10 tiêu chí phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Thứ sáu, 03/07/2015 16:59
(ĐCSVN) - Ngày 01/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 976/2015/QĐ-TTg về Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: VH)


Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ thực trạng của từng khoản nợ để thực hiện phân loại nợ theo các tiêu chí quy định.

Việc phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo dư nợ thực tế của từng khoản nợ. Đối với những khoản nợ phải chuyển nợ quá hạn một phần theo phân kỳ trả nợ thì chỉ phần dư nợ bị chuyển nợ quá hạn được tính là nợ quá hạn, phần dư nợ còn lại vẫn được tính là nợ trong hạn.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phân loại nợ căn cứ vào các tiêu chí phân loại nợ, trong từng tiêu chí phân loại sẽ được phân nhóm theo các chỉ tiêu và chi tiết theo trạng thái nợ, với 10 tiêu chí phân loại. Quy chế nêu rõ, Ngân hàng Chính sách xã hội phải có bộ phận quản lý phân loại nợ tại hội sở chính để quản lý việc phân loại nợ theo quy định tại quy chế này. Căn cứ kết quả phân loại nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì phối hợp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, có các giải pháp tích cực, đồng bộ để thu hồi nợ đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Đối với các khoản nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan theo các quy định hiện hành,Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm xử lý kịp thời theo quy định của Chính phủ.

Đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi chưa có cơ chế xử lý đã được phân loại nợ theo tiêu chí phân loại nợ theo khả năng trả nợ của khách hàng, sau khi áp dụng mọi biện pháp xử lý theo quy định mà không thu hồi được nợ giao Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cơ chế xử lý, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo số liệu của NHCSXH, tính đến 31/3/2015 tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đạt trên 136 nghìn tỷ đồng với hơn 22 chương trình cho vay. Mỗi chương trình đều có tính đặc thù riêng về mục đích, đối tượng, điều kiện vay vốn, tính đến nay có trên 25 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH và hiện có gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ tại NHCSXH.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua NHCSXH một mặt đã chuyển tải một lượng lớn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mặt khác đã tổ chức tốt việc theo dõi và quản lý nguồn vốn tín dụng.

Hiện nay, trong điều kiện quy mô nguồn vốn ngày càng lớn, dư nợ của NHCSXH hiện nay đã tăng gấp 14 lần so với thời điểm nhận bàn giao đặt NHCSXH trước những thách thức mới trong việc tổ chức, quản lý tốt hơn nguồn vốn cho vay và theo dõi chặt chẽ hơn các khoản nợ. Trước tình hình đó, đòi hỏi NHCSXH cần phải có công cụ hỗ trợ để cung cấp thông tin phục vụ công tác quản trị điều hành nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc theo dõi, quản lý và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi.

Việc xây dựng các tiêu chí phân loại nợ phù hợp chính là một trong những công cụ cần thiết cung cấp thông tin trong công tác quản trị điều hành, quản lý nợ, phân tích, đánh giá chính xác hiện trạng và bản chất các khoản nợ để kịp thời đề ra các giải pháp quản lý và phương án xử lý các nhóm nợ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, bảo tồn và phát huy có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Trên cơ sở các tiêu chí phân loại nợ phù hợp với đặc thù hoạt động, NHCSXH sẽ đưa ra những cảnh báo sớm một số nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ đó chủ động đề ra các giải pháp phòng ngừa để ngăn chặn các rủi ro phát sinh trong tương lai.

Mặt khác, thông qua việc phân loại các khoản nợ giúp cho lãnh đạo NHCSXH có cách nhìn tổng quan nhất về thực trạng chất lượng tín dụng để có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế phù hợp với thực tiễn.

 

NHCSXH thực hiện phân loại nợ căn cứ vào các tiêu chí phân loại nợ, trong từng tiêu chí phân loại sẽ được phân nhóm theo các chỉ tiêu và chi tiết theo trạng thái nợ, 10 tiêu chí phân loại nợ gồm:

1. Phân loại nợ theo chương trình cho vay;

2. Phân loại nợ theo thời hạn cho vay;

3. Phân loại nợ theo trạng thái nợ;

4. Phân loại nợ theo hình thức bảo đảm tiền vay;

5. Phân loại nợ theo nguồn gốc cho vay;

6. Phân loại nợ theo hình thức cho vay và đơn vị nhận ủy thác với NHCSXH;

7. Phân loại nợ theo khu vực cho vay;

8. Phân loại nợ theo dân tộc;

9. Phân loại nợ theo ngành kinh tế;

10. Phân loại nợ theo khả năng trả nợ của khách hàng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực