18 năm Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng đồng hành cùng dân nghèo

Thứ năm, 01/10/2020 14:08
(ĐCSVN) - Đến đầu tháng 10 này, toàn hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã trải qua 18 năm xây dựng và phát triển. Đây cũng là 18 năm người dân nơi trung tâm và lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên làm quen, gắn bó với một tổ chức tín dụng đặc thù của Nhà nước không thể thiếu trong đời sống.

Cùng với sự phát triển của thành phố, NHCSXH ngày càng khẳng định là công cụ tài chính hiệu lực, là cầu nối vững bền giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tiến tới làm giàu chính đáng.

Vượt khó đồng hành cùng người nghèo trên địa bàn

1 phiên giao dịch tín dụng chính sách (Ảnh: PV) 

Nhớ lại thời điểm ra đời, từ năm 2002, NHCSXH Đà Nẵng đã gặp không ít bộn bề khó khăn nhưng với quyết tâm vượt khó, ý chí thống nhất, NHCSXH Đà Nẵng non trẻ đã vừa khẩn trương tiếp nhận số tài sản, vốn liếng ít ỏi từ các ngân hàng thương mại, vừa triển khai ngay nhiệm vụ tổ chức các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước để dòng chảy nguồn vốn tín dụng không bị ngưng đọng.

Giám đốc NHCSXH thành phố Đoàn Ngọc Chung cho biết: từ đó đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương cùng sự phối hợp chặt trẽ của các ban ngành, đoàn thể, đơn vị đã kiên trì huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, đồng thời mạnh dạn đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo. Tính đến 30/8/2020, vốn ngân sách địa phương ủy thác 1.100 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH Đà Nẵng đạt gần 2.700 tỷ đồng, tăng 322 tỷ đồng so với cuối năm 2019.

Sở dĩ nguồn vốn từ ngân sách địa phương tăng nhanh, đạt cao bởi các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thực hiện tốt việc tập trung mọi nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách vào một đầu mối quản lý là NHCSXH. Cụ thể: hàng năm UBND từ thành phố đến quận, huyện đã cân đối nguồn vốn ngân sách, bổ sung thêm vốn ủy thác cho NHCSXH tiến hành cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các quỹ hoàn lương của ngành lao động thương binh xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân cũng bàn giao hơn 3 tỷ đồng sang NCHSXH quản lý để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù của địa phương. Nhờ vậy, NHCSXH Đà Nẵng ngày càng được tăng cường sức lực, thực hiện đắc lực chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và triển khai hiệu quả những chính sách giảm nghèo đặc thù của thành phố như ưu tiên trợ giúp toàn bộ lãi suất cho số hộ nghèo đặc biệt khó khăn, tăng lượng vốn vay đối với các gia đình làm nhà ở xã hội và các hộ chuyển đổi nghề và bị giải tỏa đất đai, kể cả cho vay vốn ưu đãi thuộc chương trình tín dụng giải quyết việc làm đối với các đối tượng mới ra tù, cai nghiện để hòa nhập cộng đồng xã hội.

Tín dụng chính sách – “đòn bẩy” giúp thoát nghèo

NHCSXH Đà Nẵng đồng hành chống dịch bệnh COVID-19 cùng địa phương (Ảnh: PV) 

Hết thảy nguồn vốn chính sách của trung ương cấp, từ ngân sách địa phương ủy thác đã được NHCSXH Đà Nẵng chuyển tải kịp thời về khắp 8 quận, huyện trong thành phố, cho vay trực tiếp tại 56 Điểm giao dịch phường, xã, đến từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách, để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống, góp phần cho Đà Nẵng thực hiện thành công Đề án giảm nghèo giai đoạn 2015-2020, về đích trước 2 năm. Đơn cử ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, có khoảng 1400 lượt hộ gia đình được hơn 40 tỷ đồng vốn chính sách khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai thâm canh rau màu, phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại. Nhiều gia đình công giáo đã sử dụng vốn vay từ NHCSXH chuyển đổi sản xuất nông, lâm nghiệp, thu lãi 80-100 triệu đồng/năm như anh Ngô Tuyến thôn Phú Thượng trồng được 8 ha rừng keo, nuôi 2 cặp bò sinh sản, chị Nguyễn Thị Kim Hoàn thôn An Ngãi 20 dẫy nấm sò, nấm linh chi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ phủ khắp các phường, xã làm đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn trực tiếp chung tay góp sức thực hiện hiệu quả thiết thực nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù của thành phố.

Tại quận Cẩm Lệ, nhờ đồng vốn chính sách đã xuất hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi như cơ sở dệt may gia công, đệm lốp ô tô của Hội phụ nữ xã Hòa Xuân; mô hình trồng hoa cúc vàng, nấm rơm, nuôi cá cảnh, rau sạch do Hội CCB phường Hòa An xây dựng….đã tạo điều kiện giúp hộ nghèo tiếp cận với đồng vốn ưu đãi và các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất để tạo việc làm, thu nhập, vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu phải kể đến gia đình ông Nguyễn Thành Lâm vốn là hộ nghèo ở tổ 24 phường Hòa Xuân khởi nghiệp bằng 30 triệu đồng của NHCSXH quận cùng khu đất dự án chưa triển khai của UBND phường cho mượn. Ông đã đầu tư mua cây giống, nguyên liệu bắc giàn trồng hơn 2.000 chậu hoa cúc, hướng dương, thược dược, phong lan, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng/người.

 Điểm giao dịch phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng ngay sau khi TP khống chế dịch COVID-19 đợt 2, sáng 30/9/2020 (Ảnh: PV)

Những ngày đã qua, ngay cả những ngày khi thành phố Đà Nẵng chuyển sang trạng thái kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, NHCSXH đã và hoạt động trở lại bình thường, tập trung huy động thêm nguồn vốn, năng động chuyển tải nhanh chóng một khối lượng tiền vốn lớn về tận mỗi miền quê, mỗi căn nhà của dân nghèo. Các Tổ tín dụng chính sách lưu động lại hối hả về Điểm giao dịch xã, phường thực hiện nhiệm vụ giải ngân nhanh, thu hồi đủ tiền nợ, tiền lãi. Toàn dân, toàn miền quê lại vào xưởng, xuống đồng, ra biển cần mẫn tạo nguồn thu cho mình.

Thế hệ những người làm tín dụng chính sách qua gần 2 thập kỷ ở Đà Nẵng luôn kiên trì, năng động đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần tích cực để thành phố cất cánh, vươn xa.

Đông Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực