Cởi “nút thắt” để nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch

Thứ năm, 19/11/2015 14:06

(ĐCSVN) - Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) là chương trình tín dụng lớn tại NHCSXH, sau hơn 10 năm thực hiện, tính đến 30/9/2015, doanh số cho vay của chương trình đạt 31.718 tỷ đồng với hơn 4,3 triệu lượt hộ vay vốn.

Tuy nhiên, theo báo cáo thống kê của các bộ ngành chức năng cho thấy, hiện mới chỉ có 80% dân số đô thị dùng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, 85% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh nhưng chỉ khoảng 42% đạt quy chuẩn. Vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch về vệ sinh môi trường.

Khó khăn trước hết là về nhận thức của người dân về lợi ích trong việc sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nơi trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe và đời sống thường ngày.

“Trước kia dùng nước giếng khoan gia đình tôi không thấy có vấn đề gì. Nhưng giờ có nước sạch và nhà vệ sinh, mọi người trong gia đình tối thấy khỏe hơn, không hay mắc bệnh về đường ruột. Biết thế này tôi đã vay từ lâu rồi, trước kia lạc hậu quá”, chị Nguyễn Thị Thành, thôn Nghĩa Lộ, xã Chỉ đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên phấn khởi chia sẻ về hiệu quả của việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

 

 Nguồn nước sạch đến với người dân Hưng Yên (Ảnh: PV)


Đã có một thời kỳ, gia đình chị Thành và những người xung quanh chủ yếu dùng nước giếng khơi tự lọc để ăn uống, sinh hoạt, tự cảm thấy không cần thiết phải thay đổi. Mãi đến năm 2013, khi thấy nguồn nước mặt không còn đảm bảo do đã bị nhiễm hóa chất từ những làng nghề lân cận, đồng thời được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích về lợi ích của việc dùng nước sạch và vệ sinh theo tiêu chuẩn, chị mạnh dạn vay NHCSXH 8 triệu đồng để xây nhà vệ sinh mới và mua đường ống dẫn nguồn nước sạch về nhà.

Bên cạnh vấn đề về nhận thức, mức cho vay của chương trình cũng chưa khuyến khích được người dân. Mặc dù mức vay đã được nâng từ 4 triệu đồng/công trình lên 6 triệu đồng/công trình/hộ (mỗi hộ được vay tối đa 12 triệu đồng/2 công trình) nhưng còn thấp so với nhu cầu hộ dân và chi phí nguyên vật liệu để xây dựng các công trình tại thời điểm hiện nay. Theo ông Ngô Hồng Sơn, thôn Cầu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), số tiền 12 triệu đồng gia đình ông được vay từ chương trình NS&VSMTNT của NHCSXH thực sự chưa thấm vào đâu so với tổng số tiền đầu tư hơn 50 triệu đồng của gia đình. Xã nơi ông ở chưa có nước nhà máy, các gia đình phải khoan giếng, đầu tư mua bộ lọc tiêu chuẩn, nhưng riêng tiền công khoan giếng ở mức 75m chiều sâu đã là 10 triệu đồng, nếu khoan nông 10m thì nước không đủ đảm bảo vệ sinh, chưa kể xây, mua máy bơm... Đối với những hộ khó khăn phải xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay thì thường công trình không bảo đảm chất lượng hoặc hộ sẽ không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện công trình.

Những khó khăn trên hiện gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình, thiết nghĩ, các địa phương ngoài nguồn vốn từ chương trình cho vay NS&VSMTNT, cần huy động nguồn vốn khác như chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn sự nghiệp, xã hội hóa để đầu tư các công trình nước sạch nhằm để góp phần giúp nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực