(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Thông tin này được nêu ra tại Văn bản số 1423/VPCP-KTTH ngày 2/3/2015 về việc bổ sung Chủ tịch xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện.
Theo đó, xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định cụ thể theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.
|
Kết quả thí điểm hiệu quả tại 3 tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An đã dẫn đến việc chính thức nhân rộng mô hình trong toàn quốc (Ảnh: PV) |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHCSXH phối hợp với UBND các cấp trong việc lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, NHCSXH đã thực hiện thí điểm Chủ tịch xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện từ năm 2013 - 2014 tại 3 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An. Báo cáo kết quả của việc thực hiện thí điểm mô hình này đã nêu rõ, thông qua việc triển khai mô hình, chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách đã được nâng cao rõ rệt.
Cụ thể, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với NHCSXH được chặt chẽ hơn. Chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo quyết liệt Ban giảm nghèo, Trưởng thôn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý tốt hơn nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm, những Tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động yếu kém đã kịp thời được củng cố; các chủ trương, chính sách mới được triển khai kịp thời đến đối tượng thụ hưởng.
Việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, đạt hiệu quả hơn trong việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Thông qua công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời nắm bắt được tình hình quản lý vốn vay và những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở để xử lý kịp thời.
Cụ thể, từ khi Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã đưa hoạt động tín dụng chính sách vào hoạt động định kỳ của xã, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, bản, ấp...; chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời và đến đúng đối tượng được thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chặt chẽ hơn.
Trước đây, việc đôn đốc thu hồi nợ quá hạn có nơi gặp nhiều khó khăn do hộ vay thiếu ý thức trả nợ, hộ vay bỏ đi khỏi địa phương. Khi Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện HĐQT huyện đã trực tiếp chỉ đạo Tổ đôn đốc, thu hồi nợ khó đòi cương quyết xử lý bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, động viên, mời lên trụ sở UBND xã làm việc và yêu cầu hộ vay cam kết trả nợ vay;... các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương đã liên hệ với người nhà tìm địa chỉ, vận động hộ vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, kết quả thu nợ, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn.... cao hơn nhiều so với trước.
Ngoài ra, gắn các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hoá, thôn, ấp, xã văn hóa... từng bước làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, lôi cuốn các hộ gia đình vay vốn tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống và hạn chế rủi ro, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu; người dân yên tâm, ổn định phát triển sản xuất.