Thứ ba, 31/10/2017 15:15 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Sau 03 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Nhiều nguồn huy động vốn cho tín dụng chính sách từ Chỉ thị 40 (Ảnh: Trần Việt)
Chỉ thị cũng đã tạo ra sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cụ thể: đã bố trí 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện; quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại những địa bàn còn chưa tốt; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội...
Mặc dù ngân sách Nhà nước có thời điểm còn khó khăn, nhưng các Bộ, các ngành đã quan tâm, tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực để bổ sung cho NHCSXH: Bố trí vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH; bổ sung vốn điều lệ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho NHCSXH./.
HNV