|
Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của UBND huyện Châu Thành , Kiên Giang (Ảnh: Anh Tuấn) |
Dự hội nghị có ông Lâm Minh Công - Bí thư huyện ủy Châu Thành; ông Đoàn Công Thiệt - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang; ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành.
Ông Đoàn Công Thiệt - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết, 20 năm qua Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Châu Thành luôn xác định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị; được các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, huy động sự tham gia của toàn xã hội.
Theo đó, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị, huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
“Nhờ vậy sau 20 năm triển khai hoạt động tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại địa phương” - Ông Đoàn Công Thiệt nhấn mạnh.
Tính đến ngày 30/6/2022 trên địa bàn huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với gần 60 ngàn lượt khách hàng được vay vốn, doanh số cho vay đạt 824 tỷ đồng, tổng dư nợ 307 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp cho trên 9 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn làm ăn vươn lên thoát nghèo, 1.500 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà cửa dột nát; 10 căn nhà ở xã hội; xây dựng được trên 16 ngàn công trình về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo chuẩn quốc gia; trên 2 ngàn HSSV con hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính được vay vốn cho con đi học tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề, trên 2 ngàn lao động được vay vốn tạo mới, duy trì và mở rộng việc làm...
Sau 20 năm khẳng định Nghị định 78 của Chính phủ được triển khai trên địa bàn huyện là một chính sách ưu việt đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần cải thiện đời sống, nâng cao trình độ học vấn, giảm nghèo bền vững và đặc biệt đã góp phần hạn chế tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Tại hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành cũng khẳng định: Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, mô hình tổ chức của NHCSXH theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp, có hiệu lực và hiệu quả cao; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo.
Việc ra đời NHCSXH đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi Nhà nước; đồng thời khẳng định chủ trương tập trung nguồn vốn tín dụng có Nhà nước vào một đầu mối, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi hệ thống Ngân hàng thương mại là phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập.
Bước sang năm 21 với những khó khăn, thách thức vô cùng lớn, nhưng khó khăn thách thức không có nghĩa không thể vượt qua, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và phải thực hiện thắng lợi, khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Châu Thành, đó là tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách theo quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, hoạt động giao dịch tại xã. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả cao; thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng.
Ngoài ra, đối với các tổ chức chính trị - xã hội: Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý các Tổ TK&VV. Chú trọng công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi quản lý vốn vay. Phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội tạo động lực phấn đấu của hệ thống tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhâm dịp này, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khen thưởng 01 tập thể 8 cá nhân; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khen thưởng 4 tập thể, 20 cá nhân; Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng 6 tập thể, 55 cá nhân có thành tích xuất sắc./.