Xuất khẩu trái cây – góc nhìn từ chuyên gia

Chủ nhật, 06/02/2022 16:33
(ĐCSVN) - Muốn chuyển phương thức vận tải hàng hóa xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển, trước hết doanh nghiệp phải thay đổi tư duy.
 Ảnh minh họa (Nguồn: T.V)

Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) với phóng viên về vấn đề “nóng” logistics trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, tác động trực tiếp đến thương mại.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, thực tế Việt Nam đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bằng đường biển (và cả đường hàng không). Bên cạnh những cái tên như Vina T&T, Chánh Thu, Rồng Đỏ, Nafoods, Ameii, Bagico, Doveco, Hoàng Hậu, Visimex,... đã được truyền thông nhắc đến, có cả những doanh nghiệp nhỏ trong thời gian qua vẫn âm thầm làm mà chưa nhiều người biết. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp logistics chuyên phục vụ hàng nông sản như CMU Logistics, Hoàng Hà, Thilogi và những nhà kho thông minh dành riêng cho nông sản như CASS.

“Trong một lần đàm đạo, một nữ doanh nhân có nói với tôi: Nông sản là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, Trung Quốc là thị trường 1,4 tỉ dân, là niềm mơ ước của rất nhiều nước xuất khẩu nông sản. Việt Nam được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại nông sản, vừa phong phú về chủng loại, vừa dồi dào về số lượng, lại có lợi thế ở ngay gần Trung Quốc. Có mà "điên" nếu chúng ta chối bỏ thị trường này! Chừng như đoán được câu hỏi mà tôi sắp bật ra, chị nói ngay: Cái gì chưa tốt thì chúng ta cùng nhìn nhận để làm tốt hơn, cái gì làm được rồi thì phấn đấu hơn nữa. Quan trọng là có sự chủ động của mình, không để thương nhân bên kia biên giới dẫn dắt” – ông Hải kể lại.

“Tôi hiểu, ý chị nói ở đây chính là doanh nghiệp nông sản cần chuyển sang con đường chính ngạch. Chuyển sang chính ngạch sẽ phải mất thời gian, công sức, nhưng đó là cách làm bền vững, lâu dài. Trong số các container phải chờ đợi ở cửa khẩu Hữu Nghị, có không ít container chứa trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Theo quy định, hàng quá cảnh bắt buộc phải đi qua cửa khẩu quốc tế, vậy tại sao hàng Thái Lan đi qua cửa khẩu quốc tế (chính ngạch), không được ưu đãi về thuế phí như đi qua cửa khẩu phụ (tiểu ngạch), mà họ vẫn có thể bán được. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc suy nghĩ về câu hỏi này. Tôi nói với chị:  Nông sản giờ phải chuyển từ "đi bộ" sang "tập bơi" nhỉ. Bao nhiêu năm đi bộ quen rồi, giờ tập bơi cũng phải học thêm kỹ năng. Mà quan trọng nhất là phải vượt qua tâm lý ngại xuống nước..." - ông Hải chia sẻ.

Chuyển phương thức vận tải xuất khẩu, trước hết phải thay đổi tư duy

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính, khi nông sản dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, đường hàng không cũng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc (có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói). Lệnh 248 và 249 mới có hiệu lực từ đầu năm nay đặt ra thêm quy định về đăng ký doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc. Nhưng cũng chính những quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp của chúng ta phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics.

Trở lại với câu chuyện chuyển đổi từ xuất hàng bằng đường bộ sang đường biển, rõ ràng đây không phải chỉ là thay đổi phương thức vận tải mà trước hết phải là thay đổi tư duy, thay đổi thói quen cố hữu ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều nhà vườn, chủ vựa, thương lái, doanh nghiệp. Không phải các doanh nghiệp, thương lái của chúng ta không biết những rủi ro của xuất khẩu tiểu ngạch. Nhưng họ ngại thay đổi, họ quen với việc bán hàng trong vòng một tuần là được thu tiền ngay, họ không biết nếu thay đổi thì phải làm gì, bắt đầu từ đâu... Hoặc cũng có thể họ thiếu một động lực, một áp lực để buộc mình phải thay đổi.

Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp, thương lái, chủ vựa, nhà vườn sau đợt này sẽ nghĩ đến việc tuyển dụng nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp, hiểu biết về thương mại quốc tế, nắm vững các kỹ năng tiếp thị, xúc tiến thương mại để có thể tìm kiếm những khách hàng mới nằm sâu trong lục địa thay vì chỉ là những thương nhân khu vực biên giới. Liệu bao nhiêu trong số họ nghĩ đến việc thuê một doanh nghiệp logistics để tư vấn, thực hiện giúp các dịch vụ thuê tàu, thông quan, mua bảo hiểm... cho những chuyến hàng trong tương lai.

Chuyển sang chính ngạch như thế, có khó lắm không? Sẽ rất khó, nếu vẫn giữ nếp nghĩ cũ. Còn nếu doanh nghiệp đã có quyết tâm thay đổi, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, hiệp hội, thì câu trả lời đã ở trong tầm tay.

An Nguyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực