Các cấp chính quyền huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) coi trọng công tác tín dụng chính sách

Thứ tư, 10/06/2015 14:10

(ĐCSVN) - Kỳ Sơn là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An và là một trong 64 huyện nghèo, khó khăn nhất cả nước với địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn và thời tiết khắc nghiệt. Tuy gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên nhưng Kỳ Sơn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các ban, ngành đóng trên địa bàn huyện, đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN).

Xung quanh nội dung hỗ trợ và thực hiện tín dụng chính sách trong công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trầm – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế, xã hội của huyện?

Ông Bùi Trầm: Trong 13 năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kỳ Sơn đã đáp ứng cho người nghèo huyện Kỳ Sơn trên 3 lĩnh vực.

 

 Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, ông Bùi Trầm (Ảnh: Phan Hà)

Thứ nhất, về mặt an sinh - xã hội, nguồn vốn cho các hộ nghèo vay vốn đã giúp 3.813 hộ thoát nghèo; giúp xây dựng 2.423 ngôi nhà; nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng đã vay vốn xây dựng, tu sửa hơn 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch, sử dụng công trình vệ sinh đạt chuẩn so với trước khi chưa có chương trình.

Thứ hai, đã giúp các hộ nghèo vay để xuất khẩu lao động, mở rộng dịch vụ, ngành nghề sản xuất, đặc biệt chăn nuôi trâu bò. Trong những năm qua, NHCSXH đã đáp ứng cho 90% số hộ được vay tiền để mua bò. Nhờ vậy, đàn bò của huyện đã tăng hàng năm từ 7%-9%, riêng năm 2014 tăng 11%. Tổng số đàn bò của huyện hiện nay là 46.000 con. Đây là một nguồn thu nhập rất lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đồng thời cũng qua đó, tạo ra hơn 40.000 việc làm cho nhân dân lao động.

Thứ ba, đã đáp ứng là hỗ trợ sinh viên, học sinh vay vốn để học hành và đã tạo ra một nguồn nhân lực to lớn cho Kỳ Sơn, đã giúp hơn 900 em học sinh, sinh viên yên tâm học tập. Đáng chú ý, năm 2014, huyện đã thu hút được 48 trí thức trẻ tham gia làm việc tại các tổ công tác xã. Sắp tới huyện sẽ tiếp nhận thêm 14 người nữa học từ các trường đại học ra, tăng thêm nguồn nhân lực cho huyện.

Hiện, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2014 của NHCSXH huyện Kỳ Sơn là gần 200 tỷ, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ NHCSXH cũng một phần nói lên đóng góp của NHCSXH trong công tác XĐGN của huyện Kỳ Sơn. Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện giảm từ 80,2% hộ nghèo năm 2010 xuống còn 52,9% năm 2014. Bình quân hàng năm giảm nghèo 5,5%. Riêng năm 2014 đã giảm 8,4%, tương đương với 1.100 hộ thoát nghèo.

PV: Khi thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, khó khăn lớn nhất là gì, thưa ông?

Ông Bùi Trầm: Khi thực hiện tín dụng chính sách, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi Kỳ Sơn là một huyện miền núi có địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ.

Trình độ dân trí còn hạn chế, không đồng đều; sản xuất tại nhiều nơi còn mang nặng tính tự cấp.

Ngoài ra, đối tượng vay vốn phần lớn là đồng bào nghèo, hiểu biết các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn. Đồng bào chủ yếu là dân tộc thiểu số, trong đó người Mông, người Khơ Mú, người Thái chiếm gần 98%, dân tộc Kinh chỉ chiếm 2%. Đại bộ phận người dân sống chủ yếu là tự cung, tự cấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ, sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy, mật độ dân số thưa thớt, sống rải rác trên các đồi núi.

Một bộ phận có ý thức chấp hành nghĩa vụ chưa cao, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Bên cạnh đó, mạng lưới thú y, phòng dịch chưa phát triển cũng làm ảnh hưởng lớn tới tình hình rủi ro trong chăn nuôi của người dân.

PV: Theo ông, yếu tố nào mang lại sự thành công trong việc phối hợp thực hiện tín dụng chính sách giữa chính quyền địa phương và NHCSXH?

Ông Bùi Trầm: NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể tại các xã trên địa bàn làm tốt khâu tuyên truyền về tín dụng chính sách, sâu rộng xuống tận các hộ nghèo ở khắp mọi nơi, mọi vùng trong toàn huyện, kết quả cho vay những năm qua đã làm tăng thêm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và NHCSXH.

Hơn nữa, tôi nhận thấy các cán bộ NHCSXH đều là những người có tâm với đồng bào và tâm huyết với công việc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đi sâu vào cuộc sống của người dân nên đồng vốn chính sách càng thực sự phát huy được hiệu quả, đến đúng đối tượng vay vốn. Công tác chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn đầy đủ thường xuyên, cầm tay chỉ việc của các hội đoàn thể, cán bộ NHCSXH cũng là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực