Nụ cười được mùa của người nông dân (Ảnh: Internet)
Tính đến 31/7/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 171.374 tỷ đồng. Cơ cấu dư nợ tập trung chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt 169.257 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,7% đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại NHCSXH. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh là 120.434 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng là 45.226 tỷ đồng. Dư nợ đối tượng là hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được phân chia theo các khu vực như sau: Miền núi phía Bắc 38.595 tỷ đồng; Đồng bằng sông Hồng 28.502 tỷ đồng; Bắc Trung Bộ 46.550 tỷ đồng; Tây Nguyên 15.434 tỷ đồng; Đông Nam Bộ 10.938 tỷ đồng; Đồng bằng sông Cửu Long 29.238 tỷ đồng.
Riêng với chương trình tín dụng đối với HSSV được đánh giá khá cao. Đây là một chương trình nhằm mục đích sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, tạo cơ hội HSSV có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục con đường học tập của mình, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Tính đến ngày 31/7/2018, dư nợ chương trình đạt 13.575 tỷ đồng. Dư nợ cho vay theo đối tượng thụ hưởng như sau: (1) Đối tượng hộ nghèo dư nợ là 1.982 tỷ đồng, với trên 77 ngàn hộ đang vay vốn; (2) Đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 5.261 tỷ đồng, với trên 205 ngàn hộ đang vay vốn; (3) Đối tượng HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ là 6.307 tỷ đồng, với gần 268 ngàn hộ đang vay vốn; (4) Đối tượng là HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không còn khả năng lao động, Lao động nông thôn học nghề, Bộ đội xuất ngũ học nghề, hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển dư nợ gần 25 tỷ đồng, với hơn 1,3 ngàn hộ đang vay vốn.
Hiệu quả thiết thực của chương trình tín dụng chính sách HSSV (Ảnh: NHCSXH)
Chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Chương trình đã giúp cho trên 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập, có cơ hội theo đuổi ước mơ học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng, góp phần vào sự phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh việc kịp thời đáp ứng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, NHCSXH còn tập trung phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong việc hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh,... từ đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi ngày càng phát huy được hiệu quả, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn có vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn.
Có thể thấy, vốn tín dụng chính sách đã từng bước làm thay đổi nhận thức của những người ở vùng nghèo, thay đổi cách thức làm ăn từ tự cấp, tự túc sang sản xuất mang tính hàng hóa và tiếp cận nền kinh tế thị trường, góp phần tạo việc làm cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở khu vực bị thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống cho người lao động…
Những kết quả trên đã tác động tích cực đến khả năng trả nợ của người vay, điều này được thể hiện rõ khi chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao trong thời gian qua, nợ quá hạn giảm dần từ 13,75% khi nhận bàn giao xuống còn 0,44% (thời điểm 31/7/2018). Riêng đối với tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,4%. Đối với chương trình cho vay HSSV, tỷ lệ thu nợ hàng năm từ năm 2013 đến nay luôn đạt mức trên 99% trở lên. Trong đó chính sách giảm lãi vay đối với trường hợp trả nợ trước hạn cũng đã có tác động mạnh, khuyến khích người vay tích cực tiết kiệm một phần thu nhập để trả nợ trước hạn cho NHCSXH, đặc biệt là doanh số trả nợ trước hạn tăng cao trong các năm từ 2014-2016 chiếm từ 46%-54%/tổng doanh số thu nợ (năm 2014 là 4.659/8.587 tỷ đồng, năm 2015 là 4.220/8.338 tỷ đồng; năm 2016 là 3.442/7.479 tỷ đồng).
Để việc triển khai cho vay tín dụng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao hơn, NHCSXH đề nghị các Ủy ban, Ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Các Bộ, ngành khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phải đồng thời tính toán bố trí đủ nguồn lực để kịp thời triển khai thực hiện.
NHCSXH cũng đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung đối tượng cho vay đối với những hộ gia đình có từ 02 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo hoặc cho vay những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống tại vùng khó khăn hiện nay chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng học phí và giá cả thị trường trong từng thời kỳ; có cơ chế chính sách ưu tiên tạo việc làm, tiếp nhận sử dụng lao động là những HSSV đã tốt nghiệp có vay vốn NHCSXH để sớm hoàn trả nợ cho NHCSXH đúng hạn; kéo dài thêm thời gian gia hạn nợ bằng thời hạn trả nợ đối với các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, HSSV không tìm được việc làm,... để tạo điều kiện thuận lợi cho người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng quy định.