Vùng cao Tây Bắc: Đa dạng sắc màu hội Xuân

Chủ nhật, 06/02/2022 10:23
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Lẫn trong tiếng khèn dìu đặt, tiếng sáo gọi bạn vi vút ngân vang vào vách núi, là náo nức tiếng hát giao duyên trầm bổng của những đôi trai gái xúng xính quần áo, váy mới, hòa cùng bản nhạc của hoa đào, hoa mận, của mầm xanh cựa mình vươn chồi biếc, tạo nên một cung đàn mùa xuân đầy màu sắc giữa đất trời Tây Bắc. Lên Tây Bắc những ngày đầu xuân, không khí rạo rực và tưng bừng của lễ hội xuân khiến lòng người phấn chấn, thêm yêu vùng đất Tây Bắc xa xôi…

Đường cày khai mở hội xuân của người Giáy ở Tả Van, Sa Pa, Lào Cai

Khác với lễ hội ở vùng đồng bằng, lễ hội xuân vùng Tây Bắc thường đa dạng và mang đậm bản sắc, gắn với những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của các dân tộc vùng cao. Trong đó, phải kể đến lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, lễ hội Gầu Tào, Say Sán của dân tộc Mông, lễ cúng rừng của dân tộc Mông, lễ hội Xên bản, Xên mường của dân tộc Thái, Roóng poọc (cầu mùa màng) của dân tộc Giáy ở Lào Cai.

Đã thành thông lệ, đến ngày Thìn tháng Giêng, đồng bào Tày Giáy ở vùng Tả Van (Sa Pa), Quang Kim (Bát Xát), Làng Giàng (Văn Bàn)… lại náo nức tổ chức Lễ hội xuống đồng. Nổi bật nhất ở ngày hội, không thể thiếu đường cày thi của những chú trâu béo khỏe trong làng, vừa là để tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày hội nhưng cũng là dịp để du khách thập phương đến xông đất Lào Cai biết được một phong tục đẹp được ví như nghi lễ “tịch điền” của người vùng cao Tây Bắc.

Với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, những người tham gia thi đều cố gắng hết mình điều khiển trâu sao cho cày thật nhanh, đường cày thẳng và đẹp. Đường cày khai mở hội xuân rất được coi trọng bởi bà con tin rằng, bên thắng cuộc có đường cày thẳng thì sẽ đem may mắn về cho bản: người dân khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm không bị dịch bệnh mà ngày càng sinh sôi, phát triển. Từ những đường cày khai mở hội xuân, bà con dân bản được ra đồng cày cấy mùa vụ mới, được lên nương gieo hạt trỉa ngô… Điều đặc biệt hơn cả là trong Lễ hội “Roóng poọc” của người Giáy, trên mâm cúng có bày món bánh dày đều làm theo hình núm vú, người dân nơi đây vẫn gọi là núm vú trâu trắng. Người Giáy quan niệm rằng bà tổ sinh ra là trâu trắng. Trâu trắng cứu người, trâu trắng tìm ra nguồn nước để người Giáy định cư ổn định cuộc sống lâu dài bằng cách làm ruộng nước. Do đó, trong Lễ hội xuống đồng đầu năm mới, người Giày làm bánh dày biểu tượng là núm vú trâu trắng, thể hiện khát vọng sinh sôi phát triển, làm ăn may mắn.

 Ở vùng cao nhà nào cũng nuôi ít nhất một con trâu lấy sức kéo

Ngược vùng cao nguyên hoa mận trắng Bắc Hà, thỏa sức hòa mình vào đêm hội vòng xòe Tà Chải của đồng bào Tày, Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ Nậm Đét, Lễ hội đầu xuân của người Hà Nhì ở Y Tý, Lễ hội rượu ẩm thực của vùng cao Bát Xát, Lễ hội Roóng poọc của người Giáy Tả Van, Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ ở Tả Phìn, Lễ hội đầu xuân của dân tộc Xa Phó, Lễ hội xuống đồng của người Tày ở Văn Bàn… Dù mỗi lễ hội có nét đặc trưng riêng nhưng đều có điểm chung là gắn với cây lúa và cuộc sống mưu sinh của con người. Đồng bào tổ chức lễ hội xuân đều cầu mong cho cây lúa tốt tươi, cho hạt thóc trĩu nặng để mang no ấm cho dân bản. 

Sau đường cày khai mở hội xuận, những chú trâu lại trở về với gia chủ, cần mẫn lên nương. Không chỉ là vật nuôi gần gũi trong mỗi gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số, “đầu cơ nghiệp” được đồng bào coi như một “vật thiêng” trong đời sống văn hóa của họ… với khát vọng vươn lên, cuộc sống luôn no ấm, đủ đầy.

Lễ hội mùa xuân ở vùng cao Tây Bắc không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những gì cha ông để lại, gắng sức xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. 

Bài, ảnh: KC
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực