Việt Nam - Thụy Sỹ: Cùng nhìn lại 3 thập kỷ quan hệ hợp tác và phát triển

Thứ bảy, 05/02/2022 11:24
(ĐCSVN) - Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đầu Xuân mới, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber khẳng định, trước những khó khăn từ đại dịch COVID-19, trong năm 2021, Việt Nam và Thụy Sỹ vẫn đứng trước nhiều cơ hội thắt chặt mối quan hệ hợp tác năng động giữa hai nước. Cùng bên nhau, những người bạn Việt Nam và Thụy Sỹ đã khiến năm 2021 trở nên đặc biệt nhất có thể.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Thụy Sỹ Ivo Sieber trước phòng Hội thảo Geneva
Ảnh: ĐSQ Thụy Sỹ tại Việt Nam 

Phóng viên (P/V): Năm 2021, thế giới chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam và Thụy Sỹ vẫn được triển khai hiệu quả, với sự kiện điểm nhấn là hai nước kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cùng các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước. Theo ông, những sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy quan hệ hai nước?

Đại sứ Ivo Sieber: Năm qua đã mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao và thắt chặt mối quan hệ hợp tác năng động giữa hai nước, ngay cả trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi chúng ta đã có thể hoàn thành các sự kiện cột mốc trong năm quan trọng này.

Các chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gồm chuyến thăm của Phó Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis tới Hà Nội vào đầu tháng 8/2021 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Berne vào cuối tháng 11/2021. Cả hai chuyến thăm đều thành công tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Đây cũng chính là tiền đề để các nhà hoạch định chính sách của chúng ta làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và tin cậy mà hai nước cùng chia sẻ, đồng thời trao đổi trực tiếp nhằm mở ra những lối đi mới để tăng cường hợp tác và tháo gỡ những trở ngại.

Năm 2021 cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mối quan hệ hợp tác và phát triển kéo dài 3 thập kỷ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, mối quan hệ hợp tác này đã góp phần mang lại khoản tiền tài trợ lên tới hơn 600 triệu USD dành cho các nỗ lực phát triển của Việt Nam. Sức mạnh của mối quan hệ đối tác này tiếp tục được khẳng định thông qua việc khởi động chương trình 4 năm chu kỳ mới 2021-2024. Chu trình này một lần nữa được quản lý bởi Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sỹ về các vấn đề kinh tế (SECO) và tập trung vào việc tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo ra một môi trường kinh doanh sáng tạo.

Vào tháng 8/2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, Thụy Sỹ đã dành cho Việt Nam một khoản viện trợ nhân đạo trị giá 5 triệu CHF ( khoảng 126 tỷ đồng) - điều này đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến chung chống lại đại dịch.

Tháng 11/2021, tôi đã tham gia lễ khánh thành và bàn giao “Phòng Hội thảo Geneva” cho Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV). Cá nhân tôi rất gắn bó với phòng họp này, bởi nó sẽ được lưu lại như một lời nhắc nhở về kỷ niệm ngoại giao của chúng tôi. Nhưng quan trọng hơn là giá trị lâu dài của phòng họp vì nơi đây sẽ được sử dụng bởi rất nhiều sinh viên, học giả, chức sắc và công chúng từ Việt Nam cũng như nước ngoài. Tôi cảm thấy biết ơn DAV vì sự hợp tác tuyệt vời này. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng điều gọi là “tinh thần Geneva” với đặc điểm nổi bật là thúc đẩy các cuộc thảo luận hòa bình và giải quyết vấn đề mang tính xây dựng, giờ đây đã tìm thấy ngôi nhà lý tưởng của mình tại Việt Nam.

Cùng với những người bạn Việt Nam, chúng tôi đã khiến năm 2021 trở nên đặc biệt nhất có thể: Chúng tôi không chỉ khơi dậy lịch sử chung phong phú và quan hệ đối tác bền chặt. Chúng tôi cũng mong muốn khám phá những con đường mới mà chúng ta có thể bước cùng nhau và tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức chủ đạo trong hiện tại, từ duy trì hòa bình trên thế giới đến ứng phó hiệu quả với các thách thức liên quan đến đại dịch và biến đổi khí hậu.

P/V: Trong những năm gần đây, Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các hoạt động đối ngoại đa phương và lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương và quốc tế?

Đại sứ Ivo Sieber: Trong lần đóng vai trò thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam đã thể hiện sự sẵn sàng và cống hiến với vai trò là một thành viên có trách nhiệm và tuân thủ các cam kết của cộng đồng quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam trong các lĩnh vực đa phương như gìn giữ hòa bình, phát triển bền vững, thúc đẩy luật pháp quốc tế đóng một vai trò quan trọng, trong khi những tuyên bố gần đây nhất của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) đã nhấn mạnh cam kết mà Việt Nam theo đuổi.

Bên cạnh đó, phải kể tới sự hợp tác sâu rộng giữa Thụy Sỹ và Việt Nam, chẳng hạn như về các vấn đề như “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” hoặc thúc đẩy luật nhân đạo. Quan hệ hợp tác này đã được còn mở rộng ngoài phạm vi Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khu vực như ASEAN – khuôn khổ mà Thụy Sỹ đã trở thành Đối tác đối thoại lĩnh vực vào năm 2016.

P/V: Năm 2022, Thụy Sỹ ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024. Những ưu tiên mà Thụy Sĩ đưa ra trên cương vị này là gì thưa ông?

Đại sứ Ivo Sieber: Là một quốc gia trung lập và độc lập, Thụy Sỹ tạo dựng nên những nền tảng kết nối để thúc đẩy sự đồng thuận. Được biết đến với truyền thống nhân đạo lâu đời, thúc đẩy luật pháp quốc tế, nhân quyền, bảo vệ dân thường và phát triển bền vững, Thụy Sỹ cam kết xây dựng một hệ thống đa phương mạnh mẽ và hiệu quả, đồng thời đặt nhân phẩm và an ninh làm trọng tâm trong mọi hành động. Để đạt được mục tiêu này, Thụy Sỹ nhấn mạnh đối thoại và quan hệ đối tác. Việc các trụ sở của Liên hợp quốc ở châu Âu được đặt tại Geneva kể từ khi tổ chức này được thành lập càng nhấn mạnh cam kết của Thụy Sỹ đối với Liên hợp quốc và sứ mệnh cao cả của tổ chức này.

Nếu trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 vào tháng 6 này, Thụy Sỹ sẽ hành động dựa trên phương châm “Phép cộng vì hòa bình”.  Chữ thập trắng trên quốc kỳ của chúng tôi tượng trưng cho "dấu cộng" này. “Dấu cộng” đó thể hiện cho sự cống hiến mạnh mẽ trong các vấn đề như luật pháp quốc tế và phát triển bền vững, nhân quyền, đổi mới, hòa bình và nhân văn.

Việc Thụy Sỹ ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 cũng mở ra tiềm năng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.

P/V: Với vai trò là cầu nối ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, trong năm 2022, ông sẽ có những kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước?

Đại sứ Ivo Sieber: Ngày nay, quan hệ tương tác kinh tế (như thương mại và đầu tư) chính là động lực lớn nhất cho sự hợp tác giữa hai nước. Chúng ta có vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác: Thụy Sỹ đang giữ vai trò là nước đầu tư quan trọng thứ 9 trong khuôn khổ ASEAN, trong khi chúng tôi chỉ đứng thứ 19 tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác kinh tế đã trở thành chủ đề chính thảo luận trong cuộc gặp gỡ giữa Phó Tổng thống Cassis và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8 năm ngoái, đồng thời cũng được nhấn mạnh trong các vòng thảo luận gần đây giữa lãnh đạo hai nước ở Bern. Những sự kiện này đã tô đậm mối quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ này, lãnh đạo hai nước đã nhắc lại thiện chí sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do tiến bộ (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA - gồm Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ). Thỏa thuận này sẽ tiếp tục củng cố tiềm năng tăng cường hợp tác kinh tế song phương, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp hai bên và tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Các lĩnh vực hợp tác khác mà Thụy Sỹ và Việt Nam sẽ tập trung trong thời gian tới bao gồm phát triển, giáo dục, nghiên cứu, khoa học và đổi mới. Các lĩnh vực này đã bao gồm chiến lược hợp tác mới của SECO nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và bao trùm của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 và các cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Từ năm 2021, Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) lần đầu tiên cùng hỗ trợ 10 nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ và Việt Nam thực hiện các dự án trong nhiều lĩnh vực. Thụy Sỹ duy trì mối quan tâm trong việc mở rộng hợp tác đối với các lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục…

P/V: Nhân dịp năm mới 2022, ông muốn nhắn gửi thông điệp gì tới bạn đọc Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam?

Đại sứ Ivo Sieber:  Mỗi dịp Tết đều mở ra một khởi đầu mới. Lần thứ ba đón Tết ở Việt Nam, tôi rất thích thú trước không khí vui tươi rộn ràng của mùa lễ hội, khi gia đình, bạn bè quây quần bên nhau bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ăn mừng, suy nghĩ về một năm vừa qua đi và đón chào năm mới. Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công tới quý độc giả của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam!

Chúc mừng năm mới!

P/V: Xin cảm ơn ngài Đại sứ và chúc ông một năm mới tốt lành!

Thu Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực