Đà Bắc, Hòa Bình: Chung sức, chung lòng, đồng tâm nỗ lực “xóa đói, giảm nghèo” bền vững

Thứ sáu, 16/10/2020 14:03
(ĐCSVN) - Cơ duyên sau gần 3 năm kể từ chuyến công tác về Vầy Nưa, Đà Bắc, Hòa Bình ngày nào lại đưa tôi có dịp theo đoàn công tác của Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương về Đà Bắc, Hòa Bình – một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh Hòa Bình - vào những ngày cuối tháng 9 của năm 2020.

Lần này, đường sá đã được cải thiện hơn rất nhiều so với 3 năm trước đó. Đáng mừng hơn cả là chất lượng tín dụng chính sách vẫn tiếp tục được củng cố và minh chứng là đã cùng người dân Đà Bắc vượt khó để phát triển kinh tế, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từ vốn chính sách đã có nhiều hộ dân tìm được hướng đi phù hợp trong nỗ lực vượt lên thoát nghèo.

Đổi thay tích cực nơi miền núi cao

 Anh Đinh Văn Thái (Áo xanh)  ở  Nà Chiểu, Cao Sơn  giới thiệu về vườn bưởi từ vốn vay tín dụng chính sách với cán bộ NHCSXH tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc (Ảnh: HNV)

Trong lịch trình công tác lần này, chúng tôi tìm về địa bàn xã Cao Sơn và xã Tú Lý của huyện. Tại Cao Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Văn Mẹo thông tin, Hội Nông dân xã nhận ủy thác với dư nợ 8,1 tỷ trên tổng sổ 30 tỷ dư nợ của xã. “Chúng tôi có 5 tổ Tiết kiệm và vay vốn trải đều trên 9 thôn xóm với 1.147 hộ và trên 4.000 nhân khẩu, không có nợ quá hạn nào. Nguồn vốn vay tín dụng chính sách chủ yếu được bà con dùng để mua trâu bò, ngoài ra còn phục vụ cho trồng rừng (cây keo, bồ đề) và gần đây chuyển đầu tư sang cả trồng bưởi, trồng cam với tổng diện tích trên 100ha đem lại thu nhập đáng kể cho bà con trên địa bàn” – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Văn Mẹo kể.

Đến thăm hộ vay vốn Đinh Văn Thái tại thôn Nà Chiểu, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, chúng tôi gần như bị “ngợp” trước cơ ngơi của gia đình anh. Cả một vườn bưởi trĩu quả sắp thu hoạch, chưa kể khu ao cá và chuồng nuôi lợn mán cùng gà vịt kết hợp theo mô hình vườn ao chuồng quy củ. Bên hiên nhà, cạnh vườn bưởi xanh mát, anh kể cho chúng tôi về quá trình vay vốn, sản xuất kinh doanh của gia đình và hiện gia đình đã ra khỏi diện hộ nghèo và cận nghèo, bước đầu có “của ăn của để” dù vẫn còn khó khăn.  “Từ năm 2018, gia đình tôi vay 40 triệu của NHCSXH cho chương trình sản xuất kinh doanh. Trước đó, vay 12 triệu cũng của NHCSXH cho chương trình nước sạch nông thôn. Từ nguồn vốn vay, gia đình cải tạo điều kiện vườn tược, đầu tư cho 5.000 m2 trồng bưởi diễn xen cây đinh lăng. Ngoài ra, cùng với hỗ trợ của người thân, hai vợ chồng tôi còn đầu tư chăn nuôi lợn mán với 3 con nái, 1 năm xuất chuồng 2 lứa đồng thời nuôi thêm 2 cặp trâu” – anh Đinh Văn Thái kể.

Về xã Tú Lý, chủ tịch UBND xã, ông Đinh Thanh Xuân cho biết, toàn xã có 20 thôn và dân tộc chủ yếu là Tày, Mường, Dao. Tổng dư nợ chương trình tín dụng chính sách tại xã trị giá hơn 40 tỷ đồng, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo, hoạt động sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. “Trọng tâm vốn tín dụng chính sách là ưu tiên cho thoát nghèo bền vững và đáng mừng là đây là một trong những nguồn lực trọng tâm để xã triển khai hiệu quả chương trình nông thôn mới, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019 vừa qua”.

Đến Tú Lý, đoàn chúng tôi đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi tiếp cận một số mô hình vay vốn hiệu quả nơi đây. Đoàn chúng tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình của hộ vay vốn Xa Thị Thương ở xã Kỳ Đà vay vốn từ 2014 thoát nghèo và sau khi trả xong thì năm 2017 lại được vay để tiếp tục tái sản xuất cho hộ vùng khó khăn. “Bây giờ gia đình có 13 con bò đang nuôi, trước đó đã bán 10 con từ cặp bò mua ban đầu nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Ngoài ra, gia đình còn 3.000m ruộng lúa, 3.000m trồng keo. Gia đình còn nuôi gà, nuôi vịt thịt theo mô hình vườn ao chuồng, tổng thu nhập của gia đình bây giờ bình quân 200 triệu/năm” – chị Xa Thị Thương cho biết.

Tiếp đoàn công tác tại Phòng giao dịch chi nhánh, ông Nguyễn Bình Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc, Hòa Bình cho hay, những thành công của tín dụng chính sách trên địa bàn Đà Bắc thời gian qua là nhờ sự chung sức, chung lòng, đồng tâm của cấp ủy, chính quyền cũng như sự chủ động và ủng hộ tích cực của người dân mà trực tiếp là các hộ dân vay vốn trong nỗ lực “xóa đói, giảm nghèo” bền vững. Đặc biệt phải kể đến tác động hiệu quả của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong lãnh đạo chỉ đạo nhằm góp phần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, Ban thường vụ Huyện ủy Đà Bắc đã chỉ đạo tổ chức Đảng,Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Chính trị- xã hội tích cực triển khai. Trên cơ sở chỉ đạo đó, 100% cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Hàng năm, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Hội đồng nhân dân, UBND huyện đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tính từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, UBND huyện đã chuyển sang NHCSXH huyện 1,150 triệu đồng. Cấp ủy, Chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 20/20 điểm giao dịch cố định tại UBND các xã, thị trấn.

 Một phiên giao dịch định kỳ tại xã Tú Lý những ngày phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh: HNV)

Đáng chú ý, sau 5 năm triển  khai và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện đã có nhận thức rõ hơn về vai trò vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và có sự chuyển biến tích cực trong ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đoàn thể, của đội ngũ cán bộ viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, ngưới đứng đầu các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách đối với việc phát triển kinh tế, xã hội góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, ngày càng trong sạch vững mạnh.

Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, vị giám đốc NHCSXH Đà Bắc cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, còn chưa có các biện pháp cụ thể, tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng như còn một số hộ vay khi đến hạn còn chây ỳ, hộ vay bỏ khỏi nơi cư trú...; một số tổ chức, cơ sở Đảng chưa quán triệt sâu rộng triển khai thực hiện Chị thị 40-CT/TW đến toàn thế cán bộ, đảng viên.

Những kết quả nổi bật

Cũng theo ông Nam, Giám đốc NHCSXH Đà Bắc, đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 351.447 triệu đồng, tăng 172.291 triệu đồng (tăng 96,17%) so với 31/12/2014 bình quân mỗi năm tăng 34.458 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2019 là 350.619 triệu đồng, tăng 171.841 triệu đồng (+96,11%) so với 31/12/2014. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 515 tỷ đồng, với 20.773 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh đã được vay vốn; trong đó 7.278 lượt hộ nghèo, 3.147 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp trên 10.425 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 415 lao động tạo được việc làm, trong đó có 33 lao  động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 252 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng 8.228 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn (nhà vệ sinh, hầm bioga...); trợ giúp 809 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vươn lên thoát nghèo...

Chất lượng tín dụng được kiểm soát, duy trì trong giới hạn cho phép: Nợ quá hạn đến 30/6/2019 là 191 triệu đồng, giảm 405 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 0,05%. Nợ khoanh 2.201 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,6%, tăng 2.137 triệu đồng so với năm 2014; số xã không có nợ quá hạn đạt 13/20 (chiếm tỷ lệ 65%), công tác xử lý nợ rủi ro kịp thời cho các đối tượng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương, NHCSXH còn tập trung nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân, tính đến 30/6/2019 công tác huy động đạt 11.412 triệu đồng, tăng 9.695 triệu đồng (+564%) so với 31/12/2014, trong đó: nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là 4.373 triệu đồng với 243 Tổ TK&VV tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm, đạt 100% trên tổng số Tổ TK&VV của toàn huyện. Việc triển khai huy động tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV có tác dụng tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tạo thói quen thường xuyên thực hành tiết kiệm, nhằm tích góp, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả nợ NHCSXH, tạo lập vốn tự có, đồng thời góp phần bổ sung nguồn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch...

Hộ vay Xa Thị Thương ở  Kỳ Đà, Tú Lý giới thiệu chuồng bò và đàn bò có được từ vốn tín dụng chính sách với đoàn công tác (Ảnh: HNV) 

Quan trọng hơn cả là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; qua đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân thuộc đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay, tạo sự chuyển biến trong công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện và thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối tượng chính sách hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân với mục tiêu đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận vốn vay, được cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH; góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức; sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí khi vay vốn; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác và sử dụng vốn có hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập; cải thiện, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.

Không những thế, hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cũng được nâng cao, đảm bảo chỉ đạo triển khai kịp thời tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt từ năm 2015 việc triển khai Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban đại diện cấp huyện đã tạo sự thống nhất, tập trung trong triển khai tín dụng chính sách ở cơ sở. Đến nay, tổng số thành viên tham gia hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện có 32 thành viên, trong đó có 20 thành viên là Chủ tịch UBND xã, thị trấn. Việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, cũng như việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn, thu hồi nợ đến hạn đều đã được nâng cao rõ rệt góp phần quan trọng trong hoạt động quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Bên cạnh đó, với phương thức cho vay ủy thác qua tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác các cấp được triển khai sâu rộng đến các cấp Hội, đoàn thể, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên việc thực hiện chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khá thuận lợi. Mỗi khoản vay đều được tổ chức hội, chính quyền địa phương bình xét, công khai, dân chủ, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị giúp người dân nhanh chóng được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân và cấp ủy Đảng, Chính quyền; hoạt động của các cấp Hội nhận ủy thác cũng khởi sắc hơn thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, với sự giám sát và đôn đốc của cán bộ Hội đoàn thể, đồng vốn NHCSXH cho vay ủy thác phát huy hiệu quả tích cực hơn, thành viên tổ vay vốn biết thực hành tiết kiệm; giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với Ngân hàng.

Hiện nay, dư nợ ủy thác đạt 350.469 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,9 %/ tổng dư nợ và đang quản lý 243 tổ TK&VV, với 9.594 hộ vay, trong đó Hội Phụ nữ đang quản lý 81.945 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 23,4%), Hội Nông dân 95.200 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 27,2%), Hội Cựu chiến binh 84.146 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 24%), Đoàn thanh niên 89.178 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 25,4%).

Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của người dân.                                             

Lê Anh (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực