Để thực hiện hiệu quả Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 21/01/2015 15:50

(ĐCSVN) - Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách (2012-2014) về cơ bản đã phát huy giá trị ban đầu sau 3 năm triển khai tại vùng Tây Nam Bộ. Trên cơ sở kết quả đạt được, rút kinh nghiệm, cần tập trung thực hiện tốt các định hướng để công tác tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả trong hỗ trợ giảm nghèo và việc làm.

5 bài học kinh nghiệm quý rút ra sau 3 năm thực hiện Đề án

Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ diễn ra ngày 20/1 tại Cần Thơ (Ảnh: HNV) 

Theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Võ Minh Hiệp, nhờ việc thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để ngày càng triển khai hiệu quả và bền vững Đề án.

Thứ nhất, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cấp uỷ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và đặc biệt là cấp xã; đồng thời có sự chỉ đạo sâu sát của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành công việc thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp và duy trì, ổn định, nề nếp nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ địa bàn từng ấp, từng xã, từng huyện. Có thể khẳng định, chất lượng tín dụng hoàn toàn có thể cải thiện được nếu biết phát huy nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chính trị địa phương trong việc chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ chỉ đạo của Hội đồng quản trị và hệ thống giải pháp theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH nêu tại Báo cáo số 1208/BC-NHCS ngày 6/4/2012, trong đó đặc biệt coi trọng việc phân tích nguyên nhân nợ quá hạn, khả năng trả nợ của người vay và làm tốt hơn nữa công tác khoán chỉ tiêu đến cán bộ và thi đua khen thưởng kịp thời. NHCSXH tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn; củng cố, tăng cường cán bộ cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

Thứ ba, vai trò tích cực, trách nhiệm, kiên quyết của Hội đoàn thể nhận uỷ thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trong việc bám sát cơ sở, đôn đốc người vay chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ, trả lãi và thường xuyên giúp đỡ hộ vay trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả.

Thứ tư, từ kết quả thu hồi nợ quá hạn cho thấy tác động cơ bản, lâu dài và bền vững là đã thay đổi được nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo; ý thức của người dân cũng đã thay đổi: Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước cho không hoặc sẽ xoá nợ; có nhu cầu làm ăn mới vay vốn. Tạo được niềm tin và sự phấn khởi cho các ngành các cấp, cho cả hệ thống NHCSXH; tạo đà cho sự phát triển trong tương lai. Thêm nhiều người biết đến NHCSXH và cùng giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ năm, quan tâm và làm tốt việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cho người dân, đảm bảo 1 năm 2 kỳ được giải quyết kịp thời, đúng chính sách quy định.

Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL đã đạt được hiệu quả cao, thể hiện ở chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với bình quân chung của toàn quốc, thì hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn khó khăn, hạn chế cần được tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, tin rằng, kết quả đạt được sẽ bền vững hơn.

Đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt Đề án trong 2015 và những năm tiếp theo

 Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tặng Giấy khen cho Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án (Ảnh: HNV)

Thời gian tới đây, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL cần được phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo đó, NHCSXH chủ động tham mưu cho các Ban, Bộ ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ngành, các Hội đoàn thể vùng ĐBSCL tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ. Tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Đưa kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào việc thi đua, đánh giá thi đua, khen thưởng của cấp uỷ đảng, chính quyền, Hội đoàn thể các cấp.

Duy trì và tiếp tục thực hiện hiệu quả hệ thống giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng theo chỉ đạo của NHCSXH nêu tại Báo cáo số 1208/BC-NHCS ngày 6/4/2012. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong các năm tiếp theo. Từng tỉnh tổ chức phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng giải pháp đến chất lượng tín dụng trong 3 năm thực hiện Đề án phù hợp, thiết thực với địa phương mình để phát huy tác dụng của nó trong việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Thường xuyên quan tâm đến việc xử lý nợ bị rủi ro để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với chính sách quy định.

Huy động mọi nguồn lực xã hội như: nguồn vốn Nhà nước cấp, NHCSXH huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm". Đồng thời Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: Tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền… Tạo điều kiện thuận lợi nhất đáp ứng cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trong vùng ĐBSCL có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với những dịch vụ Ngân hàng và các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

Đảm bảo chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ cho vay; tập trung giải ngân cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách quy định và kịp thời theo kế hoạch được duyệt. NHCSXH thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về hoạt động tín dụng chính sách vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.

Nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức Hội đoàn thể với sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã, đội ngũ Trưởng ấp trong quản lý và khai thác hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm ủy thác, cán bộ Tổ TK&VV có kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng; kiểm tra, giám sát; phát hiện, phòng ngừa rủi ro; tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Các Hội đoàn thể cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm với chất lượng dư nợ ủy thác, đặc biệt quan tâm đến việc củng cố hoạt động của Tổ TK&VV, thực hiện tốt các chỉ tiêu theo định hướng nêu trên. Tổ chức Hội đoàn thể cấp trung ương, cấp tỉnh cần dành nhiều thời gian chỉ đạo trực tiếp tại cơ sở, những nơi có chất lượng uỷ thác yếu kém. Thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, tổ viên thực hành tiết kiệm để gửi NHCSXH nhằm tạo lập dần vốn tự có.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, NHCSXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức Hội đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát việc thực thi tín dụng chính sách để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời vụ việc tiêu cực, hạn chế thấp nhất rủi ro trong thực hiện tín dụng chính sách, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và nâng cao hơn nữa uy tín của NHCSXH.

Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ của NHCSXH, Hội đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, về hoạt động của NHCSXH nhằm tạo điều kiện để hộ dân tiếp cận các chương trình vay vốn của Chính phủ, đồng thời nâng cao ý thức của hộ vay trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khi sử dụng vốn vay.

Các mục tiêu cụ thể thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong 2015 và những năm tiếp theo: 1- 100% người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; 2- Về tăng trưởng dư nợ: phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm tại vùng ĐBSCL khoảng 9%, bao gồm nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung hàng năm); 3- Nguồn vốn địa phương: Kế hoạch mỗi năm tăng ít nhất 10% để đến năm 2020 toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 60 tỷ đồng (tương đương với mức bình quân chung); 4- Tỷ lệ nợ quá hạn: Năm 2015, phấn đấu giữ bằng mức nợ quá hạn bình quân chung của vùng ĐBSCL thời điểm 31/12/2014 là 0,7% và phấn đấu các năm tiếp theo bằng bình quân chung toàn quốc; 5- Tỷ lệ nợ khoanh: Phấn đấu 100% các khoản nợ khoanh đến hạn trong từng năm đều được thu hồi hoặc xử lý theo chính sách quy định để tỷ lệ nợ khoanh được giảm bình quân mỗi năm 0,3%; 6- Thu lãi tồn đọng: Phấn đấu bình quân một năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng; 7- Tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV. Phấn đấu hàng năm có trên 65% Tổ TK&VV tốt, giảm ít nhất 10% Tổ trung bình và không có Tổ yếu kém; 8- Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung công việc uỷ thác đã được ký kết giữa NHCSXH và Hội đoàn thể theo văn bản 3948/VBTT ngày 03/12/2014 về việc thực hiện uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nâng cao chất lượng dư nợ làm uỷ thác và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các Hội, đoàn thể để ngăn chặn kịp thời vụ việc tiêu cực phát sinh (Nguồn: Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực