Bình Định thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách

Thứ ba, 19/10/2021 10:46
(ĐCSVN) - Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 40 - CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị), chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Định đã được tổ chức quán triệt sâu rộng trên cơ sở huy động cả hệ thống chính trị cùng triển khai. Từ đó, tại quê hướng “đất võ, trời văn”, đã xuất hiện những kết quả ấn tượng về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Huy động mọi nguồn lực, tập trung các nguồn vốn giúp dân xóa nghèo

 Điểm giao dịch đảm bảo 5K phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: PV)

Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 40 ở tỉnh Bình Định 7 năm qua là tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị trong huy động mọi nguồn lực, tập trung các nguồn vốn để giúp dân giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thực tế, ngay sau khi có Chỉ thị, Ban thường vụ tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị đến cán bộ chủ chốt các cấp. Theo đó, tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chỉ thị đến Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc căn cứ tình hình cụ thể của địa phương đã đề ra chương trình hành động thực hiện Chỉ thị. Đặc biệt, giữa thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Tỉnh ủy còn có công văn chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Qua 7 năm thực hiện Chỉ thị, mọi hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định thực sự chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; đã quan tâm hơn, tạo nhiều điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách. Điển hình là Sở tài chính đã tham mưu đúng để UBND tỉnh hàng năm ưu tiên bổ sung ngân sách cho NHCSXH thực hiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, trong đó có những đối tượng chính sách đặc thù của địa phương. UBND các huyện, thành phố, thị xã hàng năm đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH. Hiện nay, vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH Bình Định hơn 382 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng năm 2021, dù gặp khó khăn về dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, vốn ngân sách ở Bình Định vẫn tăng 135,6 tỷ đồng so với cả năm 2020. Tất cả 11/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành kế hoạch chuyển vốn ngân sách cả năm 2021, dẫn đầu là thị xã An Nhơn chuyển 4,9 tỷ đồng, tiếp đến huyện Tuy Phước gần 3,6 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng với việc tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH. Tháng 9/2021, UBND tỉnh còn dành hẳn 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tiết kiệm chi tiêu giao cho NHCSXH cho vay hỗ trợ kịp thời 2.000 hộ gia đình chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Thăm hộ vay vốn làm đồ gỗ hiệu quả (Ảnh: PV)

Số vốn ngân sách đó đã nâng tổng nguồn vốn ưu đãi ở Bình Định lên 4.744 tỷ đồng, tăng 428,2 tỷ đồng so với 31/12/2020, tạo đà cho NHCSXH tỉnh đạt tốc độ dư nợ lên 11,5%/năm, trợ giúp kịp thời 29 nghìn lượt hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS trên vùng núi cao Vĩnh Thạch, An Lão, ngoài biển đảo xa Cù Lao Xanh, Phù Mỹ, Phù Cát vay vốn dễ dàng đầu tư hiệu quả thâm canh ruộng vườn, phát triển kinh tế đồi rừng, nuôi trồng đánh bắt thủy sản.

Kết nối phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý sử dụng vốn tín dụng ưu đãi

Cùng với việc tập trung huy động được nguồn lực lớn, là sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, mặt trận tổ quốc với NHCSXH trong suốt quá trình quản lý, sử dụng vốn tín dụng chính sách được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn kể từ khi thực hiện chỉ thị. Đơn cử như ngành lao động - thương binh xã hội với chức năng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, hữu quan tiến hành điều tra, rà soát, bổ sung, thống kê chính xác danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho NHCSXH giải ngân nhanh chóng, công bằng, dân chủ. Các ngành nông nghiệp, khoa học đã phối hợp với các hội đoàn thể kết nội thành một khối vững chắc giúp hộ nghèo sử dụng vốn vay và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả rõ rệt.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị -xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng cũng làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến chương trình giảm nghèo và công tác tín dụng chính sách, giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt, hiểu rõ để thực hiện và tham gia kiểm tra giám sát công tác cho vay, thu nợ, thu lãi của NHCSXH trên địa bàn.

Kết quả từ việc kết nối, phối hợp hoạt động trong công tác tín dụng chính sách ở Bình Định đã kết nối  chặt chẽ hơn 4 nhà là: “ngân hàng, chính quyền - tổ chức chính trị xã hội, Tổ TK&VV”, chung tay, góp lực giúp người nghèo và các đối tượng chính trị. Nhờ sự kết nối này không chỉ hội tụ được nguồn lực lớn, mà quan trọng đã tạo ra bước đột phá đảm bảo, nâng cao chất lượng tín dụng. Đó là việc bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện đã làm tăng năng lực quản lý của chính quyền cơ sở với công tác tín dụng chính sách. Đó là phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục được triển khai làm cho việc bình xét vay vốn ở cơ sở được công khai, dân chủ rõ rệt và đảm bảo tỷ lệ thu hồi nợ, thu lãi đầy đủ, đúng quy định. Tính đến 30/9/2021, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đạt 4.717 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ của NHCSXH Bình Định, trong đó Hội phụ nữ tỉnh nhận ủy thác nhiều nhất 2.350 tỷ đồng chiếm 49,8%.

Đặc biệt, từ khi có chỉ thị mới của Đảng về tín dụng chính sách, việc thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV và duy trì hoạt động định kỳ của Điểm giao dịch xã đã tạo nên mạng sóng với 2.358 Tổ TK&VV và 159 Điểm giao dịch phủ rộng khắp các thôn bản, xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, góp phần chuyển tải vốn chính sách đến đúng, đến đủ, đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện tại số nợ quá hạn ở Bình Định chỉ có 3.430 triệu đồng, chiếm 0,072% tổng dư nợ. Toàn tỉnh có 1/11 cấp huyện, 93/159 cấp xã và 2.145/2.358 Tổ TK&VV không có nợ quá hạn.

 Thăm hộ gia đình vay vốn trồng ớt hiệu quả (Ảnh: PV)

Dòng vốn chính sách luôn được khơi thông trở thành công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững.

Trong suốt 19 năm qua, nhất là sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư, dòng chảy vốn chính sách ở Bình Định luôn được khơi thông đến khắp mọi nơi, mọi lúc, vượt qua mọi khó khăn do thiên tại, dịch bệnh gây ra. Đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao giúp 30 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết được việc làm cho hơn 17 nghìn lao động trong nước, ngoài nước; tạo điều kiện hỗ trợ hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập. Nguồn vốn chính sách đã trở thành công cụ hữu hiệu, giúp Bình Định thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới với những con số khá ấn tượng: giai đoạn 2015-2020 giảm bình quân 1,83%/năm với 37.000 hộ thoát nghèo; 4/11 huyện và 78/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đạt được những thành tích đó, trước hết theo Giám đốc NHCSXH Bình Định, ông Đoàn Trung Thành, là cấp ủy chính quyền địa phương đã quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng nội dung chỉ thị 40, đồng thời luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của tín dụng chính sách trong cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội

Nhận rõ những kết quả và một số vướng mắc sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, tỉnh Bình Định đang tập trung, tiếp tục đưa chỉ thị vào cuộc sống thực tiễn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó chú trọng đến việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tạo lập nguồn vốn, mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Từ lợi thế ấy, NHCSXH Bình Định tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của địa phương, tích cực tham mưu, nỗ lực hoạt động để guồng máy tín dụng chính sách chạy đều, góp phần thiết thực trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Dư Minh Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực