Hội viên cựu chiến binh làm thủ tục vay vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã (Ảnh: T.N)
Theo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Bố Trạch, tính đến nay, có 25/30 hội cựu chiến binh cơ sở đang nhận ủy thác vay vốn do Hội quản lý với 62 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 2.411 hộ gia đình vay vốn. Tổng số tiền dư nợ đạt trên 63 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,07%, trong đó cho vay hộ nghèo 12 tỷ đồng, hộ cận nghèo 14 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 7 tỷ đồng, vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 9 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 15 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, thực hiện triển khai vận động các thành viên trong Tổ TK&VV hình thành thói quen tiết kiệm chi tiêu, tích lũy hàng tháng gửi tiết kiệm tại NHCSXH thông qua tổ để tạo nguồn tích lũy khi gặp khó khăn và trả nợ, trả lãi ngân hàng khi đến hạn, đến nay có 100% Tổ TK&VV, trên 75% hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 2,3 tỷ đồng.
Để quản lý hiệu quả các nguồn vốn vay và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, công tác bình xét, phê duyệt, giám sát và hướng dẫn Tổ TK&VV hoạt động là khâu quan trọng nhất. Vì vậy, Hội cựu chiến binh thường xuyên kiểm tra giám sát, hướng dẫn và có biện pháp khắc phục xử lý những trường hợp tiêu cực phát sinh, phối hợp xử lý các trường hợp nợ khó đòi, nợ quá hạn, từ đó chất lượng tín dụng được nâng lên và hoạt động ủy thác ngày càng hiệu quả.
Hơn nữa, NHCSXH và các cấp hội còn thường xuyên phối hợp theo dõi kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động, duy trì hoạt động của Tổ TK&VV theo đúng quy chế hoạt động. Hàng năm, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác, đánh giá phân loại Tổ TK&VV, kịp thời chia tách những tổ có số lượng vượt thành viên và sáp nhập những tổ ít thành viên, hoạt động không hiệu quả nhằm nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của tổ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Hội Cựu chiến binh huyện cũng đã phối hợp với NHCSXH kiểm tra 19/25 hội cấp xã đạt 76% kế hoạch năm, 45 Tổ TK&VV, 175 hộ gia đình vay vốn.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiền chăn nuôi hiệu quả nhờ vốn vay ưu đãi (Ảnh: T.N)
Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiền, ở thôn Phúc Đồng 1, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, mới thấy rõ ràng hơn hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ủy thác qua Hội cựu chiến binh. Trước kia, gia đình ông Hiền có cuộc sống nghèo khó, được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi, ban đầu, ông chỉ mua ít cây con và con giống về trồng và chăn nuôi nhằm cải thiện phần nào thu nhập kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, trang trại của gia đình dần được phát triển và mở rộng. Hiện, trang trại của gia đình ông đang nuôi 100 con gà và hơn 700 gốc cây tiêu, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Hay như gia đình cựu chiến binh Lê Văn Hiền ở thôn Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, trước đây, là hộ nghèo. Trở về địa phương sau những năm tháng tham gia quân ngũ, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn, có 4 người con đang tuổi ăn học, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Với bản chất của người lính không cam chịu trước đói nghèo, cộng với nguồn vốn vay 50 triệu đồng hộ nghèo, ông đã cần cù chịu khó khai khẩn, cải tạo đất đồi để trồng keo, tiêu, chăn nuôi lợn, gà. Nhờ đó, đến nay gia đình ông đã có 2ha keo, 01ha tiêu, hàng trăm con lợn, gà thu hoạch trung bình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài chương trình hộ nghèo gia đình ông còn được vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để cho con theo học đại học.
Tâm sự với chúng tôi, cựu chiến binh Lê Văn Hiền chia sẻ, có được cuộc sống ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, gia đình ông đã nhận được sự giúp đỡ về vốn ưu đãi và tiếp cận khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, chăn nuôi từ NHCSXH và Hội Cựu chiến binh xã. Ông cũng cam kết sẽ cố gắng phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ nhiều hội viên cựu chiến binh khác có việc làm và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bố Trạch Phan Văn Hiếu cho hay, vốn vay ưu đãi được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới, nhiều hội viên cựu chiến binh đã vươn lên thoát nghèo làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Cũng theo ông Phan Văn Hiếu, để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, cán bộ hội viên đã thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cách làm hay. Hàng năm, hội tiến hành bình xét những hộ gia đình cựu chiến binh có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương sản xuất, kinh doanh giỏi từ sử dụng vốn vay để tuyên truyền nhân rộng. Hàng tháng, hàng quý, hội tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn của hội viên, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh đồng thời phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi.