Cẩm Khê: Vốn chính sách cùng dân thoát nghèo

Thứ năm, 07/04/2022 13:52
(ĐCSVN) - Với các giải pháp huy động, tăng trưởng nguồn vốn cùng việc triển khai đa dạng các chương trình cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục làm “điểm tựa”, “tiếp sức” trong công cuộc giảm nghèo, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc giam giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồi Cẩm Khê (Phú Thọ).

Tín dụng chính sách cũng được coi là động lực quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn về dịch bệnh, thiên tai nhằm giữ vững phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống mới.

Mô hình nuôi thỏ từ vốn vay ưu đãi của anh Nguyễn Xuân Hòa (Ảnh: NHCSXH Việt Nam)

Thực tế chứng minh nguồn vốn chính sách đã tác động mạnh mẽ, tạo sức sống mới trên khắp miền đất trung du Cẩm Khê khi hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 24 xã, thị trấn được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Tính đến nay, toàn huyện đang triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt 545 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với 31.3.2021. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, gần 40 tỷ đồng vốn chính sách được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng thông qua mạng lưới 24 Điểm giao dịch xã và hệ thống 387 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Việc tăng trưởng nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã khai thác thế mạnh kinh tế về nông, lâm nghiệp ở Cẩm Khê. Nhiều mô hình và điển hình SXKD của đồng bào các dân tộc đã được nhân rộng. Về Tùng Khê là xã 135, trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào cải tạo vườn cây ăn quả đặc sản, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm thương phẩm.

Như gia đình anh Nguyễn Xuân Hòa ở khu Quyết Thắng, xã Tùng Khê vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi thỏ. Với sự năng động, ham học hỏi, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu các thông tin, kỹ thuật nuôi thỏ; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã tổ chức. Nhờ kiên trì, chịu khó, anh từng bước làm chủ kỹ thuật chăn nuôi thỏ và tích lũy được kinh nghiệm để mở rộng quy mô chuồng nuôi. Đến nay, số lượng đàn thỏ của gia đình anh đã lên đến 2.000 con, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình 200 triệu đồng/năm.

Nguồn vốn tín dụng được NHCSXH huyện Cẩm Khê giải ngân kịp thời cho bà con nhân dân ngay tại Điểm giao dịch xã  (Ảnh: NHCSXH Việt Nam)

Không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định, nguồn vốn chính sách còn góp phần đáng kể xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại đã ăn sâu vào nhận thức của người dân nghèo. Ở xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê trước đây, nhiều hộ dân chỉ muốn vào danh sách hộ nghèo để được thụ hưởng chính sách “cho không, cấp không” của Nhà nước, ngại vay vốn để làm ăn. Để xóa bỏ tư tưởng không muốn thoát nghèo, khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu, xã đã triển khai nhiều chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện. Trong đó, vận động người dân tiếp cận những chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; giúp họ mạnh dạn vay vốn phát triển về chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ hộ gia đình. Cách làm này đã tác động đến lòng tự trọng và tinh thần lao động hăng say của người dân, nhiều người đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo sau khi sử dụng vốn chính sách thâm canh ruộng vườn năng suất cao, vỗ béo trâu bò. Điển hình anh Nguyễn Ngọc Đức ở khu Chùa Bộ, tận dụng nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH đã đầu tư nuôi trâu sinh sản, mua máy bừa về để làm thuê, có thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Đến nay, kinh tế gia đình khấm khá hơn trước, anh Đức quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã để những sự hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn.

Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã giúp bộ mặt vùng đất đồi Cẩm Khê khởi sắc, cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây cũng tươi vui, no đủ hơn. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cẩm Khê Nguyễn Văn Xuân cho biết: Thời gian tới, để công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ổn định bền vững, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp họ có điều kiện chủ động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dư Minh Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực