Bắc Giang: Thoát nghèo, đi học và làm giàu từ vốn tín dụng chính sách

Chủ nhật, 16/07/2023 16:19
(ĐCSVN) – Mạnh dạn và tin tưởng vào vốn vay để đầu tư cho con em tiếp tục ước mơ học tập; mua bò, nuôi lợn, trồng rau, làm sản phẩm OCOP… để thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính quê hương là những ghi nhận từ thực tiễn vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Bắc Giang thời gian qua.

Trung tuần tháng 7, trong cái nắng đổ lửa của ngày hè miền Bắc, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang thăm một số hộ vay vốn tín dụng chính sách điển hình trên địa bàn.

Vốn tín dụng chính sách đã mang lại niềm vui, tiếng cười cho các hộ gia đình

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, 6 tháng đầu 2023, tổng nguồn vốn đạt 6.330,6 tỷ đồng, tăng 495,6 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,49% so với năm 2022.

 Cán bộ NHCSXH Hiệp Hòa, Hội LHPN Bắc Lý,, Tổ trưởng Tổ TK&VV cùng hộ vay tại thị trần Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: HNV)

Cũng 6 tháng qua. hoạt động tín dụng chính sách tại Chi nhánh đã đạt được kết quả đáng khích lệ với doanh số cho vay đạt 936,2 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 6.316,8 tỷ đồng, tăng 489 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, tăng trưởng dư nợ đối với các chương trình tín dụng đang trong thời gian giải ngân 513,3 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 8,8%), chất lượng tín dụng đảm bảo (tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,04%), huy động tiền gửi qua tổ chức, cá nhân đạt tốt; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, các mặt hoạt động được duy trì nề nếp, ổn định. Nguồn vốn chính sách đã giúp trên 14 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.227 lao động; xây mới và sửa chữa 15.214 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, mua 450 căn nhà ở xã hội; giúp 47 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; giúp cho 644 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, 32 học sinh sinh viên có máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, không có học sinh sinh viên nào phải nghỉ học vì khó khăn về tài chính.

Con gái lớn của hộ vay anh Nguyễn Văn Thi đang theo học Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ chương trình tín dụng chính sách HSSV (Ảnh: HNV)

Thăm hộ vay vốn của gia đình anh Nguyễn Văn Thi (cụm dân cư Bắc Sơn, Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa) được biết, gia đình anh vay vốn chương trình tín dụng học sinh sinh viên (HSSV) để cho cô con gái lớn, sinh năm 2003 đang theo học Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhờ nguốn vốn vay này mà gia đình yên tâm để con theo học và bố mẹ tập trung làm kinh tế gia đình cũng như chăm nuôi tốt cậu con trai sinh năm 2013 khi thu nhập của hai vợ chồng anh chị chỉ trông chờ vào mảnh vườn, cánh đồng, thửa ruộng của gia đình.

Cùng vay vốn chương trình tín dụng HSSV, hộ vay gia đình chị Ngô Thị Chín (Tổ dân phố Tam Hợp, thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa) bày tỏ, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ mất sức lao động từ hồi sinh con năm 2002 đến nay và mọi thu nhập của gia đình đều dựa vào chồng nhưng 2 năm trở lại đây, chồng cũng mất sức lao động trong khi phải nuôi 3 người con đang tuổi ăn học (một sinh viên Đại học Công nghiệp, một sinh viên Cao đẳng Sư phạm và một học sinh cấp 3) nên nếu không có hỗ trợ vay vốn của NHCSXH, hai vợ chồng đã tính tới phương án cho các con thôi học để đi làm…

Đến huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, gặp Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Khả Lý Thượng, chúng tôi được nghe chuyện về hộ vay vốn Nguyền Văn Quỳnh với số vay 70 triệu đồng, anh đã đầu tư mua bò sinh sản và đến nay, sau 3 năm vay vốn, gia đình anh đã thoát nghèo, xây được một căn nhà cấp bốn khang trang.

Niềm vui của hộ vay Nguyễn Thị Chín khi nhờ chương trình tín dụng chính sách HSSV mà chị bơt gánh nặng cho con đi học (Ảnh: HNV) 

Tận mắt thăm quan cơ ngơi vườn ao chuồng của hộ vay vốn Trần Văn Tìu, sinh năm 1957, thương bình 1/4 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã vay 100 triệu đồng cải tạo chuồng trại khang trang với đàn lợn gần 50 con, chúng tôi không khỏi vui mừng thay cho hộ vay vì đã có sinh kế bền vững từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình.

Quay trở lại TP Bắc Giang, thăm cơ sở Bánh bao Bảo Phát (Giáp Lễ, Phường Đình Kế, TP Bắc Giang) của anh Nguyễn Vương Quyền, chúng tôi không ngừng ngạc nhiên về mô hình hộ kinh doanh này. Chủ cơ sở cho biết, tiếp cận nguồn vốn từ sinh hoạt mô hình OCOP TP Bắc Giang và liên hệ NHCSXH được tạo điều kiện, giải ngân, có vốn để đầu tư xây dựng lại cơ sở, nhất là sắm thêm máy móc. “Trước đây, làm thủ công, cơ sở chỉ đáp ứng quy mô trên dưới 1.000 chiếc/1 ngày, từ khi mua sắm thêm máy móc, năng suất và quy mô lên tối đa 5.000 chiếc/ngày”- Nguyễn Vương Quyền phấn khởi chia sẻ.

Sản phẩm bánh bao Bảo Phát hiện đạt chuẩn 3 sao và thị trường bánh bao TP Bắc Giang hiện nay không thể không nhắc đến thương hiệu Bảo Phát. Nguyễn Vương Quyền cũng mong muốn sẽ tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi và hợp lý để yên tâm hơn về nguồn vốn lưu động, đáp ứng các tiêu chuẩn ISO để nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao.

Rõ ràng là, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã từng bước thoát nghèo, tự tin cho con em đi học, theo đuổi ước mơ dưới mái trường Đại học, Cao đẳng và thậm chí có hộ còn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng.

 Cán bộ NHCSXH thăm mô hình hộ vay Trần Văn Tìu đầu tư chăn nuôi lợn (Ảnh: HNV)

Tiếp tục triển khai hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trên cơ sở hiệu quả nửa đầu 2023, nửa cuối còn lại, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tăng cường huy động vốn tại địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 7%-10%, nợ quá hạn duy trì dưới mức 0,05%; huy động tiền gửi qua tổ chức, dân cư đạt 100% kế hoạch giao; các tiêu chí chấm điểm về chất lượng tổ TK&VV, chất lượng giao dịch xã, chất lượng tín dụng xã, chất lượng tín dụng đạt tối thiểu 98,5 điểm.

Cụ thể, theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Cảnh, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, NHCSXH tỉnh sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội phổ biến sâu rộng Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 (Chiến lược). Cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-HĐQT ngày 20/3/2023 của Hội đồng quản trị NHCSXH; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược.

 Cơ sở bánh bao Bảo Phát vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Ảnh: HNV)

Song song là triển khai đến toàn thể cán bộ, người lao động trong đơn vị Kế hoạch số 463/NHCS-KH ngày 31/5/2023 của Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện, tình hình tại địa phương; Tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp, các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành các mục tiêu Chiến lược.

Thêm vào đó, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 10/CTrPH-MTTW-NHCS ngày 23/12/2022 và Kế hoạch số 06/KH-MTTQ-NHCS ngày 27/3/2023 giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và chi nhánh NHCSXH tỉnh; cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung trong Chương trình phối hợp và Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình tại địa phương.

Tham mưu UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với NHCSXH tổ chức triển khai thực hiện xây dựng Kế hoạch tín dụng năm 2024 và giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn.

 Cán bộ NHCSXH, Lãnh đạo UBND và Hội LHPN thăm động viên hộ vay vốn trên địa bàn
(Ảnh: HNV)

Tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023 và tập trung tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, các chính sách tín dụng ưu đãi góp phần thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc rà soát đối tượng cho vay, hỗ trợ lãi suất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn, tránh trục lợi chính sách; tăng cường rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn, hướng dẫn hồ sơ và cho vay kịp thời; đối với cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm yêu cầu rà soát, lựa chọn và tập trung vào những đối tượng ưu tiên đảm bảo mục tiêu của Đề án; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và kế hoạch tốt nguồn vốn thu hồi đảm bảo cho vay quay vòng hiệu quả; quản lý và điều hành linh hoạt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng theo quy định; có các giải pháp huy động vốn đảm bảo kế hoạch giao.

 Phòng giao dịch NHCSXH các huyện: Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp chỉ đạo tổ chức, rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ làm cơ sở để NHCSXH thực hiện cho vay.

Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho vay ký quỹ tại NHCSXH đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS theo Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị điều kiện tốt nhất để kịp thời giải ngân chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg ngày 05/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn tại NHCSXH, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp thực hiện các hồ sơ, thủ tục vay vốn đảm bảo tuân thủ đúng quy định, nhanh chóng và kịp thời; chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng để thực hiện các biện pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.

Nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động uỷ thác cho vay, chất lượng hoạt động giao dịch xã và hoạt động tổ TK&VV; quan tâm chỉ đạo, phân tích nguyên nhân và có các giải pháp cụ thể đối với tổ TK&VV xếp loại trung bình, xã xếp loại trung bình; món vay qua đối chiếu, phân loại nợ không có khả năng thu hồi; món nợ quá hạn lâu ngày; món vay khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú; món vay tồn đọng lãi; tăng cường kiểm soát tốt nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Quan tâm triển khai dịch vụ Mobile Banking giai đoạn 2 đến khách hàng theo Kế hoạch số 464/KH-NHCS ngày 31/5/2023 của Giám đốc NHCSXH tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ trong đó tập trung khai thác khách hàng hiện có dư nợ tại NHCSXH và khách hàng hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo chỉ tiêu được giao theo văn bản số 516/NHCS-KTNQ ngày 19/6/2023.

Thường xuyên phối hợp với tổ chức hội nhận ủy thác trong việc nhập, khai thác kết quả kiểm tra hoạt động ủy thác theo văn bản số 10566/HD-NHCS; triển khai việc sắp xếp, lưu giữ hồ sơ hoạt động ủy thác, hoạt động tổ TK&VV theo văn bản số 3920/NHCS-TDNN ngày 10/5/2023 của Tổng Giám đốc NHCSXH, tổ chức thực hiện hoàn thành xong trước ngày 25/9/2023.

Thực hiện hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo đúng nguyên tắc kế toán, phản ánh kịp thời, chính xác theo đúng nội dung, tính chất tài khoản; tăng cường công tác đảm bảo an toàn kho quỹ, vận chuyển tiền trên đường đi và điểm giao dịch xã; tập trung thu lãi cho vay theo kế hoạch, đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch tài chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện quyết toán hỗ trợ lãi suất đảm bảo tuân thủ đầy đủ, đúng quy định và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP; tăng cường công tác kiểm tra các tài khoản GL đối chiếu khớp đúng số dư, doanh số, tính chất nghiệp vụ các tài khoản GL.

Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ NHCSXH; đào tạo, tập huấn đối với cán bộ kiêm nhiệm phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác đối với cán bộ; Thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân theo quy định; Thực hiện tốt công tác khen thưởng theo các phong trào đã phát động.

Thực hiện kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP theo kế hoạch. Chấn chỉnh công tác đăng ký khoản vay hỗ trợ lãi suất. Nâng cao chất lượng kiểm tra giám sát; chú trọng kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Thường xuyên cập nhật, giám sát số liệu từ xa qua tiện ích hỗ trợ KT740, phần mềm hỗ trợ nhằm phát hiện, chỉnh sửa kịp thời sai sót, tồn tại trong quá trình hoạt động. Giám sát hoạt động giao dịch xã qua hệ thống camera IP. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy trình, nghiệp vụ.

 Chấn chỉnh những sai sót nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ tín dụng trên hệ thống Intellect đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Duy trì tốt công tác vận hành hệ thống Intellect; xây dựng bổ sung các tiện ích hỗ trợ công tác điều hành và tác nghiệp; tổ chức thực hiện tốt các công việc được giao trong thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của NHCSXH và của tỉnh; xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện chấm điểm của tập thể, cá nhân bằng phần mềm; tiếp tục nâng cấp, bổ sung các chỉ tiêu giám sát từ xa trên phần mềm hỗ trợ nhằm cảnh báo, chỉnh sửa kịp thời những sai sót nghiệp vụ.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng tội phạm, phòng chống rửa tiền, duy trì công khai thông tin đường dây nóng và kiểm soát thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và Kế hoạch số 06/KH-UBND; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách; đẩy mạnh thông tin, truyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, fanpage...).

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực