các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của HĐBA?

Bà Grete Lochen: Cùng với việc chỉ đạo hoạt động của HĐBA nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, Na Uy sẽ tổ chức một số sự kiện theo chủ đề, tập trung vào các nội dung ưu tiên của chúng tôi. Thủ tướng Na Uy và Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy đã có mặt ở New York trong tháng 1 để chủ trì một số sự kiện. Trong hoạt động của mình tại HĐBA, Na Uy đặc biệt coi trọng tính minh bạch và bao trùm. Những năm gần đây, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự được mời tới tham luận tại Hội đồng ngày càng ít hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ bố trí mời các đại diện xã hội dân sự, đặc biệt là phụ nữ, đến phát biểu tại HĐBA. Na Uy đang làm hết sức mình để đảm bảo tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xung đột và bạo lực được lắng nghe.

Trong tháng Chủ tịch, Na Uy cũng tổ chức một số sự kiện điểm nhấn, trong đó phải kể tới Phiên thảo luận mở ngày 18/1 về “Bảo vệ sự tham gia: tiếp cận và giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh”, do Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeldt chủ trì. Những người phụ nữ xây dựng hòa bình và bảo vệ quyền con người có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình bền vững và vai trò đó cần được công nhận. Vì vậy, Na Uy sẽ đảm bảo tiếng nói của họ sẽ được Hội đồng lắng nghe.

Phiên thảo luận mở cấp cao ngày 25/1 về bảo vệ dân thường với chủ đề “Chiến tranh ở các thành phố: bảo vệ dân thường đô thị” sẽ do Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre chủ trì. Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC)Peter Maurer và một đại diện của xã hội dân sự sẽ tham gia và phát biểu.

Trong tháng Giêng này, Na Uy cũng đã tổ chức một buổi gặp gỡ không chính thức với các Đại sứ tại LHQ của HĐBA và Tổng thư ký LHQ để thảo luận về các nỗ lực ngoại giao phòng ngừa, hòa bình và hòa giải. Ngoại giao hòa bình là một trong các ưu tiên của Na Uy. Kinh nghiệm của chúng tôi trong các nỗ lực hòa bình và hòa giải sẽ là điểm khởi đầu của cuộc thảo luận này.

Bà Grete Lochen, Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam nhận Giấy khen của Bộ Ngoại giao vì những đóng góp cho công tác bình đẳng giới và nâng cao năng lực cán bộ nữ

P/V: Với vai trò là cầu nối ngoại giao giữa Việt Nam và Na Uy, trong năm 2022, bà sẽ có những kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước? Bà có thông điệp gì gửi tới bạn đọc của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Xuân mới?

Bà Grete Lochen: 2021 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước chúng ta. Thật là một chặng đường đáng tự hào! Những thành tựu mà hai nước đã đạt được trong 5 thập kỷ qua là một nền tảng vững chắc để tiếp tục quan hệ và hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Là đối tác song phương và đa phương, thông qua LHQ và ASEAN, Na Uy và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong các vấn đề đa phương, kinh tế biển bền vững trong đó có rác thải nhựa trên biển, biến đối khí hậu và đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tôi hy vọng chúng ta sẽ được chứng kiến việc hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trong Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong năm 2022 để trên cơ sở đó tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước.

Một lần nữa, chúng tôi hoan nghênh tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Anh năm ngoái về mục tiêu ngưng phát thải vào năm 2050 và loại bỏ dần điện than của Việt Nam. Chính phủ và các doanh nghiệp của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đã nêu và đảm bảo tăng trưởng kinh tế xanh hơn, bền vững hơn và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhân dịp Xuân Nhâm dần 2022, tôi chúc độc giả của Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam một năm mới hạnh phúc, bình an và an toàn. Hãy hy vọng về năm 2022 tươi sáng và chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng để đạt được điều đó.

P/V: Xin trân trọng cảm ơn bà Đại sứ!

Thu Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực