Theo cách phân chia của người Mường, Hòa Bình xưa gồm bốn vùng Mường xếp theo thứ tự “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, trong đó Mường Bi là rộng lớn nhất. Ngày nay, đất Mường Bi chính là huyện Tân Lạc, nơi được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường, với những giá trị truyền thống được lưu giữ như Mo Mường, chiêng Mường, hát Thường đang, Bọ mẹng, hát ví… cùng nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần và những lễ hội đặc sắc. Bên cạnh đó, Tân Lạc còn có 19 danh lam, di tích khảo cổ cấp tỉnh và quốc gia; các địa danh tâm linh như Hang Bụt - động Mường Chiềng, động Nam Sơn, làng Mường… Hướng vào khai thác những tiềm năng văn hóa, tự nhiên nói trên, những năm gần đây, Tân Lạc đã trở thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch của tỉnh Hòa Bình.
|
Đội cồng chiêng Mường Bi đã tham gia tại các lễ hội văn hóa thể thao trong tỉnh và khu vực Tây Bắc. (Ảnh: Trung Hiếu, chụp trước ngày 30/4//2021).
|
Nổi bật là trên địa bàn huyện đang phát triển có hiệu quả hàng loạt mô hình du lịch cộng đồng ở các xóm như: Xóm Ngòi, xã Suối Hoa, xóm Chiến, xã Vân Sơn; xóm Bưởi Cạn, xã Phú Cường…, khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến… Anh Bùi Văn Thanh ở xóm Ngòi, xã Suối Hoa chia sẻ: “Phát triển du lịch cộng đồng vừa giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, vừa tạo điều kiện để tôi và mọi người trong thôn giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa cổ truyền của cha ông. Thế hệ trẻ cũng trân trọng hơn những giá trị truyền thống”.
Được biết, việc xây dựng tuyến đường 435 từ thành phố Hòa Bình đến vùng lõi Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (xã Suối Hoa) đã và đang từng bước mở ra cơ hội lớn cho huyện Tân Lạc để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Hiện đã có nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư, nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, khách sạn, nhà hàng, khu thể thao dưới nước hay các trang trại sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng như dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình với diện tích 304,9ha, vốn đăng ký đầu tư 800 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa với diện tích 115,355ha, vốn đăng ký 474,719 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái V’Star-Ngòi Hoa có diện tích 183,55 ha, vốn đăng ký 125 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Tân Lạc đã thực hiện tốt việc gắn phát triển kinh tế tập thể với xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, đến nay toàn huyện đang có 27 tổ hợp tác với 332 thành viên; 48 hợp tác xã (HTX), 100% HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Doanh thu bình quân năm 2021 của 1 HTX đạt khoảng 11.985 triệu đồng, lợi nhuận bình quân ước đạt 85 triệu đồng/HTX. Đa số các HTX đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến, tiếp cận các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều HTX nông nghiệp tham gia xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (xã Phong Phú), HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc (xã Tử Nê), HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến (xã Quyết Chiến)...
|
Diện mạo nông thôn huyện Tân Lạc đã ngày thêm khởi sắc. (Ảnh: Hương Lê).
|
Theo đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, các mô hình kinh tế tập thể không chỉ giúp nân cao thu nhập cho người sản xuất, mà còn tạo động lực để địa phương đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tân Lạc đã có nhiều thay đổi tích cực. Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ. Hệ thống thủy lợi được nâng cấp, các hộ dân đều có điện lưới sử dụng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Toàn huyện đã có 100% xã có điện lưới quốc gia, 100% hộ nông thôn được sử dụng điện, 100% xã có trụ sở làm việc khang trang, 100% trường học được kiên cố và cơ bản được bố trí xây dựng các phòng học chức năng phục vụ dạy và học, các trạm y tế được quan tâm xây dựng. Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc được quan tâm và chỉ đạo thực hiện thông qua các chương trình, mục tiêu, dự án như hỗ trợ sản xuất, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Giữa không khí tràn ngập sắc xuân, trao đổi với chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Quách Thị Thơm ở Khu 6, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc vui vẻ cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân phát triển nên đồng bào đón Tết, vui Xuân cũng sung túc, phấn khởi hơn nhiều. Những năm gần đây, trong mâm cỗ đầu năm nhà nào cũng có thịt lợn, thịt gà, bánh kẹo, hoa quả, xôi nếp... Nhờ điều kiện kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần của mọi người có bước phát triển; nhiều nét truyền thống văn hoá đặc sắc của ông cha vẫn được bà con gìn giữ và phát huy”.
Chia tay Mường Bi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) khi tiết Xuân đang về. Phát huy truyền thống của quê hương, cùng tinh thần đoàn kết và sáng tạo, tin tưởng trong thời gian tới đời sống mọi mặt của người dân Mường Bi sẽ không ngừng được phát triển, xứng đáng với những tiềm năng phong phú vốn có của địa phương./.