Gọi là “Tết quê” nhưng thực chất đó là không khí Tết phổ biến ở hầu hết các vùng miền của nước ta trước đây vì khi đó, thành thị chưa phát triển như bây giờ. Có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất về “Tết quê” chính là không khí chuẩn bị Tết của mọi người trong làng. Thường thì không khí chuẩn bị sẽ được bắt đầu từ ngày 21, 22 tháng Chạp. Mọi gia đình đều cố gắng chuẩn bị đủ đồ phục vụ cho ngày đưa ông Táo về trời để báo cáo công việc một năm với Ngọc Hoàng. Không như hiện nay, trước đây, mỗi nhà thường chỉ mua hài, mũ ông Táo và cá chép được làm bằng giấy hàng mã. Qua ngày 23 tháng Chạp, mọi công việc chuẩn bị dường như trở lên nhanh hơn với mong muốn được đón một cái Tết đủ đầy, no ấm. Người lớn thì cố gắng tập trung làm nốt những công việc còn lại của năm cũ. Trẻ con trong các gia đình thì cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế trong niềm háo hức khó tả.
Thường thì từ sau ngày 26 tháng Chạp, không khí chuẩn bị Tết sẽ thể hiện rõ nhất ở các phiên chợ quê. Ngày trước, việc mua bán, giao thương không được thuận lợi, chủng loại hàng hóa cũng không phong phú như bây giờ. Hầu hết các sản phẩm phục vụ cho người dân đón Tết đều được bày bán ở các khu chợ quê. Từ bánh pháo tét, hộp mứt thủ công đến lá giong, gạo nếp, hương trầm, quần áo mới… Đối với bọn trẻ, niềm vui lớn nhất những ngày trước Tết là được theo chân bà, chân mẹ ra chợ. Ngoài các món đồ phục vụ ngày Tết, người lớn đều cố gắng dành dụm để có thể mua cho con trẻ bộ quần áo mới. Thường thì những bộ quần áo này sẽ khá rộng để có thể… dùng được cho cả năm. Và khi từ chợ về, chỉ cần có thêm miếng kẹo lạc hay ít bỏng ngô gói trong lá chuối là đã đủ để bọn trẻ vui vẻ cả nhiều ngày sau đó…
|
Chợ quê là nơi thể hiện rõ nét không khí chuẩn bị Tết. (Ảnh: ĐH). |
Do thói quen sinh hoạt và tinh thần cố kết cộng đồng của người dân Việt Nam nên Tết quê cũng thường gắn liền với hình ảnh chiếc giếng làng. Giếng làng vốn là không gian quen thuộc ở làng quê Việt, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước Tết vài ngày, các gia đình trong làng thường gánh nước từ giếng về nhà để rửa dọn. Ở những nơi giếng làng lớn, người dân còn mang lá dong ra giếng rửa để chuẩn bị gói bánh chưng ngày Tết. Đặc biệt, mọi người cũng tranh thủ đánh rửa sạch bể hoặc chum nước để gánh nước về tích trữ, phục vụ cho những ngày đầu năm với mong muốn về một năm mới dư dả, no đủ.
Sẽ là thiếu sót khi nhớ về “Tết quê” mà không nhắc đến tục “đụng lợn”. Với thế hệ trẻ ngày nay, có lẽ nhiều bạn không hiểu “đụng lợn” là gì nhưng trước đây, “đụng lợn” luôn là phần không thể thiếu trong không khí chuẩn bị Tết ở các làng quê. Ngày ấy, nuôi lợn chỉ bằng cám gạo, ngô, khoai sắn và cây chuối thái nhỏ hay rau bèo nấu lên. Do vậy, lợn nuôi cả năm cũng chỉ nặng được khoảng bốn năm chục cân; nhưng bù lại, thịt lợn rất ngon, chắc và thơm ngậy. Thông thường thì 2 - 3 gia đình sẽ cùng mổ chung một con lợn. Cũng có gia đình không có điều kiện nên chỉ dám chung nửa cái đùi lợn hoặc vài ba cân thịt ba chỉ. Các hộ tham gia “đụng lợn” có trách nhiệm đưa lại cho gia chủ nuôi lợn một lượng thóc nhất định, tùy theo mức quy đổi. Cứ khoảng 27, 28 Tết là không khí làng xóm trở lên nhộn nhịp hẳn bởi các nhóm gia đình bắt đầu mổ lợn. Tiếng lợn kêu eng éc râm ran đầu làng cuối xóm… Lợn thịt xong sẽ được chia thành các phần; mỗi phần của một gia đình bao gồm đủ cả thịt, xương, mỡ, tim, gan… Thường thì các hộ tham gia “đụng lợn” sẽ nấu chung một nồi cháo lòng. Sau khi được chia đủ các phần của con lợn, những gia đình chia nhau múc cháo lòng về ăn. Gia chủ có lợn sẽ mang biếu những gia đình xung quanh không có điều kiện “đụng lợn” một tô cháo và mấy miếng lòng như sự sẻ chia, ấm tình làng nghĩa xóm.
|
“Đụng lợn” là một nét độc đáo của Tết xưa. (Ảnh minh họa). |
Và khi công tác chuẩn bị cơ bản đầy đủ cũng là lúc các nhà quây quần gói bánh chưng, thường là vào 28, 29 Tết. Người lớn chuẩn bị các nguyên liệu và trực tiếp gói bánh chưng. Trẻ con ngồi xung quanh để vừa xem, vừa học cách gói bánh. Thường thì mỗi đứa sẽ được người lớn gói riêng cho một chiếc bánh nhỏ xinh. Buổi tối, mọi người lại cùng nhau ngồi trông nồi bánh chưng. Bọn trẻ ngày đó thường xung phong thức canh nhưng rồi tất cả đều lăn ra ngủ từ lúc nào cho đến khi bố mẹ gọi dậy để xem vớt bánh. Lúc đó, đứa trẻ nào cũng vui với chiếc bánh nhỏ của riêng mình.
Trong tâm thức của mỗi người, Tết quê thường gắn với những niềm vui, sự háo hức mộc mạc, bình dị của trẻ nhỏ. Trong khi người lớn vất vả, tất bật lo toan sắm sửa để đón Tết thì bọn trẻ lại đếm từng ngày để mong nhanh đến Tết. Vì Tết với trẻ em ở quê là đồng nghĩa với việc vừa được mặc quần áo mới, vừa được ăn no, ăn ngon, nhất là được ăn thịt lợn, thịt gà.
Cuối cùng, thời điểm giao thừa cũng tới. Trong mỗi gia đình là hình ảnh quen thuộc của mâm ngũ quả với cặp bánh chưng, lọ hoa lay ơn đỏ hoặc cành hoa đào trên bàn thờ tổ tiên cùng mùi nhang trầm thoang thoảng. Không khí, hương vị Tết đã tràn ngập mọi nhà. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ai ai cũng mong muốn một năm mới bình an, may mắn. Và đến sáng mùng Một, những đứa trẻ háo hức được mặc quần áo mới, chờ người lớn mừng tuổi đầu năm. Quà mừng tuổi khi đó đơn giản chỉ là tờ tiền lẻ phẳng phiu, phong pháo tép hay chiếc kẹo lạc gói giấy hồng… với ý nghĩa cầu mong một năm mới mọi điều tốt lành. Sau bữa cơm cúng ông bà tổ tiên sáng mùng Một, trẻ con vui vẻ trong bộ quần áo mới sẽ theo ông bà, cha mẹ đi chúc Tết nhà hàng xóm, chúc Tết các gia đình trong họ và đi lễ chùa…
Đời sống xã hội phát triển, không gian làng quê dần thu hẹp lại để nhường chỗ cho thị thành ồn ã, nhộn nhịp. Công việc chuẩn bị và đón Tết bây giờ cũng có nhiều điểm khác so với Tết xưa, “Tết quê”. Song, không khí đoàn kết, tình cảm gia đình ấm cúng thì vẫn còn nguyên trong mỗi nếp nhà của người Việt. Cùng với đó là mong mỏi về một năm mới yên bình, may mắn và cuộc sống ổn định, phát triển sẽ đến với mỗi dân đất Việt./.