Chủ động để thực hiện tốt hơn Chỉ thị 40 về tín dụng chính sách

Thứ ba, 14/01/2020 09:54
(ĐCSVN) – Điều này được bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc khẳng định khi trao đổi với phóng viên báo chí bên thềm xuân Canh Tý 2020 về những nhiệm vụ của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam trong 2019 vừa qua và trong 2020 này.

Trên 6,5 triệu hộ đang có dư nợ

leftcenterrightdel
 Phó Tổng giám đốc Trần Lan Phương chia sẻ về kết quả 2019 và nhiệm vụ 2020 (Ảnh: PV)

Theo Phó Tổng giám đốc Trần Lan Phương, ngay từ những ngày đầu năm 2019, NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019 và các Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) để chủ động thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt hoạt động.

Cụ thể, đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 211,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 17,4 nghìn tỷ đồng so với năm 2018. Năm 2019, là năm thứ 05 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 11.610 tỷ đồng, riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng so với cuối năm 2018, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 15.443 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2019, tổng dư nợ của NHCSXH đạt 206.805 tỷ đồng, tăng gần 19.013 tỷ đồng so với 31/12/2018, với trên 6,5 triệu hộ đang có dư nợ. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng lớn như: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ nghèo; hộ mới thoát nghèo; hộ cận nghèo; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; giải quyết việc làm và học sinh sinh viên.

Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao thì việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn hệ thống NHCSXH. Đến 31/12/2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.435 tỷ đồng, chiếm chỉ tỷ lệ 0,7% tổng dư nợ, giảm 0,12% so với năm 2018.

Trong năm 2019, tổng doanh số cho vay đạt 72.814 tỷ đồng, tăng hơn 10.735 tỷ đồng so với năm 2018, với gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 266.000 lao động, trong đó giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 15,6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

Tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm

leftcenterrightdel
 Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 về tín dụng chính sách (Ảnh: VBSP)

Cũng theo bà Phương, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 của NHCSXH đó là tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó:  Chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHCSXH và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, thực hiện tốt kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. NHCSXH tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có thiệt hại về thiên tai... Vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bà Trần Lan Phương khẳng định, để thực hiện tốt nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng, NHCSXH phải đẩy mạnh các giải pháp về huy động vốn như: tập trung huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, thu hồi tốt nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay mới...

Đặc biệt, cần chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới phù hợp và đảm bảo đúng quy định, trong đó:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước tiến hành khảo sát, tổng kết đánh giá chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; đề xuất tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ ba, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động ủy thác giai đoạn 2014 - 2019, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực  đối với đội ngũ cán bộ của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn.

Song song là, tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, đặc biệt chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục theo quy định, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch tại các Điểm giao dịch xã, củng cố tốt các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Cuối cùng, NHCSXH tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Lê Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực