(ĐCSVN) - Sau gần 9 năm triển khai, chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV) được xem là điểm tựa vững chắc giúp cho hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
HSSV nghèo yên tâm hơn khi có đồng vốn ưu đãi tiếp sức
Thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) nêu rõ, đến nay, tổng nguồn vốn chương trình đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, cơ bản đã đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tổng doanh số cho vay đạt gần 55 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ gần 25 nghìn tỷ đồng với trên 3,2 triệu lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập.
Kết quả đạt được hơn 9 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV theo Quyết định 157 là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội. Đây là một chương trình tín dụng chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện từ khâu tạo lập, huy động nguồn vốn đến việc tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
|
Chương trình đã giúp hoàn thành ước mơ học hành của nhiều con em hộ nghèo, gia đình chính sách (Ảnh: PV) |
Chị Trần Thị Hào, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Phật Tích, xã Phật Tích huyện Tiên Du (Bắc Ninh) khoe với chúng tôi: Tổ có 56 thành viên, trong đó có 10 hộ gia đình vay vốn chương trình tín dụng HSSV với dư nợ trên 300 triệu đồng. Các hộ vay vốn chương trình HSSV đều sử dụng vốn đúng mục đích chu cấp cho các con trang trải chi phí học tập và đều có ý thức hoàn trả vốn vay.
Đến thăm hộ nghèo Nguyễn Văn Tạo tại địa bàn xã Phật Tích, chúng tôi càng thấm thía hơn niềm vui mà nguồn vốn tín dụng HSSV mang lại cho gia đình anh. Nhà có 5 người con, trong đó 2 con đang theo học đại học, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng, vợ anh - chị Mai đau ốm thường xuyên, cuộc sống gia đình rất bấp bênh. “Năm 2009, khi cô con gái đầu là Nguyễn Mai Nhung đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, cả gia đình và dòng họ rất vui mừng, ai cũng động viên gia đình muốn thoát nghèo phải cố gắng đầu tư cho con đi học, sau này có nghề mới có hy vọng thay đổi cuộc sống”, chị Mai nói.
Cùng với sự hỗ trợ của bố mẹ, đồng vốn ưu đãi đã đồng hành cùng với Nhung suốt mấy năm học. Niềm vui như được nhân lên khi người con thứ hai là Nguyễn Thị Thúy cũng tiếp bước chị bước vào giảng đường trường Đại học Y Hà Nội năm 2013. Hiện nay, cô con gái đầu là Nguyễn Mai Nhung đã ra trường và có việc làm ổn định tại trường Trung học cơ sở Phật Tích, mỗi tháng đều dành dụm tiền, chung sức cùng bố mẹ hoàn trả vốn vay cho ngân hàng và phụ giúp nuôi các em.
Trên địa bàn của huyện Tiên Du cũng xuất hiện không ít những gia đình đã định hướng, nuôi dạy con ăn học thành tài, nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Tiêu biểu nhất trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV là gia đình ông Nguyễn Đình Tảo ở thôn Trung, xã Cảnh Hưng. Để nuôi cả 4 con cùng lúc đi học đại học ông đã tần tảo sớm hôm không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong sao có đủ tiền đóng học phí và trang trải các khoản chi phí học tập sinh hoạt cho các con, để các con yên tâm tu tâm học tập, tích lũy kiến thức. Những khó khăn đó đã được giải tỏa khi gia đình ông được bình xét và kết nạp vào thành viên của Tổ TK&VV được NHCSXH cho vay vốn nuôi 4 con học đại học. Từ năm 2010 đến nay, gia đình đã được NHCSXH huyện Tiên Du cho vay 97 triệu đồng. Đến nay, hai người con của ông Tảo đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Sau khi đi làm, có thu nhập, các con đều có ý thức trích một phần thu nhập của mình cùng với thu nhập khác của gia đình hoàn trả trước hạn số tiền gốc 20 triệu đồng trong tổng số tiền được vay khi các con theo học.
Ông Tảo tâm sự: “Nếu không vay được vốn ưu đãi thì gia đình tôi không biết xoay xở thế nào, giờ các cháu đã ra trường và có việc làm ổn định, tôi cũng đã trả được một phần tiền vay cho ngân hàng, được cán bộ ngân hàng tính toán và giảm một phần lãi cho nhà tôi, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Giờ đây, trong xã ai cũng lấy gương gia đình tôi để làm gương cho các cháu trong vùng”.
Ông Tảo cũng cho biết thêm: Nguồn vốn cho vay đã linh động qua từng năm. Năm 2008, mỗi sinh viên được vay 8 triệu đồng/năm, đến nay đã tăng lên 11 triệu đồng/năm. Không chỉ tăng số tiền vay, chương trình cũng điều chỉnh lãi suất mới. Từ ngày 05/6/2015, mức lãi suất được điều chỉnh từ 0,65%/tháng còn 0,55%/tháng. 11 triệu đồng/năm/học sinh là bước tiến vượt trội của chương trình cho vay HSSV. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh trong vùng quê nghèo Tiên Du mong muốn được tăng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế và chỉ số giá tiêu dùng.
Cần thiết phải điều chỉnh nâng mức cho vay
Trong quá trình thực hiện chương trình, Bộ Tài chính đã tích cực tham mưu cho Chính phủ cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn hàng năm của HSSV, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và NHCSXH, kịp thời tham mưu cho Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức vốn cho vay tối đa đối với HSSV đảm bảo hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt và giá cả sinh hoạt thay đổi. Mặc dù mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt” nhưng với đa số HSSV vay vốn là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn lại ở các tỉnh lẻ hoặc các vùng nông thôn đến thành phố học thì bên cạnh học phí còn phải thêm các chi phí thuê nhà trọ, phương tiện đi lại và các chi phí sinh hoạt khác nên cũng rất khó khăn. Do đó, việc xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV là cần thiết, bởi trên thực tế kể từ khi thực hiện chương trình này (tháng 9/2007) đến nay cũng đã qua nhiều lần điều chỉnh mức cho vay. Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình mức cho vay là 800.000 đồng/tháng và sau gần 2 năm, đến ngày 26/8/2009 mức cho vay được tăng thêm 60.000 đồng/tháng lên mức 860.000 đồng/tháng/HSSV và từ ngày 15/11/2010, Thủ tướng Chính phủ lại quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV lên 900.000 đồng/tháng. Lần tăng mức cho vay gần đây nhất là từ ngày 01/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng mức cho vay lên 1.100.000 đồng/tháng/HSSV.
Bên cạnh đó, tại thời điểm ban hành Quyết định số 157 mức cho vay là 800.000 đồng/tháng/HSSV, qua khảo sát tại thời điểm đó mức chi phí cho học tập của HSSV khoảng 1.200.000 đồng/tháng, như vậy mức cho vay này chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% cho nhu cầu chi phí học tập của HSSV. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố năm học 2014 - 2015, chi phí học tập của một HSSV trong khoảng từ 3.000.000 đồng/tháng đến 3.500.000 đồng/tháng (Chi phí cho 1 HSSV nông thôn lên thành phố học chi phí khoảng 3.500.000 đồng/tháng), mức cho vay hiện nay là 1.100.000 đồng/tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 31,4% đến 37% nhu cầu chi phí học tập của HSSV. Với sự biến động của chỉ số lạm phát liên tục tăng từ năm 2007 (khi mới triển khai Quyết định 157) với mức vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/HSSV thì mức vay tối đa tương đương của năm 2015 sẽ là: 1.732.300 đồng/tháng/HSSV. Nếu tính chỉ số lạm phát từ năm 2011 đến nay (năm 2011 là 18,58%; năm 2012 là 6,81%; năm 2013 là 6,04%; năm 2014 là 1,48% và năm 2015 dự báo khoảng 2%) thì tính đến việc nâng mức cho vay với chương trình tín dụng HSSV là cần thiết. Đặc biệt, mới đây, theo lộ trình tăng học phí Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định thì bình quân học phí có thể tăng thêm hơn 10%, trong đó có những ngành học sẽ phải chi trả mức học phí lên tới gần 45 triệu đồng/năm/sinh viên. Trước đó, một số trường đại học, cao đẳng đã tăng mức học phí ngay từ đầu năm học 2015 - 2016.