(ĐCSVN) - Ngày 26/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu khả thi “Ứng dụng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động của NHCSXH”. Đây là dự án được tài trợ bởi Quỹ Châu Á, tư vấn quốc tế là MicroSave và nhóm chuyên gia trong nước là công ty VietED, Công ty cổ phần phần mềm trực tuyến Việt Nam.
Dự án nghiên cứu thực hiện cả hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Khảo sát định tính với các đơn vị bên trong và bên ngoài hệ thống, đánh giá nhu cầu khách hàng tại 5 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh. Khảo sát định lượng với khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của NHCSXH tại 25 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh.
|
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu khả thi "Ứng dụng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động của NHCSXH" (Ảnh: PV) |
Kết quả khảo sát khách hàng với hơn 1.500 khách hàng được phỏng vấn cho thấy, đa số người được phỏng vấn đều phản hồi là thiếu minh bạch trong việc tiếp nhận thông tin và không nắm bắt rõ về quy trình là hai khó khăn chính khi họ tiếp cận với dịch tài chính chính thức tại Việt Nam. Tốn chi phí, công sức và thời gian (chi phí cơ hội và chi phí trực tiếp) khi tiếp cận dịch vụ tài chính cũng là một thách thức. Bên cạnh đó, Viettel là nhà mạng di động được khách hàng sử dụng phổ biến nhất. Ngoài ra, điện thoại di động họ sử dụng chủ yếu là điện thoại cơ bản. Thêm nữa, đa số cũng nhất trí là đều sẵn sàng thanh toán cước phí mobile banking miễn là giá hợp lý và cần được hướng dẫn sử dụng công nghệ dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động.
Kết quả đánh giá khả năng sẵn sàng của NHCSXH, tất cả các Phòng/Ban trong hệ thống đều ủng hộ nhất trí việc triển khai mô hình mobile banking cho NHCSXH. Căn cứ vào vai trò và trách nhiệm của từng Phòng/Ban, họ đã chia sẻ các ý kiến về một số thách thức cần phải được giải quyết để có thể triển khai hệ thống mobile banking một cách có hiệu quả. Một số cân nhắc chính là: i) điều chỉnh và sắp xếp các quy trình của NHCSXH để có thể tích hợp dễ dàng với kênh dịch vụ mobile banking; ii) cần thuyết phục và có được sự đồng thuận của các bên liên quan bên trong (cán bộ NHCSXH) và bên ngoài (tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn/hội, đoàn thể) của ngân hàng để có thể thực hiện mô hình có hiệu quả; iii) ủng hộ cách tiếp cận theo từng giai đoạn và cần thực hiện thí điểm; và iv) yêu cầu về hỗ trợ đào tạo và cầm tay chỉ việc cho khách hàng để họ có thể sử dụng dịch vụ với công nghệ mới.
Do đó, dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động đóng vai trò quan trọng là kênh giao dịch mới giúp NHCSXH đáp ứng nhu cầu cho khách hàng và Ngân hàng trong điều kiện môi trường bên trong và bên ngoài thuận lợi như hiện nay.
Trên cơ sở nhu cầu và đặc thù của NHCSXH và khách hàng, NHCSXH sẽ triển khai theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 NHCSXH triển khai dịch vụ SMS Banking nhằm cải thiện tính minh bạch. Dịch vụ này sẽ cung cấp cho khách hàng các thông tin về giao dịch, các biến động số dư tiền gửi, số dư tiền vay; thông báo nợ đến hạn và thời hạn trả nợ; thông báo chuyển nợ quá hạn và đôn đốc thu hồi nợ; thông tin đối chiếu số dư tiền gửi, tiền vay, số lãi còn phải trả. Ngoài ra, NHCSXH cung cấp thông tin về các chương trình tín dụng chính sách khi khách hàng nhắn tin về NHCSXH để tìm hiểu thông tin. Đến giai đoạn 2, NHCSXH triển khai thí điểm dịch vụ mobile banking nhằm cải thiện tính hiệu suất, hiệu quả. Khi khách hàng đã quen dần với dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động, NHCSXH sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán trên nền tảng di động như dịch vụ gửi tiết kiệm, thanh toán khoản vay, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Trưởng Ban quản lý dự án Hoàng Minh Tế, cho biết: “Thực hiện mục tiêu chiến lược của NHCSXH theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH hướng tới thực hiện đa dạng hóa dịch sản phẩm dịch vụ, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ như tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền, góp phần giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí của người nghèo, thay thế việc ưu đãi lãi suất bằng các ưu đãi khác và lãi suât tiếp cận thị trường đối với nhóm khách hàng không phải người nghèo”.
NHCSXH nhận thấy việc ứng dụng công nghệ điện thoại di động trong cung cấp dịch vụ sản phẩm là cần thiết và có tiềm năng trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt trong tình hình phát triển mạnh công nghệ ứng dụng với tốc độ cao như hiện nay./.