Bạc Liêu: Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Thứ sáu, 11/06/2021 16:39
(ĐCSVN) – Nguồn vốn chính sách tăng trưởng và bảo toàn đã góp phần giảm hơn 28 nghìn hộ nghèo trong 5 năm qua, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bạc Liêu giảm xuống dưới 1,5% vào cuối năm 2020.

Gần 10 năm trước, tỉnh Bạc Liêu vốn là vùng trũng về kinh tế xã hội ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các làng quê có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, chiếm hơn 50%. Trước thực trạng đó, Bạc Liêu đã nhận nhiều chương trình dự án cấp Nhà nước, trong đó có 14 chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tổ chức thực hiện đã đầu tư hỗ trợ kịp thời, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, chính đặc thù này cũng có hai mặt của nó, bên cạnh việc tạo lực đẩy và cơ hội cho Bạc Liêu bứt phá thành tỉnh có tốc độ phát triển khá của cả nước, thì chính sách trên cũng gây ra những khó khăn, vướng mắc đến hoạt động của NHCSXH, cụ thể ảnh hưởng đến tốc độ huy động nguồn lực, cùng với đó, chất lượng tín dụng cũng bị giảm sút.

Phiên giao dịch xã trên địa bàn Bạc Liêu (Ảnh: PV) 

Vượt khó, khắc phục hạn chế để vươn lên

Cụ thể, tại thời điểm năm 2011, nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu bình quân trên 2% tổng dư nợ và số lãi tồn đọng cũng khá lớn. Bên cạnh một số ít NHCSXH cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ tập trung huy động được nguồn vốn hoạt động, đảm bảo tỉ lệ nợ xấu thấp, không có nợ phát sinh, còn số đông trong 7 đơn vị trực thuộc ngân hàng tỉnh đã để nợ quá hạn kéo dài, tăng cao trên mức 3% so với tổng dư nợ.

Nguyên nhân của tình trạng trên được đánh giá do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó, khách quan là: địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp, điều kiện tự nhiên đất đai bị xâm nhập mặn, mùa màng thất thu… nhưng chủ yếu vẫn là năng lực quản lý, tác nghiệp của cán bộ NHCSXH hạn chế. Thêm nữa là sự phối kết hợp giữa ngân hàng với các tổ chức đoàn thể, các Tổ TK&VV không thường xuyên, thiếu chặt trẽ, trong đó có nơi, có lúc để quản lý vốn lơi lỏng, không kiên quyết xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, lãi tồn đọng…

Để khắc phục những yếu kém trong hoạt động, NHCSXH Bạc Liêu mạnh dạn lập Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và được Tổng Giám đốc NHCSXH chuẩn y thực hiện từ đầu năm 2012. Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Bạc Liêu được xây dựng với các chỉ tiêu đề ra đều xuất phát từ thực tiễn đặc thù của địa phương cùng các giải pháp khả thi, nên đã được Ngân hàng cấp trên chỉ đạo sát sao, quyết liệt cùng sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Nhờ vậy, NHCSXH Bạc Liêu từ tỉnh đến huyện đã nhanh chóng, ổn định bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động. Hầu hết cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị đã thay đổi lối nghĩ, cách làm, gắn trách nhiệm công việc với trách nhiệm của từng người, từng bộ phận liên quan đến tín dụng chính sách.

Hiệu quả của Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng Bạc Liêu

 Đảm bảo 5K theo quy định của Bộ Y tế khi đến giao dịch (Ảnh: PV)

Ông Trần Quang Sơn, Giám đốc NHCSXH Bạc Liêu cho biết: Không phải đến thời điểm hiện nay Bạc Liêu mới có Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng mà cách đây 9 năm, Đề án đã được triển khai đi vào cuộc sống, được các sở, ban ngành tại địa phương đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, bởi lẽ, việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách là giải pháp công hiệu phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng thời đưa tín dụng chính sách trở thành người bạn đồng hành, gắn bó mật thiết với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhờ thực hiện tốt Đề án, toàn bộ hoạt động của NHCSXH Bạc Liêu có chuyển biến rõ rệt. Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 87 tỷ đồng so với đầu năm; riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp những khó khăn về thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh COVID-19 hoành hành ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội và đời sống dân nghèo, song dòng vốn chính sách vẫn được khơi thông trên miền đất tận cùng phía nam đất nước với trên 10.400 lượt hộ được vay 297 tỷ đồng vốn ưu đãi, nâng tổng dư nợ của NHCSXH lên 2.242 tỷ đồng để đầu tư khôi phục phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Song song với tăng trưởng nguồn vốn, chất lượng tín dụng trên miền đất cực Nam tiếp tục được cải thiện, nợ xấu giảm xấp xỉ 10 tỷ đồng so với đầu năm. Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng như nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi, trả nợ gốc khi đến hạn….đều trong vòng kiểm soát.

Nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng đã thiết lập được một dây chuyền quản lý và truyền tải vốn chính sách với sự tham gia trực tiếp của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác còn có sự tận lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền từ việc bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị; NHCSXH cấp huyện đến các trưởng ấp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều trên các mặt hoạt động của NHCSXH và góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, hầu hết Tổ TK&VV ở Bạc Liêu đã được sắp xếp lại cho liền canh, liền cư, theo địa bàn từng ấp, khu vực nên làm cho địa bàn quản lý vốn được thu gọn, việc thu lãi được thường xuyên hơn.

Từ đây, đồng vốn chính sách vay của NHCSXH cũng phát huy hiệu quả cao, hộ nghèo xây dựng được mô hình kinh tế đa dạng, phát đạt; Nhận thức, ý thức của hộ vay vốn thay đổi rõ rệt, chí thú làm ăn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hoàn trả nợ lãi đúng quy định của ngân hàng. Điển hình như hộ anh Trần Thanh Tuấn, dân tộc Khmer ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất đã sử dụng vốn chính sách mua cây giống, gieo trồng 5 công rẫy rau, củ quả sau nhà, thu 50 triệu đồng/vụ, đến nay được công nhận thoát nghèo.

Song hành với việc tập trung huy động nguồn lực, NHCSXH Bạc Liêu đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Từ việc chủ động cải thiện nợ trong toàn bộ hoạt động và trong từng khâu của quá trình giải ngân và giám sát cho vay đến việc tiếp tục thực hiện sâu rộng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm trên cơ sở đảm bảo cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phục vụ đắc lực chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2026 của tỉnh Bạc Liêu là phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, chống tái nghèo, và xóa nghèo bền vững trên miền đất cực Nam thuộc đồng bằng sông Cửu Long./.

Đông Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực