Điểm dễ nhận thấy ở địa phương này chính là tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần tích cực giảm nghèo. Đây là kết quả của sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng các ban ngành, cơ quan, trong đó không thể thiếu sự góp sức, đồng lòng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.
|
Bức tranh nông thôn tại Bắc Kạn thật tươi sáng (Ảnh: PV) |
Theo đó, những cán bộ, nhân viên của NHCSXH đã kiên trì, triển khai thực hiện việc tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về khắp bản làng xa xôi, đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, góp phần bồi đắp cho vùng núi cao thêm trù phú.
Đơn cử như, Pác Nặm là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, lãnh đạo huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, nguồn vốn chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ vậy, Pác Nặm đã triển khai được 2 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa, với quy mô 400 con/chu kỳ sản xuất của một dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt với quy mô 6.000 con/chu kỳ sản xuất. Đáng chú ý, từ đồng vốn chính sách, nhiều gia đình người Mông đã “ăn nên làm ra”, tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tiêu biểu có gia đình anh Ma Đình Hảo, ở thôn Phiêng Đường, xã Yên Cư đã được Hội Nông dân xã và NHCSXH huyện Chợ Mới giải quyết cho vay 50 triệu đồng vốn tín dụng dành cho hộ nghèo, để đầu tư chăn nuôi lợn thịt và lợn nái. Đến nay, đàn lợn của anh đã có tới 80 con, hàng tháng xuất bán từ 3 đến 4 tấn lợn thịt hơi, thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ vốn chính sách tiếp sức, gia đình anh Hảo thoát cảnh nghèo khó, có kinh tế vững chắc, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã.
|
Vốn chính sách được ngân hàng đưa về tận xã phục vụ đồng bào các dân tộc (Ảnh: PV) |
Từ những bản làng khó khăn và những hộ nghèo ở Chợ Mới, chợ Đồn, hay Pác Nặm, Ba Bể, nhìn rộng ra toàn tỉnh Bắc Kạn, đến nay đồng vốn tín dụng chính sách đã bao phủ vùng núi cao rộng lớn gần 500.000 ha với 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng chính sách.
Là một tỉnh có quá nhiều khó khăn như địa hình rừng núi nhiều, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, quy mô nhỏ bé, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, còn khó khăn; nhưng trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “trụ cột” giúp địa phương thực hiện thắng lợi toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
|
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh giám sát hiệu quả để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng (Ảnh: PV) |
Từ một nền kinh tế thuần nông, Bắc Kạn đã từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, tỷ lệ che phủ rừng duy trì 73,4%, cao nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 21,95%, giảm 2,76% so với năm 2022.
Để có được tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững như vậy, theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, ông Hà Sỹ Côn, trước hết là do cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương luôn xác định thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, kịp thời đưa mọi nguồn vốn đến đúng các đối tượng, địa chỉ được thụ hưởng.
|
Hộ dân vay vốn sản xuất kinh doanh, từng bước làm giàu (Ảnh: PV) |
Song hành với sự chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, đặc biệt 10 năm qua, nhờ triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dòng chảy tín dụng chính sách trên vùng núi cao Bắc Kạn luôn được khơi thông, góp phần thiết thực, hiệu quả giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Cụ thể, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đến 30/4/2024 đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 2.030 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tại địa phương là 85,4 tỷ đồng, tăng 83,3 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị.
|
Hộ dân vay vốn trồng dưa lưới trong nhà có mái che, có năng suất cao (Ảnh: PV) |
Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 40 của Ban Bí thư của Tỉnh ủy Bắc Kạn đã khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách trên toàn địa bàn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nguồn vốn chính sách; từ đó thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động của NHCSXH. Đơn cử, đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù ở những xã thuộc vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối tạo động lực, tăng năng lực hoạt động cho NHCSXH...
Thực hiện Chỉ thị 40, những cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Bắc Kạn đã chẳng quản ngại gian nan vất vả, tháng ngày băng rừng, vượt đèo, chuyển tải nhanh gần 3.400 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, cũng như 85 tỷ đồng vốn ngân sách của địa phương chuyển sang, về tới làng bản, giúp các hộ nghèo, đồng bào DTTS khó khăn kịp thời vào vụ sản xuất kinh doanh.
|
Hộ dân vay vốn trồng và sản xuất chè OCOP của địa phương (Ảnh: PV) |
Cùng với đó, từ cán bộ điều hành đến cán bộ tác nghiệp, hội sở chính và các phòng giao dịch cấp huyện, cũng đã chủ động tham mưu cho UBND cấp xã, thường xuyên rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo vào danh sách hộ được vay vốn ưu đãi của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm, vay vốn tại bản làng và hệ thống hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, để nắm bắt nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chủ động đáp ứng đầy đủ cho các đối tượng có đủ điều kiện và nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Đây chính là động lực to lớn để tỉnh Bắc Kạn thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả ấn tượng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công cuộc này suốt 22 năm qua.
Thời gian tới, cùng với các cấp, các ngành, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng mọi đồng vốn chính sách về tận bản làng đầu tư đúng và trúng mục tiêu, đối tượng, góp phần thúc đẩy vùng núi cao ngày càng no đủ và phát triển bền vững.