(ĐCSVN) – Theo Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB), lực lượng CCB đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong suốt thời gian qua.
Đáng chú ý trong 3 năm (2012-2014), các tỉnh, thành Hội khu vực Tây Nam Bộ đã phối hợp tốt với NHCSXH và cấp ủy, chính quyền các địa phương nỗ lực tập trung xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn và đã đạt được kết quả tốt. Thời điểm tháng 6/2012, nợ quá hạn cao nhất là 99,639 tỷ đồng; đến 31/12/2012 giảm xuống còn 69,935 tỷ đồng; đến 30/11/2014 đã giảm xuống còn 30,350 tỷ đồng. Đã có 12/12 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ quá hạn theo lộ trình đến cuối năm 2014; trong đó có 9/12 đơn vị hoàn thành trước 31/12 năm 2013.các đơn vị giảm vượt chỉ tiêu từ 0,85% đến 0,53% như Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang. Còn 3 đơn vị sang năm 2014 mới đạt chỉ tiêu đề ra là An Giang, Bạc Liêu,Cà Mau.( An Giang năm 2014 giảm được 2,39%; Bạc Liêu giảm được 1,74%; Cà Mau giảm được 0,76% nợ quá hạn)
|
Phiên giao dịch tại xã của NHCSXH. (Ảnh: PV) |
Nhìn chung, việc thu lãi tồn đọng của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, tổng hợp chung trong khu vực thì lãi tồn đọng một số đơn vị cuối năm 2012, 2013 vẫn còn tăng, chưa giảm so với thời điểm xây dựng đề án và so với chỉ tiêu đề án yêu cầu. Chỉ có một số ít đơn vị lãi tồn đọng giảm, không tăng so với 31/12/2011 như Cà Mau, Trà Vinh…
Các đơn vị đã tập trung chỉ đạo xử lý nợ bị chiếm dụng đạt yêu cầu theo tiến trình đề ra. Nhiều tỉnh, thành không có và không còn nợ bị chiếm dụng. Nợ bị chiếm dụng cơ bản đã được ngăn chặn và từng bước thu hồi, ít có phát sinh mới. Chỉ còn 2 tỉnh còn nợ bị chiếm dụng là Sóc Trăng, Kiên Giang; Kiên Giang đã xử lý, thu hồi 3 vụ 45 triệu đồng, còn 1 vụ 9 triệu đồng tiền lãi đã báo cáo Viện Kiểm sát chờ xử lý; Sóc Trăng còn 9 triệu đồng.
Đối với chỉ tiêu xử lý dư nợ chưa đổi được sổ, về cơ bản, các đơn vị đều thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra theo tiến trình đề án. Tuy nhiên, dư nợ chưa đổi được số của một số đơn vị vẫn còn cao như: An Giang 14.034 triệu đồng; Bạc Liêu 7.508 triệu đồng; Đồng Tháp 7.291 triệu đồng.
Về chỉ tiêu về củng cố hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), các tỉnh, thành Hội đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để củng cố hoạt động của Tổ TK&VV, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề án mức độ hoàn thành chỉ tiêu này đạt cao, có 84,3% các Tổ được xếp loại tốt và khá; chỉ còn một tỉnh Bạc Liêu chưa giảm hết Tổ yếu .
Liên quan tới công tác lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro, căn cứ hướng dẫn của NHCSXH các đơn vị đã phối hợp tốt với chính quyền, chỉ đạo các cấp cơ sở phân tích, đánh giá nợ theo Văn bản số 1669/NHCS-TDNN của Tổng giám đốc. Những đơn vị thực hiện đạt kết quả cao về số hộ và số tiền là: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Đánh giá chung về công tác ủy thác tín dụng chính sách của CCB Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Đạo cho biết, có thể thấy, vai trò tham mưu, nòng cốt, sự chỉ đạo quyết liệt của NHCSXH và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp Hội về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, đã từng bước làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của tổ chức Hội, đoàn thể, trong đó có Hội CCB; thay đổi cách làm trì trệ của một bộ phận cán bộ ngân hàng và cán bộ cơ sở, ý thức có vay có trả của người dân; tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Hơn nữa, việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và thực hiện ủy thác của các tỉnh, thành Hội theo đề án được duyệt đã tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác. Đã hoàn thành 4 trên 5 chỉ tiêu theo lộ trình đến cuối năm 2014 của đề án (chỉ tiêu thu hồi lãi tồn đọng của một số tỉnh chưa đạt: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang…).
Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ Hội phụ trách, theo dõi, chỉ đạo, thực hiện ủy thác ở các cấp đã từng bước được kiện toàn, sắp xếp đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ. Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, rút kinh nghiệm, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện ở những đơn vị còn nhiều khó khăn, còn yếu trong thực hiện nội dung, chỉ tiêu của đề án.
Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Đạo, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa có sự chỉ đạo tích cực, thường xuyên với Ban giảm nghèo; một số tổ chức Hội ở cơ sở chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền và NHCSXH trong tổ chức thực hiện giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác; đặc biệt trong củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Một số ít cán bộ Hội được thay thế sau đại hội nhiệm kỳ V chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ nên còn lúng túng khi triển khai thực hiện ủy thác. Còn một chỉ tiêu thu hồi lãi tồn đọng chưa đạt theo yêu cầu. Còn một đơn vị (Cà Mau) có nợ quá hạn cao 1,77%, tính an toàn, bền vững về chất lượng tín dụng của một vài đơn vị chưa cao.
|
Niềm vui của người dân vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách phục vụ sản xuất. (Ảnh: PV) |
Lý giải cho những thành công và hạn chế qua thực hiện ủy thác tín dụng chính sách của Hội
Phân tích về nguyên nhân của những kết quả đạt được cũng như hạn chế qua triển khai hoạt động ủy thác tín dụng chính sách của CCB khu vực Tây Nam Bộ, Ban chỉ đạo nhận định, nguyên nhân cơ bản đạt được kết quả bước đầu nói trên là có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đặc biệt của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; có vai trò tham mưu và chỉ đạo quyết liệt của NHCSXH, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên có hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội CCB các cấp.
Ngoài ra, Trung ương Hội CCB Việt Nam và các tỉnh, thành Hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác của NHCSXH ở khu vực Tây Nam bộ, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị cơ sở; triển khai thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao; thường xuyên tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm trong từng đơn vị để chỉ đạo kịp thời.
Trong khi đó, việc còn tồn tại hạn chế xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Trong đó, về khách quan, biến đổi khí hậu, mưa lũ, ngập úng, nước mặn xâm thực, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng... làm thiệt hại, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có vay vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH; từ đó làm giảm chất lượng tín dụng, hiệu quả vốn vay.
Còn về chủ quan, phối hợp giữa phòng giao dịch NHCSXH với các cấp Hội và chính quyền ở một số địa phương để thực hiện các giải pháp chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu hồi lãi tồn đọng theo đề án được duyệt và chất lượng thực hiện ủy thác ở một số đơn vị đạt thấp. Hơn nữa, lại có nhiều nguyên nhân làm cho tãi tồn đọng tăng cộng với việc thường xuyên chăm lo sắp xếp, củng cố lại hoạt động của các Tổ TK&VV chưa được cấp Hội cơ sở quan tâm đúng mức; năng lực, trách nhiệm, nhiệt tình của một số Tổ trưởng, cán bộ Hội cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện đề án. Thậm chí, nhiều nơi tổ thu hồi nợ cấp xã được thành lập (có thành viên của Hội Cựu chiến binh cấp xã) nhưng hoạt động còn hạn chế, chưa phối hợp tốt với NHCSXH nơi cho vay đôn đốc thu hồi, chưa xử lý kiên quyết với những hộ chây ỳ gây tâm lý lan tràn sang các hộ khác trong địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong thời gian tới
Trung ương Hội CCB cho rằng, để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò ủy thác tín dụng chính sách của Hội CCB các cấp, tới đây sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm có:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác của NHCSXH. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác, đặc biệt quan tâm đến việc củng cố hoạt động của Tổ TK&VV.
Thứ hai, Hội cấp trên tăng cường thời gian kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp ở cơ sở, đặc biệt là các đơn vị còn nhiều yếu kém trong thực hiện ủy thác. Phân công các thành viên Ban Thường vụ các cấp Hội phụ trách các địa bàn quản lý đối với việc thực hiện ủy thác, hàng quý có báo cáo đánh giá tình hình cho Thường trực tỉnh, thành Hội; sáu tháng các tỉnh, thành Hội có báo cáo cho Thường trực Trung ương Hội về tình hình thực hiện.
Thứ ba, bố trí sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, trách nhiệm, nhiệt tình để chỉ đạo, theo dõi, tổ chức thực hiện ủy thác của NHCSXH; đặc biệt là cán bộ làm Tổ trưởng Tổ TK&VV, cán bộ các chi hội, phân hội trực tiếp phụ trách hoặc theo dõi hoạt động của Tổ. Tiếp tục củng cố hoạt động của Tổ TK&VV theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị.
Thứ tư, chỉ đạo các huyện, quận Hội phối hợp với Ngân hàng ký kết và đánh giá lại việc thực hiện hợp đồng ủy thác tại cấp xã, phường; rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành để nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác. Yêu cầu Hội cấp xã, phường phải xây dựng kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, nhất là những Tổ yếu kém.
Thứ năm, tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Hội trong việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác, lồng ghép các nội dung tập huấn về hoạt động kinh tế của tổ chức Hội trong năm. Phối hợp với NHCSXH phân tích đánh giá thực trạng dư nợ xấu và hoạt động của Tổ TK&VV, nguyên nhân tồn tại, yếu kém, tìm giải pháp khắc phục nhanh. Tham mưu cho UBND cấp xã, phường chỉ đạo trưởng thôn, ấp cùng với cán bộ của tổ chức Hội giám sát việc bình xét cho vay ngay tại Tổ TK&VV. Những món vay mới phải bình xét cho vay theo chỉ đạo của Tổng giám đốc tại Văn bản 1208/BC-NHCS; chỉ cho vay những hộ có nhu cầu vay vốn, có phương án sử dụng vốn rõ ràng, có khả năng quản lý vốn vay, phải nhận thức được có vay có trả và tự giác trả lãi hàng tháng, trả gốc đến hạn.
Thứ sáu, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; làm rõ nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay và trả nợ. Tiếp tục đưa việc thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác vào tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm của các cấp Hội.
Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội CCB các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ sẽ quyết tâm cùng với cấp ủy, chính quyền và Ngân hàng CSXH tìm mọi giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong thời gian tới./.